(VOV5) - Như chúng tôi đã đưa tin, nhà xuất bản Kim Đồng vừa tổ chức toạ đàm: “Thiên nhiên bí ẩn và kì thú trong tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng” vào ngày 24 tháng 9 tại Hà Nội. Chương trình toạ đàm là dịp để độc giả nhiều thế hệ trao đổi, chia sẻ về những tác phẩm của một nhà văn “chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết của ông là rừng – thiên nhiên – muông thú".
Chương trình có sự tham gia của nhà văn Vũ Hùng; các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học: Văn Chinh, Viết Linh, Vân Thanh, Lê Phương Liên, Trần Thiên Hương, Hồng Thanh Quang… cùng các độc giả của nhà văn Vũ Hùng từ những năm 1960 cho tới các độc giả trẻ hiện nay.
Nghe âm thanh tại đây:
|
Một góc khán phòng trước giờ tọa đàm về nhà văn Vũ Hùng |
Lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho lần tái ngộ này của nhà văn Vũ Hùng (được in trong tập "Mùa săn trên núi"): Nhà tiểu thuyết Nguyên Hồng từng viết nên những câu thơ kỳ lạ, nói rất trúng cái thần của một vùng thiên nhiên Miên - Lào mà ông mới chỉ biết do đọc sách chứ chưa hề đặt chân tới: Mê Kông chảy /Cây lao đá đổ / Lan hoang dứa mật thông nhựa lên hương/Những trưa hè ngun ngút nắng Trường Sơn/ Ngẫm nghĩ voi đi/Thác Khôn cười trắng xóa…Trong việc miêu tả thiên nhiên, Vũ Hùng cũng đi theo mỹ cảm tương tự. Thiên nhiên trong văn ông có một vẻ đẹp nhưng là cái đẹp nam tính, cái đẹp khỏe mạnh. Tiếp xúc với một thiên nhiên như vậy, con người ban đầu có thể hoảng sợ, nhưng khi đã hiểu, đã gắn bó rồi, lại thấy như có thêm sức mạnh và muốn vươn lên sống ngang tầm với thiên nhiên đó. Nói về tính hai mặt của rừng, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới của nhà Laffon bên Pháp (bản dịch của NXB Đà Nẵng 2002), viết rằng - cũng như tất cả những biểu hiện mạnh mẽ của đời sống - rừng là nơi sản sinh ra vừa sự lo lắng lẫn sự bình tâm, sự ức hiếp và lòng thiện cảm. Vũ Hùng cũng chia sẻ với ta cái cảm giác hai mặt đó”.
...Nếu không từng ở Lào, có lẽ đã viết khác...
Nhà văn Vũ Hùng kể lại việc ông đến với những câu chuyện về thiên nhiên cho thiếu nhi: “Hồi xưa cũng như là các thanh niên ở thế hệ của tôi, phần lớn chúng tôi đi lính. Tôi đi lính 30 năm rồi mới chuyển sang công việc khác. Đầu tiên tôi học ở trường Thủy quân Việt Nam, sau đó học khóa 7 trường Lục quân bên Trung Quốc. Học xong người ta đưa tôi đến công tác ở một vùng rất xa là Lào. Chuyến đầu tiên tôi đi hầu như chỉ 1 mình, đường thì rất dài và rất xa, cứ một ngày đi 30 cây, đi 3 ngày lại nghỉ 1 ngày, phải 2 tháng đi bộ tôi mới đến được vùng Trung Lào. Tất cả những cuộc đi ấy tuy vất vả nhưng cũng giúp tôi biết được cảnh lạ đường xa của đất nước, rồi giúp tôi trong những ngày nghỉ được tiếp xúc với những người địa phương, những người dân tộc, thậm chí người đi săn, cùng ngồi trên chòi rừng, cùng quan sát những dấu chân, nên tôi cũng có một số cảm nhận đặc biệt về những vùng tôi đi qua. Nhờ những trải nghiệm ấy mà tôi có một vốn sống và tôi chọn viết cho thiếu nhi.”
|
Nhà văn Vũ Hùng (áo trắng) trong cuộc tọa đàm
|
Ông cho biết, thời gian rất dài sống, chiến đấu ở Lào, chính là thời gian đã giúp ông định hình những suy tưởng nhân văn về cuộc đời, nhìn thiên nhiên, nhìn con người bằng cái nhìn nhân bản: “Khi người ta chuyển tôi sang Lào, lúc mới đầu tôi cũng khó chịu lắm, vì những người khác được một cái ưu tiên là ở trong nước, không phải đi lại xa xôi và sang một cái miền xa lạ như tôi. Nhưng về sau thì tôi lại thấy thời kỳ ở Lào thật vô cùng quý giá với tôi. Lào là một đất nước quá yên bình, quá tử tế. Có điều lạ thế này: Bộ đội tình nguyện Việt Nam mà bị Tây đuổi, là họ che giấu và họ cho ăn uống, nhưng Tây mà bị bộ đội Việt Nam đuổi họ cũng che giấu và cũng cho ăn uống. Họ không phân biệt gì cả. Chúng tôi có nói với họ là: Tụi Tây cướp nước Lào cơ mà, tại sao lại cứu giúp nó? Thì họ nói: chúng tôi theo đạo Phật, chúng tôi lấy lòng từ bi là chủ yếu, ai gặp khó khăn thì chúng tôi cũng cứu giúp thôi. Thời kỳ ở Lào đó làm tôi thay đổi nhiều lắm. Nếu không có thời kỳ ấy, có lẽ tôi cũng là người cầm bút nhưng tôi sẽ viết khác, chứ không phải viết theo tư tưởng nhân văn như bây giờ.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập báo Đại đoàn kết kể lại, cũng từng là một độc giả say mê những câu chuyện thiên nhiên của Vũ Hùng một thuở: “Lứa tuổi của tôi – tôi là một thằng bé sinh ở Hàng Đào, như chú Vũ Hùng sinh ở đường Láng, một cậu bé kinh thành 100% - chính giai đoạn chú Vũ Hùng (người con trai của Hà Nội, dù Láng hồi ấy chỉ là ngoại thành thôi nhưng vẫn là Hà Nội) được tiếp xúc với thiên nhiên kỳ thú ở Lào, chính điều ấy tạo nên một phong cách đặc biệt. Chú Vũ Hùng đã làm cho tuổi thơ của những đứa trẻ như tôi ở Hà Nội ngày xưa biết thêm được rất nhiều điều: người quản tượng và con voi chiến sĩ, và tất cả những gì về Trường Sơn. Thực sự qua tác phẩm thiếu nhi của chú để lại cho chúng tôi tình yêu đất nước, một sự khâm phục cuộc chiến tranh của chúng ta chống lại giặc ngoại xâm, cộng thêm vào đó là thiên nhiên bí ẩn và kỳ thú, mà đến sau này lớn lên chúng tôi vẫn mang hành trang theo mình. Tất nhiên chú Vũ Hùng có nhiều tác phẩm khác nữa về sau này và những tác phẩm ấy cũng rất thú vị ở những góc độ khác nhau, nhưng một trong những đóng góp của nhà văn Vũ Hùng cho nền văn học nói chung và nền văn học thiếu nhi của chúng ta là những tác phẩm chú viết về muông thú, về núi rừng. Nhân danh cá nhân thôi, xin cảm ơn chú Vũ Hùng về những tác phẩm của chú, và tôi tin chắc rằng với sự xuất bản loạt sách này của chú Vũ Hùng sẽ giúp cho các thế hệ độc giả con tôi, bây giờ là cháu tôi biết được cái phần quý báu của văn học thiếu nhi Việt Nam và yêu thêm đất nước này”.
...Nhà văn phải dạy cho người ta lòng yêu đời sống, yêu con người...
Nhà văn Hà Phạm Phú, người cùng có thời gian dài là bộ đội, sau này về báo Quân đội biên tập viên khoa học kỹ thuật với nhà văn Vũ Hùng, rồi cùng chuyển sang ở Vụ hợp tác quốc tế với Vũ Hùng, kể lại: Gây ấn tượng nhất cho ông là cuốn Mùa săn trên núi, lần đầu tiên đọc truyện của Vũ Hùng khi ông cũng đang là người lính trên mặt trận, như mối tình đầu không thể nào quên. Suốt chặng đường dài theo nghiệp viết lách, làm việc bên nhà văn Vũ Hùng, ông đã có những bài học về nghề báo chí - văn chương sâu sắc nhất, mà một câu chuyện trong đó có ảnh hưởng nhiều: “Anh Vũ Hùng kể khi anh viết truyện mô tả một người thợ rừng đánh một con trâu đang kéo cây gỗ, đầu tiên anh viết là: dùng roi đánh con trâu để nó lấy sức kéo được khúc đi, vì khúc gỗ rất nặng. Nhưng anh Vũ Cận (anh trai nhà văn Vũ Hùng) sau khi đọc truyện đó thì bảo: Sao chú không viết rằng cái ông đó dùng cái gậy giống như một cái đòn bẩy, bẩy súc gỗ cho nhẹ, để con trâu kéo đi. Nhà văn phải dạy cho người ta lòng nhân ái, dạy người ta yêu đời sống, yêu súc vật, yêu con người. Đó là bài học đầu tiên mà cho đến giờ tôi vẫn nằm lòng, vẫn thuộc.”
Và nhà văn Hà Phạm Phú tin tưởng vào sức bền, sức lan tỏa của văn chương Vũ Hùng, dù cuộc đời ông đã trải qua nhiều thăng trầm, bão tố: “Đúng là không ai cưỡng lại được thời gian, gánh nặng thì nó quá nặng, nhưng tôi thấy văn chương của anh ấy vẫn trẻ như ngày xưa, vẫn đem lại cho các thế hệ bạn đọc chứ không phải chỉ thiếu nhi đâu (vì khi tôi đọc anh ấy tôi đã là lính rồi, đã là thiếu úy) , nhưng cảm thấy nó đem lại cho mình một sự trẻ trung, yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước.”
Nhà báo Hoàng Như Mai, cũng là biên tập viên mảng sách khoa học kỹ thuật nhiều năm, đồng thời là người tham gia viết nhiều cuốn sách phổ biến khoa học kỹ thuật, lịch sử, văn hóa… cho thiếu nhi, cho biết: từng là bạn đọc của Vũ Hùng cách đây cả 60 năm, rồi qua nhiều năm làm biên tập viên mảng sách này, ông nhận thấy những câu chuyện của Vũ Hùng ngồn ngộn vốn sống như của một nhà khoa học, nhưng sinh động, hấp dẫn đúng kiểu văn chương, điều mà nhiều người không làm được: “Tôi gần đây cũng tham gia cùng bạn bè viết về thiên nhiên. Tôi cảm thấy sách của anh Vũ Hùng có một điều rất tốt, gần như là lưu giữ lại những ký ức về thiên nhiên Việt Nam. Bây giờ thiên nhiên Việt Nam bị tàn phá ghê lắm rồi. Những con voi, con tê giác như anh kể trong sách bây giờ đã biến mất rồi. Và đó là điều rất đáng buồn. Tôi nghĩ chính những cuốn sách của anh ấy làm thế nào bên cạnh việc tạo cho con trẻ lòng yêu thiên nhiên, yêu đất nước, góp thêm phần bảo vệ thiên nhiên đất nước, vì thiên nhiên của chúng ta đa dạng lắm."
Dễ hiểu vì sao, như nhiều bạn đọc lâu năm khác của nhà văn Vũ Hùng, bà Nguyễn Ngọc Nguyên, phó giám đốc thư viện Hà Nội chia sẻ tại buổi hội thảo: “Sau hơn 20 năm, các tác phẩm của ông vẫn còn nguyên giá trị để trở lại với thế hệ bạn đọc thiếu nhi ngày hôm nay, với lời viết mộc mạc, giản dị, cách kể chuyện nhẹ nhàng để rồi ngấm vào lòng người đọc, bởi ông đã viết bằng cả tấm lòng, với sự trải nghiệm của mình. Thông qua những câu chuyện về thế giới động vật, nhưng ẩn sâu đó là những triết lý cuộc đời: Người ta đừng cố gắng cải tạo thiên nhiên, mà phải biết thích ứng với nó: “Tôi cũng xin được cảm ơn nhà văn Vũ Hùng, cảm ơn những tác phẩm của ông đã đem lại cho chúng tôi một đời sống tinh thần phong phú; và bây giờ lại tiếp tục đem lại cho bạn đọc thiếu nhi những tác phẩm hay, giúp các em có thể hình thành tính cách, biết yêu thiên nhiên, con người và biết yêu lẽ phải.”
Sau 1 năm kể từ ngày kí kết hợp đồng xuất bản trên 30 tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng, Nhà xuất bản Kim Đồng đã cho ra mắt 12 cuốn: Mùa săn trên núi, Sống giữa bầy voi, Giữ lấy bầu mật, Sao sao, Chú ngựa đồng cỏ, Mái nhà xưa, Những kẻ lưu lạc, Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Bầy voi đen, Con voi xa đàn, Con culi của tôi, Vườn chim. Cuốn sách đầu tay của nhà văn Vũ Hùng là cuốn “Mùa săn trên núi” ra đời năm 1961. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông đã viết hơn 40 cuốn sách cho thiếu nhi, trong đó nhiều cuốn được dịch ra tiếng Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ông cũng đã hai lần được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng: cuốn Sao Sao (1982) và cuốn Sống giữa bầy voi (1986).