Năm nay là vừa tròn 90 năm ra đời nhóm Tự Lực văn đoàn. Khởi xướng năm 1932, nhóm chính thức trình diện năm 1934 và bắt đầu đứng ra tổ chức trao giải thưởng cho các tác phẩm trong làng văn một năm sau đó. Tự Lực văn đoàn có vị thế rất lớn trong làng văn, làng báo những năm 30, 40 của thế kỷ trước. Không những điều hành hai tờ tuần báo ăn khách “Phong hóa” và “Ngày nay”, Tự Lực văn đoàn còn là chủ sở hữu nhà xuất bản danh giá nhất thời bấy giờ là nhà “Đời nay”. Bên cạnh 7 thành viên chủ chốt, Tự Lực văn đoàn còn có một đội ngũ cộng tác viên là nhà văn, nhà thơ tài năng, danh tiếng. Nhóm cũng tiên phong lập ra một giải thưởng văn chương tôn vinh những cây bút có tác phẩm xuất sắc.
Trên báo Phong hóa, ngày 8/6/1934, đăng về “Giải thưởng Tự lực văn đoàn (bắt đầu trao năm 1935) như sau: “Bắt đầu từ nay, Tự lực văn đoàn đặt giải thưởng hằng năm để tặng những tác phẩm (tiểu thuyết, phóng sự, khảo luận, thi ca, kịch, sử ký....) có giá trị và hợp tôn chỉ của văn đoàn. Giải thưởng năm 1935 sẽ tặng riêng tiểu thuyết: Giải nhất thưởng 100 đồng - Giải nhì thưởng 50 đồng. Tiền thưởng này lấy ở tiền lãi cuốn “Nửa chừng xuân” mà ông Khái Hưng đã biếu Tự lực văn đoàn. Nếu bán hết “Nửa chừng xuân” thì đủ tiền đặt giải thưởng trong bốn, năm năm, mỗi năm hai giải thưởng như trên. Trong một năm, nếu không có cuốn sách nào đáng thưởng thì giải thưởng đó để lại năm sau”.
Nguồn ảnh: saigonneer |
Sở dĩ Giải thưởng văn chương Tự Lực văn đoàn có sức thuyết phục và giá trị cao là bởi ban giám khảo chấm giải đều là những “ngôi sao” trên vòm trời văn chương Việt Nam lúc bấy giờ như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, kì giải chót có thêm Xuân Diệu. Công chúng, độc giả tin tưởng vào “con mắt xanh” của những người tâm huyết với văn chương, lập ra giải thưởng và trao giải bằng nguồn kinh phí tự lực.
Việc sở hữu, điều hành các tờ báo Phong hóa, Ngày nay và nhà xuất bản Đời nay là lợi thế trong việc lựa chọn tác phẩm, tổ chức và nâng tầm ảnh hưởng của giải thưởng Tự Lực văn đoàn. PGS – TS Nguyễn Hữu Sơn cho rằng giai đoạn đầu thế kỷ 20 nở rộ các văn đoàn như Tây Đô văn đoàn, Sài Gòn văn đoàn, nhóm Dạ Lan Hương, nhóm thơ Bình Định, nhóm thơ Huế, ở Hà Nội có nhóm Cống Trắng rồi Xuân Thu nhã tập. Tuy nhiên, trong số các tổ chức ấy, Tự Lực văn đoàn thể hiện được những thế mạnh như những người trụ cột trong nhóm lúc bấy giờ hoặc sau này đều là những tác giả xuất sắc của nền văn học giai đoạn ấy như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ, Xuân Diệu. Thứ hai là tổ chức này có một cơ quan ngôn luận chuyển từ Phong hóa tới Ngày nay, có cả nhà xuất bản nữa. Chính điều đó tạo nên một cơ quan truyền thông rất mạnh mẽ. Và hơn nữa lại kích thích văn học bằng một giải thưởng. Ngay sau một năm thành lập, Tự lực văn đoàn đã tính tới việc trao tặng thưởng tuần tự các năm 1935, 1937, 1939. Những năm 1940, 1941 khi mà hoạt động của nhóm đã nhạt đi do nhiều yếu tố xã hội chi phối vẫn có những giấy chứng nhận, xác nhận cho thấy sự tồn tại của giải thưởng.
Ở giải thưởng này, tính chất chịu trách nhiệm của Tự Lực văn đoàn rất cao tạo nên tiếng vang và sự chờ đợi của công chúng, dư luận, tạo được sự tin cậy nhờ sự trung thực, công tâm, coi trọng giá trị nghệ thuật.
Nhờ giải thưởng của Tự Lực văn đoàn, có những cây bút thực lực đã được phát hiện. Dù sau này chọn hay không chọn đi tiếp con đường văn chương, nổi danh hay chìm khuất, tác phẩm của họ cũng đã khẳng định được chất lượng qua sự chọn lựa, đánh giá của những bậc đàn anh tài danh.
Góc Tự lực văn đoàn tại Bảo tàng văn học Việt Nam - Nguồn ảnh: Bảo tàng văn học Việt Nam |
Năm đầu tiên trao giải, năm 1935, giải thưởng Tự lực văn đoàn không trao giải nhất mà có 4 giải khuyến khích. Một trong những tác giả được vinh danh là Đỗ Đức Thu với truyện ngắn “Ba”. Tác giả Đỗ Đức Thu, người Hà Nội, sau truyện ngắn “Ba”, ông có in những tập văn xuôi như tiểu thuyết “Vỡ lòng”, tiểu thuyết “Bốc đồng”, tập truyện ngắn “Nhà bên kia”, tiểu thuyết “Đứa con”. Số lượng tác phẩm không phải là ít. Đỗ Đức Thu cũng thể hiện ngòi bút văn xuôi kỳ công, đặc sắc. Tiếc rằng văn nghiệp của ông mới chỉ được soi sáng một cách hạn chế. Truyện ngắn “Ba” của tác giả Đỗ Đức Thu là tác phẩm có nội dung tư tưởng đồng điệu với các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn như Nhất Linh hay Khái Hưng. Đó là khát vọng vươn tới cái đẹp, sự tự do, khát vọng lên đường và vượt thoát ra khỏi những vụn vặt của đời sống.
Giải thưởng năm 1935 của Tự lực văn đoàn cũng trao cho tiểu thuyết “Diễm dương trang” của Phan Văn Dật. Phan Văn Dật sinh năm 1907 tại phủ An Thường công chúa ở xóm Xuân An làng Phú Xuân (nay là phường Vĩnh Ninh - Huế). Xuất thân trong một dòng tộc nhiều đời là võ quan nhưng Phan Văn Dật để lại dấu ấn cuộc đời mình trong lĩnh vực văn chương. Nhiều độc giả chỉ biết tới Phan Văn Dật ở tư cách một nhà thơ. Thực tế, bước đầu sáng tác, ông bộc lộ năng khiếu ngôn từ ở thể loại tiểu thuyết. Không phải ngẫu nhiên mà “Diễm Dương Trang”, tác phẩm đầu tay của Phan Văn Dật nhận được sự tán thưởng và tôn vinh của Tự Lực văn đoàn. Theo Nhà phê bình Trần Xuân An, vào thời điểm ra mắt độc giả, tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” của nhà văn Phan Văn Dật đã thể hiện ngòi bút và tư tưởng độc đáo.
Năm 1937, giải chính thức của Tự Lực văn đoàn gọi tên vở kịch “Kim tiền” của Vi Huyền Đắc và tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của nhà văn Nguyên Hồng. Thời điểm được Tự Lực văn đoàn vinh danh, nhà văn Nguyên Hồng mới 19 tuổi và “Bỉ vỏ” là cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông. Còn nhớ năm đó, khi tiểu thuyết “Bỉ vỏ” được trao giải Tự Lực văn đoàn, những tên tuổi thời bấy giờ là nhà văn Thạch Lam và nhà văn Vũ Ngọc Phan đã gọi Nguyên Hồng là “một tài năng trẻ nhiều triển vọng”. Có lẽ họ đã nhìn ra ở Nguyên Hồng tố chất của một người viết hứa hẹn đi đường dài với văn chương. Một trong những dấu hiệu của tố chất ấy, như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nói sau này, là Nguyên Hồng có “những trang văn lấp lánh sự sống”:
Các nhân vật trong tác phẩm “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng in dấu một phần không nhỏ cảm quan và tính cách của chính tác giả. Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn gọi đó là “sự sáng tạo đau khổ”. Còn nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đánh giá cao tác động của văn chương Nguyên Hồng tới nhận thức con người, đặc biệt là ở “Bỉ vỏ” – tác phẩm được trao giải chính thức của Tự Lực văn đoàn năm 1937. Theo ông, ngay cả những người lãng mạn đến như Thạch Lam hay Vũ Bằng cũng rất thích và đánh giá rất cao văn Nguyên Hồng. Lý do là đọc tác phẩm của Nguyên Hồng khiến con người ta muốn hành động.
Trong ba lần Tự Lực văn đoàn trao giải thưởng chính thức, nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn được vinh danh tới hai lần. Hai giải khuyến khích năm 1935 và năm 1937 đều thuộc về tác giả quê Kinh Bắc. Tâm niệm “Văn dĩ tải đạo”, văn chương Nguyễn Khắc Mẫn tìm tòi và nêu cao phẩm chất tốt đẹp của con người trong những hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo. Nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn sinh năm 1906 tại Tiên Du (Bắc Ninh). Ông vốn là một thầy giáo có niềm say mê viết văn. Ngoài hai giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn, nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn từng đoạt giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952. Có khoảng 25 tác phẩm truyện ngắn, truyện dài và tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn đã được tìm lại. Đáng chú ý có các truyện dài “Nỗi lòng”, “Cô Thúy”, “Đồng tiền hai mặt”, “Ông Cốc”, “Ông lão ăn mày”. Năm 1937, chỉ hai năm sau khi nhận giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn với truyện “Cô Thúy”, nhà văn Nguyễn Khắc Mẫn tiếp tục được giải thưởng này vinh danh. Lần này kèm theo giấy khen của Tự Lực văn đoàn dành cho tiểu thuyết “Nỗi lòng”, Nguyễn Khắc Mẫn còn nhận được số tiềng 30 đồng do một người hâm mộ gửi tặng.
Năm 1937 tập thơ “Tâm hồn tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính là tác phẩm thơ duy nhất được Tự Lực văn đoàn cũng trao khen tặng khuyến khích. Tập thơ do nhà xuất bản Nguyễn Cường ấn hành và lọt vào “mắt xanh” của các thành viên Tự Lực văn đoàn, chính thức đưa Nguyễn Bính bước vào làng thơ. Có thể nói phát hiện này đã khai mở ra một chương mới trong cuộc đời thơ ca huy hoàng của thi sĩ chân quê. Và qua thời gian, qua bao nhiêu sáng tạo biến chuyển trong sáng tác, như bao người yêu thơ khác, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên vẫn còn nhớ tới một Nguyễn Bính thời giãi bày “Tâm hồn tôi” của những năm 1937. Anh cho rằng đó là những bài thơ rất hay, đúng chất dân dã, dân gian, khẩu ngữ, tục ngữ, ca dao. Nguyễn Bính là người đẽo gọt, chắt ra từ những viên chữ sáng bóng nên thơ. Điểm nhấn trong thơ Nguyễn Bính là cách tạo nên nhãn tự, bài nào của ông cũng thấy những chữ đắc địa và xuất hiện với tần suất dày. Đó là điểm khác biệt của thơ Nguyễn Bính, một tài năng xuất chúng so với người làm thơ bình thường. Đó là dòng thơ mộc mạc dân dã hồn quê, cốt quê, một chân dung Nguyễn Bính bằng ca dao, dân ca, khẩu ngữ, thổ ngữ, thí dụ như nhân vật trong “Giấc mơ anh lái đò” – một thi phẩm thuộc tập “Tâm hồn tôi” – Một dòng thơ đầy lớp lang, ngay cả những người không biết chữ cũng cảm nhận được.
Năm 1939, Tự Lực văn đoàn trao đến hai giải nhất, một cho tiểu thuyết “Làm lẽ” (của nhà văn Mạnh Phú Tư) và một cho tiểu thuyết “Cái nhà gạch” hay còn có nhan đề khác là “Tiếng còi nhà máy” (của nhà văn Kim Hà). Từ sau khi đoạt giải Tự Lực văn đoàn, Mạnh Phú Tư đều đặn cho ra mắt độc giả một loạt tiểu thuyết tiếp nối được tinh thần và bút lực của ông. Nhà văn Mạnh Phú Tư tên thật là Phạm Văn Thứ, sinh năm 1913 tại Hải Dương trong một gia đình nông dân. Khi đang học trung học, ông bỏ dở để làm gia sư, viết báo, viết văn kiếm sống.
Tiểu thuyết đầu tay của Mạnh Phú Tư có nhan đề “Làm lẽ” được Tự Lực văn đoàn trao giải nhất (năm 1939). Tiếp đó, nhà văn viết tiếp các tác phẩm “Gây dựng” (năm 1941), “Một cảnh sống “(1941), các tiểu thuyết “Một thiếu niên”,“Nhạt tình”, “Sống nhờ”, tập truyện ngắn “Người vợ già” (đều xuất bản năm 1942). Mạnh Phú Tư sớm tham gia Cách mạng, làm báo, viết bút ký. Ông mất ở tuổi 46 ở Hà Nội, khi đang làm biên tập viên báo Văn học.
Hầu hết các tác giả được Tự Lực văn đoàn vinh danh đều nhanh chóng trở thành “con cưng” của giới phê bình văn học thời bấy giờ. Mạnh Phú Tư cũng được hưởng “đặc ân” ấy. Cả trước và sau Cách mạng tháng Tám, văn xuôi của ông đều được đánh giá cao ở nội dung thuần Việt. Tinh thần ấy được thể hiện bằng một văn phong thuần thục, giản dị và xúc động.
Cũng được trao giải khuyến khích của giải thưởng Tự Lực văn đoàn năm 1935, tới năm 1939, thi phẩm “Những ngày nghỉ học” của nhà thơ Tế Hanh, rút từ tập “Nghẹn ngào” tiếp tục được nhóm văn chương này khen thưởng năm 1939. Cũng năm đó, tập thơ “Bức tranh quê” của nhà thơ Anh Thơ được Tự Lực văn đoàn tặng thưởng. Theo các tư liệu để lại, giấy chứng nhận giải thưởng của Tự Lực văn đoàn được in trên giấy rất đẹp, thường có chữ ký “nóng” của 6 văn thi sĩ là Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ và Tú Mỡ. Những người chấm giải đã làm việc rất có trách nhiệm: Với mỗi tác phẩm được trao giải chính thức hoặc giải khuyến khích, Ban giám khảo đều có “tường trình” rõ ràng rành mạch rằng tại sao tác phẩm được nhận giải. Nhiều tác giả trưởng thành từ giải thưởng của Tự Lực văn đoàn đã đi vào giáo khoa thư văn chương như Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Anh Thơ. Trước đó, hầu hết trong số họ trẻ tuổi và vô danh trong làng văn nước ta.