(VOV5) - Bộ sách 7 cuốn như một cách nhìn tổng thể, hệ thống về dòng văn học kỳ ảo, kinh dị ở giai đoạn 1930 - 1945.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc PTV Sơn Tùng:
Ra đời cách đây gần một thế kỷ, những tác phẩm được gọi là “truyện đường rừng”(dựa trên những sáng tác ban đầu của Lan Khai) – truyện kỳ ảo, truyện ma, truyện kinh dị… của các nhà văn Thế Lữ, Lan Khai, TchyA vẫn chứng tỏ sức hấp dẫn với nhiều thế hệ bạn đọc.
Tọa đàm “Vẻ đẹp văn học kỳ ảo Việt Nam qua Truyện đường rừng và những truyện khác” do nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội nhân dịp ra mắt bộ bảy tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học này.
Nhà báo Yên Ba, TS văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, nhà văn Di Li tại buổi tọa đàm. |
Truyện đường rừng được coi như một đặc sản của văn học Việt, với những yếu tố kỳ ảo kinh dị lấy bối cảnh núi rừng hoang sơ, cùng yếu tố tâm linh, ma quỷ gây tiếng vang từ khi mới ra mắt bạn đọc, và qua gần một thế kỷ, vẫn được các NXB trong nước tái bản theo từng tác giả.
Lần đầu tiên NXB Kim Đồng ấn hành trọn bộ bảy tác phẩm tiêu biểu trong dòng văn học này, gồm “Bên đường thiên lôi”, “Ba hồi kinh dị”, “Vàng và máu” của nhà văn Thế Lữ, “Kho vàng Sầm Sơn”, “Thần hổ”, “Ai hát giữa rừng khuya” của nhà văn TchyA, và “Truyện đường rừng” của nhà văn Lan Khai. Bộ sách có thể nói như một cách nhìn tổng thể, hệ thống về dòng văn học kỳ ảo, kinh dị ở giai đoạn 1930 - 1945.
TS văn học Nguyễn Thị Năm Hoàng, Phó trưởng Khoa Văn học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, trong lịch sử văn học Việt Nam, yếu tố ma, hình tượng nhân vật ma nữ và cái kỳ ảo trong văn chương đã xuất hiện rất sớm. Bởi vì trong tín ngưỡng dân gian có niềm tin, có nỗi sợ ma, sợ sự ma quái. Có một bộ phận văn học hoặc là có những tác phẩm sử dụng chấm phá những yếu tố này để kể chuyện, ví dụ như những tác phẩm Lĩnh nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục, hay những truyện nổi tiếng có nhắc đến hình bóng của ma quỷ như Truyện Kiều.
Bộ sách của NXB Kim Đồng |
"Trong tâm thức của người Việt và có lẽ của nhân loại nói chung, ngoài những yếu tố mà chúng ta có thể kiểm soát được, lý giải được, có thể kiểm nghiệm được bằng lý trí, bằng tri thức và đặc biệt là trong thời đại của chúng ta thì bằng khoa học công nghệ, nhưng cạnh đó còn có một phần thẳm sâu chúng ta sẽ không lý giải được. Nó luôn luôn tồn tại ở đó như là một sự bối rối, sự phân vân, một sự hoài nghi và đặc biệt là như một nỗi sợ. Có một bộ phận văn học nói về những phần bối rối, hoài nghi và nỗi hoang mang đó. Có lẽ nếu cắt nghĩa một cách thật sự chặt chẽ và chính xác, chúng ta rất khó định danh nó là văn học kỳ ảo hay là văn học kinh dị rồi văn học trinh thám nói chung, Đấy là bộ phận văn học yếu tố kỳ ảo nhiều hơn là yếu tố hiện thực." - TS Nguyễn Thị Năm Hoàng khẳng định.
Thuật ngữ “truyện đường rừng” xuất phát từ sáng tạo của nhà văn Lan Khai. Nhận định những tác phẩm “truyện đường rừng” là một đặc sản của Việt Nam giai đoạn 1930-1945, nhà văn Di Li cho rằng với bạn đọc hiện đại, khi đọc được những tác phẩm này, với tất cả sự hấp dẫn tự thân của các câu chuyện thấm đẫm không khí một thời không trở lại, sẽ thấy trân trọng hơn những giá trị văn hóa của một thời đại: "Trong series này thần hổ xuất hiện rất nhiều. Hồi đó người sợ hổ ăn thịt, bây giờ hổ sợ người ăn thịt, hổ bây giờ rất khó tìm kiếm ở Việt Nam. Nên bây giờ chúng ta cũng không còn những chuyện thần hổ, hay chuyện đường rừng nữa, chỉ còn là giai thoại. Vì vậy bộ sách này lại càng quý với những người viết văn đương đại. Bởi vì chúng tôi không còn thấy cái không khí này ở hiện thực nữa. Đọc sách này chúng ta càng mơ mộng, chúng ta càng sợ hãi."
Theo TS Nguyễn Thị Năm Hoàng, các tác giả dòng truyện đường rừng đã mở ra một thế giới đầy sáng tạo. Với Lan Khai, là "truyện lồng trong truyện"; Tchya (Đái Đức Tuấn) thì đầy tư liệu, chi tiết và triết lý sống; còn Thế Lữ mang đến vẻ đẹp của thiên nhiên lồng ghép trong những câu chuyện trinh thám hấp dẫn. Kể những câu chuyện hư ảo, nhưng không khí, bối cảnh của các tác phẩm này bám sát vào những phong tục, tập quán của miền núi ngày đó.
Độc giả trẻ tham dự tọa đàm |
Theo nhà báo Yên Ba, những năm 1930 - 1945 của thế kỷ trước, báo chí và các nhà xuất bản tư nhân là bệ đỡ cho văn học kỳ ảo Việt Nam đến với bạn đọc trong sự phát triển mạnh mẽ của văn học hiện đại Việt. Văn học kỳ ảo gay cấn cùng với nhiều loại truyện khác xuất hiện dưới dạng truyện đăng nhiều kỳ trên báo để thu hút độc giả: "Không phải là ngồi viết một truyện dài sau đó đem cắt ra để đăng báo, mà cứ mỗi một ngày đăng báo xong bắt đầu đo xem hôm đó độc giả phản ứng thế nào để hôm sau viết tiếp. Và nếu như cứ độ khoảng 5 kỳ báo mà độc giả họ thờ ơ là ông chủ bút cắt ngay không đăng nữa, chuyển sang truyện khác để cho hấp dẫn. Do yêu cầu phải lôi cuốn độc giả như vậy, rõ ràng các ông chủ yêu cầu các nhà văn, nhà thơ đi vào lĩnh vực là viết những câu chuyện ma quỷ gay cấn, rùng rợn.."
Nhà báo Yên Ba cho rằng sau nhiều năm, việc tái bản loạt tác phẩm thuộc dòng văn học kỳ ảo là cách khám phá di sản văn học rực rỡ của thế hệ trước góp phần định danh dòng chảy truyện đường rừng, cũng như để bạn đọc hôm nay được ngược dòng thời gian trở lại với không khí huyền hoặc của một thời đã xa: "Sự nỗ lực của nhà xuất bản Kim Đồng khi tái bản bộ sách 7 cuốn này là một nỗ lực rất đáng kể, vì biết đâu đấy nó khơi dậy cho những người viết ham muốn tìm ra một hướng đi cho dòng văn học này.
Các bạn trẻ ngày nay khi đọc những Trên đường Thiên Lôi, Vàng và máu, Truyện đường rừng hay Tiếng hú đêm khuya, rồi Ai hát giữa rừng khuya chẳng hạn, các bạn trẻ sẽ hiểu rằng trong lịch sử văn học Việt Nam đã từng có một giai đoạn như vậy, đã từng có những tác phẩm hấp dẫn như vậy. Và chúng ta sẽ chờ đón những người viết Việt Nam ở những câu chuyện tiếp theo của dòng văn học tương đối đặc biệt này."