(VOV5) - Đầu tháng 9, công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam đã thông tin cuốn tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” của Trần Dần vừa được giới thiệu thành công đến nhà xuất bản IWBOOK Publishing House ở Seoul, Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, ngay sau khi được xuất bản, Những ngã tư và những cột đèn đã trở thành một hiện tượng văn học đáng chú ý của năm 2011.
Nghe âm thanh tại đây:
Như chúng tôi từng đưa tin, tiểu thuyết “Những ngã tư và những cột đèn” ra mắt đúng ngày đầu năm dương lịch 2011 và lập tức tạo hiện tượng trên thị trường sách (2.000 bản bán hết ngay trong hai tuần đầu và đã được tái bản hai lần liên tiếp ngay sau đó). Thời điểm đó, nhà thơ Trần Dần bất ngờ được độc giả Việt Nam đón nhận và khám phá như một cây bút văn xuôi bậc thầy.
Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thì khi đọc tác phẩm, người đọc sẽ thấy “Kinh ngạc vì sức sáng tạo đột khởi và đột biến của một gương mặt văn chương quyết liệt nhất Việt Nam, nhưng cũng chính vì thế lại thấy buồn cho văn học Việt Nam sau nửa thế kỷ vẫn thấy là cũ mòn so với tác phẩm này.”Trần Dần không kể, mà viết. Trần Dần rất kỹ chữ. Trần Dần tạo khoái cảm bằng chữ và tiếng, chữ của ông không nằm trên mặt phẳng, không dẹt, nó cựa quậy giàu sức gợi. Đọc ông, là được hưởng bữa tiệc ngôn ngữ.”
“Phải nói là sự kinh ngạc. Nếu tôi nhớ không nhầm thì gần như Người người lớp lớp là cuốn tiểu thuyết duy nhất, đầu tiên viết trên chiến hào, còn nóng hổi. Viết ngay, trực tiếp về trận chiến Điện Biên Phủ. Nếu nói về thời sự, là cái thời mà chủ trương lớn văn học phải bám sát thực tế, bám sát thời sự, thì không gì thời sự bằng Người người lớp lớp của Trần Dần. Sau này khi bộ đội của Điện Biên ở lại, biến chiến trường thành công trường, thì Nguyễn Huy Tưởng mới viết Bốn năm sau, Nguyễn Khải mới lên để viết Mùa lạc. Tôi đọc xong Những ngã tư và những cột đèn, lại phải dùng chữ là bất ngờ và sửng sốt. Viết từ năm 1966, mà đến giờ có thể nói không ngoa rằng chưa thể có cuốn thứ hai viết được như thế, ở tầm hiện đại về kỹ thuật tiểu thuyết như thế.”
Đại diện Nhã Nam cho biết, theo hợp đồng ký ngày 21 tháng Sáu 2017, bản tiếng Hàn của cuốn sách sẽ được xuất bản vào cuối năm 2018. Đồng thời, thông qua mạng lưới quốc tế của KL Management, Nhã Nam cũng đã gửi hồ sơ về tác phẩm này (bao gồm phần giới thiệu về tác giả và tác phẩm bằng tiếng Anh, và một phần bản dịch tiếng Anh của dịch giả David Payne) đến nhiều đại diện bản quyền tại châu Âu và Mỹ, đồng thời nhận được rất nhiều phản hồi tích cực.
Tiểu thuyết được Trần Dần hoàn thành vào năm 1966, nhưng đến tận năm 1988 ông mới được nhận lại bản chép tay duy nhất của tác phẩm này. Bản thảo bị nhiều nhà xuất bản từ chối và cất trong ngăn kéo. Trước khi bị bệnh tật quật ngã, Trần Dần đã chép lại và sửa chữaNhững ngã tư và những cột đèn một lần nữa, bản thảo này được hoàn thành vào đầu năm 1990 và tiếp tục phủ bụi thêm
cho đến khi được Nhã Nam xuất bản lần đầu tiên vào năm 2011, tức là 45 năm sau khi ông hoàn thành tác phẩm.
Theo dịch giả Cao Việt Dũng, người biên tập bản thảo thì cuốn sách này, vốn là tác phẩm di cảo của nhà văn quá cố, dù gần 50 năm sau khi viết mới xuất bản được, nhưng đã xuất hiện đúng lúc có khủng hoảng trong việc sáng tác văn học hiện nay: “Những ngã tư và những cột đèn xuất hiện đúng lúc có một sự khủng hoảng nhất định trong sáng tác của các tiểu thuyết gia Việt Nam. Những cách tân mà Trần Dần đã thực hiện từ cách đây rất lâu mà các nhà văn trẻ hiện nay cũng không hẳn là đã theo kịp được ông.”
Phong cách Trần Dần là độc bản. Xáo trộn, nhầm lẫn thời gian liên tục. Yêu Dostoevsky, “Trần Dần có chất “Dostoevsky’’ ở khả năng đi sâu tâm lý nhân vật, xoáy đi xoáy lại những ám ảnh, muốn tới tận cùng.”
Nhà văn Trần Dần |
Cô đơn khi sống và sau khi chết, bởi quyết liệt làm mới, những lựa chọn lẻ loi, Trần Dần đã vượt nhiều ngã tư, thành người tiên phong với các tác phẩm có hình thức thế kỷ 21, sớm hơn nửa thế kỷ so với thời ông viết.
Theo nhà văn Lê Minh Khuê, cách viết của Trần Dần bộc lộ con người nhà văn cô độc, chú ý nhiều đến trạng huống cảm xúc con người. Bà cho rằng nhà văn muốn nhân vật hòa vào dòng chảy đời sống, nếu ko có cảm xúc thực sự thì không thể sáng tác được như ông: “Cách viết của ông không bao giờ cũ. Ông gợi ý cho tôi hãy coi trọng từng dấu phảy. Dấu chấm, dấu phảy là trạng thái, là bước ngoặt. Nhiều khi một dấu phảy có dụng ý có thể nói thay cho rất nhiều lời”.
Theo ông Joseph Lee, chủ tịch KL (Korean Literary) Management - nhà đại diện bản quyền rất có uy tín của Hàn Quốc và bà Barbara J. Zitwer, chủ tịch Barbara J. Zitwer Agency ở New York, thì hai đại diện này sẽ coi Những ngã tư và những cột đèn là một trong những tác phẩm tiêu biểu trong danh sách của mình và sẽ tích cực giới thiệu tác phẩm này với các nhà xuất bản đến từ khắp nơi trên thế giới tại hội chợ sách Frankfurt tháng Mười 2017 tới đây.