Mười bảy câu chuyện có thể coi như là mười bảy giọt sương xinh xắn nhẹ nhàng, cứ lặng lẽ rơi xuống tâm hồn bạn đọc một cách bình dị nhất. Đó là những câu chuyện về cuộc đời bình thường của con người. Có khi đau đớn như trong “Gió thổi thì buốt sống lưng”; khi lại thư thái bình an lúc mà “Những ngày mùa đông khép lại”; bất ngờ mà dằn vặt khi “Sớm mai thoang thoảng” và “Hoa giấy bao giờ thôi rực rỡ”; lại thấm đượm cay đắng xót xa trong “Cây thằn lằn lá xanh” và “Đêm dài hun hút”.
Khác với vẻ bề ngoài bụi bặm, giọng văn của Niê Thanh Mai lại khá dịu dàng và tinh tế: “Tôi viết khá là buồn, như kể chuyện thì đúng hơn. Nếu mà có gai góc đi chăng nữa thì tôi vẫn cứ nhẹ nhàng, thoang thoảng kiểu như là sương đêm.”
Điều dễ nhận thấy, nhân vật chính trong 17 truyện ngắn, chủ yếu là phụ nữ. Họ gắn bó nhuần nhuyễn với buôn làng từ ý nghĩ đến hơi thở. Những hình dáng đàn bà “lui cui nhóm bếp”, hay “cặm cụi giã cà đắng sau chái bếp”; những lời nói “Thy ơi Thy hỡi ra vườn hái cho bà trái ớt chỉ thiên thật xanh mới đủ cho cay xé lưỡi…”; những thắc mắc “ba năm rồi sao bụng con dâu phẳng như thân cây bằng lăng…”.
Những dằn vặt, tâm sự đậm chất đàn bà ấy trong tập sách khá dầy đặc, nhưng lại như những sợi dây cước mỏng mảnh trong suốt đan cài vào nhau mà xiết vào tâm can. Từ đó hình thành nên những lo âu, những bão dông, những hạnh phúc, lúc nào cũng như sẵn sàng đổ xuống cuộc đời. Niê Thanh Mai luôn yêu các nhân vật của mình: “Tôi là người Ê Đê nên tôi yêu những người phụ nữ Ê Đê của mình, yêu đến mức những nhân vật phụ nữ Ê Đê dẫu có cứng rắn thế nào thì họ vẫn luôn là những người phụ nữ dịu dàng. Sâu thẳm trong họ luôn là sự khao khát cuộc sống hạnh phúc. Ví dụ như là Dương của “Triền đồi nắng rát”, rồi H’Ban của “Gió thổi thì buốt sống lưng”, H’Dung của “Phía nào sương thôi rơi”, H’Sin trong “Thương anh bằng núi bằng sông”…
Nhà văn Nie Thanh Mai - Ảnh: Văn học Sài gòn. |
Nhân vật trong Phía nào sương thôi rơi ở nhiều lứa tuổi, từ bé gái 10 tuổi phải lo toan chăm em coi sóc nhà cửa đến bà cụ già lụm cụm ngồi chờ con ở quầy rau nhỏ xíu đầu làng. Từ người đàn bà bỏ chồng bỏ con bỏ buôn làng đi ra phố kiếm tìm hạnh phúc hào nhoáng nơi phố thị, đến người đàn bà nhẫn nhịn buộc thân mình trong bát cà đắng âm thầm chịu đựng những đắng cay. Từ người đàn bà làm giàu bằng đôi bàn tay thứ gì cũng có mà khi cuối đời nhận ra mình thiếu tình yêu. Từ người mẹ cay nghiệt cấm đoán tình yêu của con cái theo lý lẽ riêng của mình đến người mẹ mở lòng bao dung nhân hậu bao bọc chở che… Bao nhiêu nhân vật đàn bà là bấy nhiêu cách ứng xử. Nhà văn đã làm cho người đọc hiểu nhiều hơn tâm lí và thân phận người phụ nữ Tây Nguyên trong cơn lốc xâm nhập của đời sống thị thành, khi mà những cố gắng giữ gìn không gian sống đậm văn hóa truyền thống trở nên mỏng manh và khó khăn bởi ý thức vật chất và thực dụng ngày càng lấn át.
Nhưng cho dù như vậy thì chất Ê Đê trong nhân vật của Phía nào sương thôi rơi vẫn khá đậm nét để làm nên một thế giới riêng của Niê Thanh Mai: “Trong truyện của mình tôi muốn các nhân vật luôn trăn trở để giữ được cái đẹp truyền thống, cái đẹp huyền thoại của buôn làng, của vùng đất Tây Nguyên”
Nói như nhà văn Hoàng Thụy Anh ở Quảng Bình, Phía nào sương thôi rơi là một khúc hát ngọt ngào mà nữ nhà văn Niê Thanh Mai dành riêng cho những mảnh đời rất chân thực của người miền núi ở xứ sở Tây Nguyên. Còn nhà văn Võ Thị Xuân Hà thì cảm nhận, người đàn bà viết văn này không phải đang “làm văn”, mà nàng ấy dẫn ta luồn sâu vào rừng già, đi trong lau lách, trong tầng tầng lớp lớp cát bụi thảo nguyên; vừa đi vừa kể những câu chuyện đâu đó mà trong tiềm thức của chúng ta hình như có, hình như đã quên, hình như chưa được sờ nắm, và giờ được chạm vào khắc khoải, rưng rưng…