(VOV5) - “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân,
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
"Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” được con gái ông − Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chấp bút và biên soạn, ra mắt bạn đọc vào đầu xuân mới Nhâm Dần.
“Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” giống như một cuốn tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân, Tiến sĩ Lê Y Linh đã lần ngược lại thời gian để kể về cuộc đời và sự nghiệp của cha mình.
Với tư cách một nhà nghiên cứu âm nhạc vừa là một người con của nhạc sĩ, Tiến sĩ Lê Y Linh ‘phục dựng’ cuộc đời của ông bằng phương pháp khoa học hiện đại. Cô đã sưu tầm các tài liệu, từ lí lịch tự thuật của ông, phỏng vấn, tìm hiểu, ghi chép những lời kể, kí ức của những người thân, bạn bè đồng nghiệp của nhạc sĩ; sưu tầm các tác phẩm, sưu tầm các bài báo, các phỏng vấn được ghi âm, ghi hình. Các thông tin về nhạc sĩ và các tác phẩm đều được xác minh. Tiến sĩ Lê Y Linh khẳng định: “Cuộc đời bố tôi là cuộc đời của một con người dành cho âm nhạc, thế nên tôi nghĩ ‘chỉ cần’ điểm tác phẩm là đã có thể phác họa về thế giới nhân sinh, quá trình sáng tác và một phần cuộc sống đời thường của ông”.
Với quan niệm đó “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” không chỉ cho người đọc biết về cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Vân như một cá nhân riêng tư−một nhà văn hóa−một chứng nhân lịch sử mà còn giúp bạn đọc tiếp cận sinh động với lịch sử âm nhạc cách mạng Việt Nam giai đoạn sau 1945.
Cuốn sách được chia làm bốn phần: Phần 1 - giới thiệu về cuộc đời nhạc sĩ Hoàng Vân; Phần 2 - về tác phẩm của nhạc sĩ; Phần 3 − quan điểm sáng tác của nhạc sĩ và Phần 4 − những kỉ niệm với nhạc sĩ trong trí nhớ và trái tim của người thân, đồng nghiệp các thế hệ và người yêu nhạc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ sinh năm 1930 tại Hà Nội, ông là con út trong một gia đình tư sản trí thức. Bố ông là một nhà giáo dạy Hán học thông thạo Cầm Kì Thi Họa, mẹ mất sớm... “Từ rất nhỏ cậu bé Ngọ đã là người nhậy cảm với các loại âm thanh, có những xúc cảm rất rõ ràng khi nghe thấy các loại âm thanh tiếng động, từ tiếng chuông, đến tiếng sấm sét”… “Thế nên hồi bé cậu đã được tập và chơi rất nhiều nhạc cụ như: piano, violon, violoncelle, kèn clarinette… Được tham gia Hướng đạo sinh, trong lòng cậu tràn ngập tình yêu đất nước, quê hương và đồng bào. Giữa khung cảnh “Trên những cánh đồng cò bay thẳng cánh, xác người nằm như rạ như rơm” (ca từ trong hợp xướng Hồi tưởng), cậu sớm giác ngộ cách mạng và trở thành liên lạc viên của Tự vệ thành Hà Nội.
Năm 1946, khi 16 tuổi, giã từ Hà Nội, chàng trai Lê Văn Ngọ mang theo cây kèn harmonica đi theo kháng chiến. Và từ đây âm nhạc Việt Nam có một nhạc sĩ Hoàng Vân. Hoàng Vân trở thành một người chiến sĩ kháng chiến, mọi nhiệm vụ được giao ông đều gắng sức bởi ông luôn tâm niệm “nếu có hai lựa chọn sẽ chọn cái khó hơn”. Với vốn liếng học nhạc thuở nhỏ, ông bắt đầu sáng tác các bài hát đầu tiên. Đó là những bước “tập dượt” để chỉ vài năm sau 1953, tác phẩm Hò kéo pháo ra đời. Tác phẩm tiêu biểu của chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu. Với Hò kéo pháo Hoàng Vân đã sáng tạo một điệu hò cách mạng hùng tráng có một không hai.
Từ tác phẩm này, phong cách âm nhạc Hoàng Vân đã hình thành và định hình, đó là nghệ thuật được ông chưng cất lên từ những lấm láp hiện thực để lấp lánh như những viên kim cương dưới ánh mặt trời. Cái nhìn sử thi này còn bao trùm khi viết về những người lao động như Tôi là người thợ lò, Bài ca người giáo viên nhân dân, Bài ca xây dựng… ông cũng đều đã có được cái nhìn anh hùng ca mang tầm thời đại.
Tiến sĩ Lê Y Linh chia sẻ, nhạc sĩ Hoàng Vân không ghi nhật kí, không viết hồi kí, nên để có được các tư liệu về cha, cô đã phải tìm tòi, sưu tầm tác phẩm của ông tại Đài tiếng nói Việt Nam nơi ông đã làm việc trong phần lớn cuộc đời. Gặp gỡ những người đã sống đã có dịp làm việc tiếp xúc với nhạc sĩ để kiểm chứng về các nguồn thông tin tài liệu.
Với tư cách một ngươi làm khoa học âm nhạc, tiến sĩ Lê Y Linh đã dành một phần lớn trong “Nhạc sĩ Hoàng Vân – Cho muôn đời sau…” để có thể bước đầu đánh giá về các tác phẩm của ông. Cô đã tổng hợp và phân tích, triển khai các ý kiến đánh giá về các tác phẩm của ông từ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, nhà nghiên cứu như Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Thụy Loan, Trần Thị Trâm, Phạm Tú Hương, Phan Ngọc Thạch, Trần Văn Luân, Trần Văn Minh… Viết về cha, nhưng Tiến sĩ Lê Y Linh đã chọn cách làm khoa học, để có thể khách quan trong nhận xét đánh giá, hoàn thành tiểu sử âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Phần 3, về quan điểm sáng tác nghệ thuật là tập hợp các bài viết của nhạc sĩ Hoàng Vân về âm nhạc. Tuy không nhiều, nhưng những bài viết này đã làm sáng tỏ thêm chân dung âm nhạc Hoàng Vân với những quan niệm sâu sắc và hiện đại về âm nhạc dân tộc, về sự đào luyện của người nghệ sĩ… Ông đã để lại trong trái tim của bạn bè đồng nghiệp của các thế hệ nhạc sĩ kế tiếp những bài học lớn trong sáng tác và cách sống.
Chia sẻ với bạn đọc, Tiến sĩ Lê Y Linh hi vọng: “Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể sẽ hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam, hiểu thêm về cuộc đời sáng tạo của một nhạc sĩ, về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Tôi hi vọng rằng cuốn sách này cũng giúp bạn đọc cảm nhận được một phần vẻ đẹp của nghệ thuật âm nhạc, được sự hướng thượng trong nghệ thuật, nâng cao gu thẩm mĩ”.
Cũng trong dịp này, Viện Âm nhạc cũng cho ra mắt cuốn sách “Hoàng Vân Nhạc và Đời” với gần hai mươi bài khảo cứu về nhiều khía cạnh trong tác phẩm của Hoàng Vân. Cuốn sách giúp chúng ta có được cái nhìn, bước đầu nhưng cũng là tổng hợp, về phong cách Hoàng Vân. Hai cuốn sách về nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ là món quà ý nghĩa dành cho bạn đọc và người yêu nhạc trong dịp đầu Xuân này.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (sinh 1930- mất 2018) đã cống hiến trọn đời cho âm nhạc và là một trong những gương mặt tiêu biểu trong giai đoạn thành lập nền âm nhạc hàn lâm chuyên nghiệp Việt Nam. Ông đã có một sự nghiệp sáng chói, sáng tác ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng ghi dấu ấn khó quên với người yêu nhạc và là một phần không thể tách rời với lịch sử âm nhạc Việt Nam. Với những đóng góp to lớn, năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.