Nhà thơ Phạm Đình Ân nắng vẫn xối đỉnh đầu

(VOV5) -  Càng về sau, thơ Phạm Đình Ân càng kiệm lời, càng sâu sắc trong những phát hiện, tự vấn.

 

 

Nghe âm thanh bài tại đây qua giọng đọc PTV Hồng Huệ:

 
Đó là một buổi trưa hè đầy nắng. Trong không gian im ắng có phần ngột ngạt, giọng ông đọc thơ khỏe và vang:

Các ý nghĩ dào lên trôi bập bềnh qua suốt các ban trưa

Hiển hiện nhiều mặt người

hiển hiện nhiều cảnh việc

muốn ngủ mà không ngủ được

ý nghĩ vây quanh, ý nghĩ giày vò

“Nắng xối đỉnh đầu”! Ông đã chọn bài thơ này để bày tỏ về quan niệm sống và viết của mình. Từ buổi đó, mỗi lần nhìn thấy ông từ xa, tôi lại nhớ đến bài thơ này, phần nào nhận ra sự vất vả ẩn trong dáng đi nhanh nhẹn, gương mặt nghiêm nghị, cả tác phong luôn chỉn chu, đúng hẹn. Ở góc nhìn từ xa ấy, mái tóc điểm bạc của ông bắt nắng, thứ ánh nắng chang chang của buổi trưa hè.

“Nắng xối đỉnh đầu” - Bài thơ cũng là nhan đề tập thơ đầu tay được xuất bản sau rất nhiều năm đi và viết. Có thể coi đó là tập thơ được in muộn, bởi ở tuổi thiếu niên ông đã say mê viết lách, lại được đào tạo chuyên ngành Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội, khi tốt nghiệp được phân về làm việc tại báo Nhân dân – cơ quan ngôn luận của Đảng, ngay sau đó là những chuyến thực địa dọc miền Trung giữa khói lửa chiến tranh ác liệt, hăng hái thâm nhập thực tế lao động và chiến đấu của quân và dân, mang tinh thần phụng sự dấn thân cùng những kiến thức tích lũy trong nhà trường để bước vào đời.

 “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu năm nào cũng là quan niệm sống và viết của đội ngũ văn nghệ sỹ thời chiến. Phạm Đình Ân không là ngoại lệ. Thế nên, trong những trang thơ được xuất bản sau này luôn có dấu ấn của nhiều chuyến đi khắp trong Nam ngoài Bắc. Đi để hiểu Tổ quốc mình, nhân dân mình. Đi để thấm thía cái nắng nóng khắc nghiệt mà nồng hậu, cái rét sắc nhọn thấu xương mà đằm mặn ngọt ngào, vị gừng cay và muối mặn, khế chua, sung chát, bồ hòn đắng, trầu nồng say. Đi để trải nghiệm, thấu hiểu và dần chấp nhận, dung hòa mọi trạng thái dù đối nghịch trong một lẽ cân bằng. Và khi đạt được trạng thái quân bình thì cách nhìn cuộc sống, cư xử với cuộc sống của ông vừa sâu sắc, vừa bao dung. Những vất vả, bất như ý của bản thân cũng thành nhẹ nhõm. Vậy nên, trong đời cũng như trong thơ luôn có một Phạm Đình Ân chân thực, nhiệt thành và ấm áp, dẫu “đỉnh đầu nắng xối chan chan” vẫn kiên định với lẽ sống của mình.  

Nhà thơ Phạm Đình Ân nắng vẫn xối đỉnh đầu - ảnh 1Nhà thơ Phạm Đình Ân và một tác phẩm thơ thiếu nhi của ông - Ảnh: Báo Thể thao và văn hóa.

Phạm Đình Ân là người của bàn viết, không thuộc bàn nhậu hay những cuộc tranh luận, tuyên ngôn. Ông lặng lẽ làm việc, lấy tác phẩm là thước đo năng lực sáng tạo, dùng thơ để bộc lộ những mối quan tâm trước những vấn đề nhân sinh, thế sự. Tập Vòng quay (xuất bản năm 2013) in đậm dấu ấn này, cả về giọng điệu thơ cũng như thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả. Ở đó trĩu nặng niềm nhân thế, những góc nhìn đa diện về số phận con người trong vòng quay nhân sinh chạy theo lợi ích, hư danh, tha hóa và bằng lòng tha hóa. Vòng quay đã nhận được những đánh giá xác đáng của nhiều nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi. Ở đây, sự tối giản, tiết chế về câu chữ, hình ảnh, sự nâng cấp về ý thơ, hình tượng thơ được tác giả đặc biệt lưu ý. Ông đưa ra những quan sát, ghi chép lại quan sát, buộc người đọc phải ngẫm ngợi, đôi khi không ngừng ngẫm ngợi.

Trơ mặt

đều đều kêu nhạt tanh

tích tắc

tích tắc

 

Ngậm miệng

Từ từ nuốt đứt những trăm năm.

                         (Bài thơ: Đồng hồ)

“Bãi bể nương dâu” vốn là cụm từ cửa miệng, song để thấm thía và thể hiện được một cách thấm thía thì chính bản thân người nói/ người viết cũng phải băng qua bãi bể nương dâu ấy. Băng qua rồi thì góc nhìn về nhân sinh, về cuộc sống lại thêm phần ấm áp. Phạm Đình Ân là một người như vậy. Thơ ông luôn có mặn, có ngọt, có đắng, có chát chua, song luôn được dung hòa, như cuộc sống vốn vậy và cần phải vậy, để vươn lên một cách tích cực, để bao dung nẩy mầm trên thói đời bạc bẽo:

Rắc muối vào vô cảm

Rắc muối vào vô ơn

Xót tan lòng muối xát

Hạt đổ vào vết thương

 Từ tập thơ “Nắng xối đỉnh đầu”, “Những hoàng hôn ngẫu nhiên”, đến “Hương rễ”, “Phấn hoa bay” và “Vòng quay”, hành trình thơ Phạm Đình Ân gắn bó với những biến đổi của đất nước, của đời sống văn học nghệ thuật: những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi lại tiếp hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc phía Nam , qua 10 năm bao cấp rồi ùa vào thời đổi mới. Thơ ông thời kỳ đầu là tiếng nói của cái tôi hòa vào nhịp thở sống và chiến đấu của dân tộc. Bên cạnh đó cũng có những phút riêng tư trong nỗi nhớ gia đình, phút khắc khoải tha hương, niềm thương cha cùng ám ảnh mồ côi mẹ. Sau đổi mới, cái tôi ấy mạnh mẽ hơn, khao khát bộc lộ chính mình với tuổi trẻ, tình yêu, với những vấn đề cuộc sống, thế sự. Đằng sau vẻ ngoài nghiêm nghị là một tâm hồn nhạy cảm trước những thay đổi dù rất nhỏ, nằm sâu trong nội tâm người đối diện.

Phạm Đình Ân sớm nhận ra tình cảnh bi và hài, anh hùng và tiểu nhân, gian manh và lương thiện. Ông từ chối lối sống “đắp tai ngoảnh mặt làm ngơ”, vo mình cho tròn lại để an toàn, từ chối lối sống vụ lợi vị kỷ, song chính ông cũng dằn vặt, khổ tâm và bất lực, muốn thoát mà không thể thoát. Đến thời điểm những năm 90 của thế kỷ 20 và sau này, khi văn học nghệ thuật thực sự được cởi trói, các cụm từ như “tự do ngôn luận”, “giải thiêng” được nhiều văn nghệ sỹ tâm đắc, thì Phạm Đình Ân vẫn kiên trì với những giá trị truyền thống của dân tộc, những giá trị đã được xác lập qua hàng thế kỷ, những giá trị được bảo vệ bởi sự hy sinh của bao thế hệ. Ông thẳng thắn bày tỏ: 

Nhân danh đổi mới

họ bốc rác hôm nay hắt vào ngày trước

mà quên rằng

hôm qua sinh ra hôm nay

hiện tại đang trở thành quá khứ

Ông cũng không chấp nhận thơ lẩn vào cái riêng tư, tôn vinh quá đà cái riêng tư. Ông chất vấn thơ: “Tại sao không biết đến tệ nạn phá rừng/ không biết đến hạn hán và bão lụt/ không biết đến tệ nạn tham nhũng/ không biết đến anh hùng/ không biết đến nhân dân?”.

Những câu hỏi qua nhiều năm, đến hôm nay vẫn đặt ra với nhiều người vốn luôn mong muốn thơ dự phần vào đời sống này, mang hơi thở và thông điệp, tình cảm, suy tư thế sự. Nhà thơ không phải là người tỉa tót câu chữ. Nhà thơ phải thực sự hòa vào nhịp lo âu, hạnh phúc, bất an của dân tộc, của nhân dân. Thế kỷ 21 này tưởng bình yên mà không bình yên. Những cuộc xung đột vũ trang vẫn diễn ra, không dừng ở biên giới hai đất nước. Trong lòng người cũng  thường trực nỗi bất an. Càng về sau, thơ Phạm Đình Ân càng kiệm lời, càng sâu sắc trong những phát hiện, tự vấn:

Đang nằm trưa

Ô hay

Bão giông!

 

Đang nằm đêm

Ô hay

Sét đánh!

 

Đang nằm nghìn năm

Ô hay

hóa sinh

Để kết lại bài viết nhỏ này, xin được trích dẫn bài thơ “Đêm khóc một mình” được nhà thơ Phạm Đình Ân viết năm 1989: Chợt thức giữa đêm/ đen/ nước mắt thấm gối/ Thế gian đang say giấc/ bình yên/ một mình thức, nằm, khóc/ Nước mắt thấm gối/ chợt thức giữa đêm/ đen… Ở lớp nghĩa bề mặt, ai trong chúng ta cũng từng trải qua những lúc một mình, khóc một mình, khi cả thế gian đang say ngủ, người thân thiết nhất cũng khó sẻ chia. Ở một lớp nghĩa khác, những thao thức một mình tưởng cô đơn mà cần thiết. Cần thiết để tạo thêm nội lực. Cần thiết để từ đó, những suy tư bước vào. Còn suy tư thì còn sáng tạo. Điều ấy, với người viết, càng trở nên cần thiết.
Nhà thơ Phạm Đình Ân sinh năm 1946 tại quê mẹ Phủ Lý - Hà Nam, quê cha  Nam Định, từ nhỏ ở Hưng Yên rồi vào Thanh Hóa cư trú lâu dài. Ông có hơn 10 năm làm việc ở báo Nhân Dân, sau đó chuyển sang báo Văn nghệ đến khi nghỉ hưu, từng là Trưởng ban Lý luận – Phê bình của báo. Các tập thơ đã in: Nắng xối đỉnh đầu (1990), Những hoàng hôn ngẫu nhiên (1990), Hương rễ (2000), Phấn hoa bay (2000), Vòng quay (2013), Dọc đường thơ (tuyển thơ – 2019). Ông cũng là một trong những tác giả nặng lòng với văn học thiếu nhi qua hàng chục đầu sách ở thể loại thơ và văn xuôi, có tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa trong nhà trường phổ thông. Những trang viết của ông luôn lấp lánh vẻ đẹp của sự trung thực, lòng bao dung và tình yêu sự sống.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác