Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nhà quay phim, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn đã quay nhiều bộ phim nổi tiếng. Những thước phim trong suốt - tập truyện ký của ông cũng nhắc tới quá trình quay những tác phẩm ấy. Đó là Thị xã trong tầm tay, Hoa ban đỏ, Ngã ba Đồng Lộc…
Với một văn phong nhẹ nhàng, tập ký Những thước phim trong suốt của ông phác họa lại những chặng đường làm nghề, và qua đó, thấy thấp thoáng bối cảnh của những thời kỳ lịch sử dài, những câu chuyện hậu trường văn nghệ.
Về tên của truyện ký “Những thước phim trong suốt” vừa ra mắt, trong tác phẩm, nhà quay phim Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn đã viết: “Lần đầu cầm máy hắn đã như thế, nên suốt cuộc đời về sau, hắn đã quay những thước phim trong suốt như nước cất trong phòng thí nghiệm, không màu sắc, không mùi vị.” Những thước phim trong suốt cũng là tên của một bài trong tác phẩm, về những thước phim chụp khu Khâm Thiên 1972 điêu tàn trong “lần đầu cầm máy” của ông.
Nguyễn Hữu Tuấn kể lại, sách ra đời là do những người bạn đã cổ vũ sau khi đọc những đoạn ông ghi chép tản mạn trên facebook. Sách gồm 30 bài viết có tính hồi ức của Nguyễn Hữu Tuấn về những năm tháng học nghề hóa chất, đam mê điện ảnh, rồi nhất định đi học bằng được để thành nhà quay phim. "Khi lớn tuổi và đã buông tay máy rồi, nghĩ là, mình sống ở đời này, mình làm những việc đó, cuối cùng có giúp được gì cho ai không, những việc mình làm có ý nghĩa không? Làm văn nghệ trong giai đoạn chuyển mình của đủ loại chủ nghĩa cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này,thì bất cứ người trí thức nào đều phải nghĩ, việc mình làm có điều gì còn thiếu sót, có điều gì trái với mình không. Tôi quay xong trên 30 phim rồi. Mà xong phim nào tôi cũng nghĩ phim này có điều gì hay, có điều gì đúng và có điều gì không đúng so với lòng mình không? Lúc nào tôi cũng băn khoăn phim mình làm ra có đúng ý nguyện của mình chưa? Tự vấn mình, trong suốt, là nó cũng trung tính, nó không dám bộc lộ hết những điều thật mình muốn nói, Vì thế tên cuốn sách ấy là cách tôi đánh giả công việc quay phim suốt 40 năm".
NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn sinh năm 1949. Ông là người đứng sau những thước phim nay đã trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam như: Hi vọng cuối cùng, Thị xã trong tầm tay, Trở về, Thương nhớ đồng quê, Hoa ban đỏ, Bến không chồng, Lạc lối...Nguyễn Hữu Tuấn cũng từng tham gia các đoàn làm phim nước ngoài quay tại Việt Nam như: Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trầm lặng…
Nhà văn Nguyễn Trương Quý dẫn chương trình trong buổi giao lưu. |
Nhà văn Nguyễn Trương Quý, từ Lào vội vã trở về để nhận lời dẫn chương trình ra mắt sách cho Nguyễn Hữu Tuấn, đã chia sẻ, vì nể trọng một tài năng Nguyễn Hữu Tuấn: "Những bộ phim mà nhà quay phim Hữu Tuấn đã quay vào những năm 80, những năm trước và sau thời điểm bản lề bắt đầu Đổi mới thực sự mang đến một thẩm mỹ điện ảnh cho công chúng lúc bấy giờ, khi ấy tôi còn là một đứa trẻ. Tôi rất nhớ những thước phim mà gia đình chú Tuấn có nhiều người tham gia, là phim Duyên nợ - đạo diễn Nguyễn Hữu Luyện, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn và diễn viên Như Quỳnh. Phim gây cảm giác khá là khác so với mặt bằng của những phim cùng thời, đi vào các đề tài xã hội khá gai góc. Một người phụ nữ trở về sau chiến tranh nhưng vấp phải những định kiến về mặt thành phần, về mặt xã hội, cô không thể đến được với người mình yêu. Và người con trai cô yêu cũng không thể đến với cô vì anh cũng có những điều như tuổi trẻ đi qua mất rồi, cái còn đọng lại là những tiếc nuối dang dở. Những hình ảnh quay phim tạo ra những ấn tượng rất hấp dẫn.
Những phim khác nữa như Thị xã trong tầm tay hay phim Đêm miền yên tĩnh .. , để lại một cảm giác, hình như điện ảnh có một tiêu chí khác thay vì cách kể sử thi lồng lộng của những năm tháng cũ về những hình tượng chiến đấu, lao động sản xuất.
Thế nên có khả năng ống kính Nguyễn Hữu Tuấn nhìn ra những số phận con người. Qua dáng vẻ người phụ nữ (như tấm lưng ong của cô Như Quỳnh) nói rất nhiều điều, cái dáng đi trong buổi chiều muộn, hoàng hôn, ngược sáng, nhìn rất đẹp... Sau đó, từng lặp lại rất nhiều trong những bức ảnh mà chú Tuấn triển lãm sau này, tạo một ấn tượng về thẩm mỹ giai đoạn mà hình như điện ảnh bắt đầu có sự biến đổi. Những bộ phim như thế để lại một cảm xúc khá lâu, phải đến 30 - 40 năm rồi mà vẫn còn được nhắc đến.
Chú Tuấn có nói rằng phim Duyên nợ ra là im luôn, chẳng thấy được nói đến. Nhưng tôi có share lên trên Faceboook, lập tức có mấy người bạn nhận ra ngay phim đó và chia sẻ với chú Tuấn về ấn tượng với bộ phim. Lần đầu tiên tôi thấy cô Như Quỳnh đóng một vai rất ghê gớm, cả một bộ phim từ lúc một cô thiếu nữ nhí nhảnh, yêu đời, đến một người phụ nữ vất vả, lam lũ và thậm chí có thể xù lông xù cánh để bảo vệ hạnh phúc riêng và đứa con của mình, trong cuộc sống mà tranh chấp không gian Hà Nội càng ngày càng biến dạng, nhìn ra được sự vụn vỡ của thành phố, của đô thị mà con người sống trong đấy bị cạnh tranh căng thẳng, ngộp thở.” - Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Từ trái sang: Dịch giả Trịnh Lữ, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhà văn Nguyễn Trương Quý. |
Là nhà quay phim đầu tiên ở Việt Nam ra mắt truyện ký, Nguyễn Hữu Tuấn đã khiến bạn bè ngạc nhiên trước văn phong kể chuyện của Những thước phim trong suốt. Bởi vậy mà, dù đang phải sống trong nỗi lo ngại về dịch Covid -19, khách mời vẫn đến chật kín khán phòng mở của buổi giới thiệu sách, để có chung một nhận xét rằng: Nguyễn Hữu Tuấn làm gì cũng tài hoa: quay phim, chụp ảnh, vẽ hay viết.
Tại buổi ra mắt sách Những thước phim trong suốt, dịch giả Trịnh Lữ nhận định: "Đối với tôi những người làm nghệ thuật thực ra cũng không quan trọng lắm ở những sản phẩm, mà quan trọng cái lối sống của người ta là nghệ thuật. Anh là một người biết rằng à cái này thì chụp ảnh, cái kia thì viết, cái nọ thì vẽ mới hay... Hai anh em trở thành thân thiết và đồng cảm vì thấy cái gì thích thì mình làm, thể loại tùy thuộc vào cái mình muốn diễn đạt. Nguyễn Hữu Tuấn có lối sống của một người nghệ sĩ, từng thể loại một anh ấy đều có thể liên lạc một cách tự nhiên".
“Những thước phim trong suốt”, một cách suy tư về chặng đường đời làm nghề của một tay máy lão luyện, đúng như nhận xét của đạo diễn Phan Đăng Di: “Tập truyện ký mỏng manh này, dù viết chơi lại toả ra một khí chất hiếm thấy trong văn chương thời nay: tao nhã, duyên dáng mà không thôi tự vấn.”