(VOV5) - Nhiều người, đặc biệt là giới văn chương đến với sự kiện ra mắt trường ca “Cúc” của NSND Hoàng Cúc với cảm xúc tò mò.
Mới đây, NSND Hoàng Cúc bất ngờ ra mắt một trường ca mang tên “Cúc” trải lòng cùng độc giả bao suy tư, ký ức cuộc đời.
Nghe âm thanh bài tại đây:
NSND, diễn viên Hoàng Cúc. |
NSND Hoàng Cúc sinh năm 1957 tại Hưng Yên. Hoàng Cúc từng là một trong những ngôi sao sân khấu kịch nói xuất sắc một thời, một diễn viên điện ảnh – truyền hình được công chúng mến mộ qua nhiều vai diễn, như trong các phim “Bỉ vỏ”, “Tướng về hưu” vv… và giành nhiều giải thưởng uy tín. Bà từng giữ cương vị Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ năm 2001 cho đến khi nghỉ hưu. Gần đây, NSND Hoàng Cúc vẫn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim truyền hình. Nhưng ngoài câu chuyện diễn xuất, bà vẫn dành thời gian sáng tác văn chương. Tập trường ca “Cúc” là cuốn sách đầu tay, cho thấy một chân dung khác của nữ nghệ sĩ từ lâu đã tạo được dấu ấn với vai trò một diễn viên.
Nhiều người, đặc biệt là giới văn chương đến với sự kiện ra mắt trường ca “Cúc” của NSND Hoàng Cúc với cảm xúc tò mò. Một nghệ sĩ đã rất nổi tiếng, thành danh trong làng phim điện ảnh, truyền hình và sân khấu kịch nay lại ra mắt hẳn một trường ca, một bài thơ dài hơn 100 trang. NSND Hoàng Cúc muốn nói điều gì và đã viết ra sao?
Không rạch ròi từng nội dung, sự kiện như văn xuôi, trong từng trang trường ca “Cúc” hiển hiện cuộc đời, số phận - Tuổi thơ, tuổi trẻ, gia đình, quê hương và những không gian sống mà tác giả đã trải qua.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người viết tựa cho cuốn sách đầu tay của NSND Hoàng Cúc. Ông rất bất ngờ khi cầm trên tay bản thảo của tập trường ca và cho rằng không có cái tên nào hay hơn việc tác giả lấy chính tên mình đặt tên cho tác phẩm. Đây chính là hành trình nội tâm, một hành trình trải nghiệm cuộc đời, “hồ sơ trong tâm hồn” của NSND Hoàng Cúc – Một con người có số phận đặc biệt. Tác phẩm đã soi tỏ phẩm chất thi sĩ của tác giả, bên cạnh hào quang của sự nghiệp diễn xuất bấy lâu nay đã được công chúng biết đến.
“Ta độc chiếm giấc mơ ta/ Giấc mơ bay về mùa sen thay lá/ Những đóa sen sau mưa bung tỏa/ Rưng rưng sương sớm ngóng thu về” – Đó chỉ là vài câu thơ trong tập trường ca được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá là “quá nhiều câu thơ đẹp và kỳ lạ” của NSND Hoàng Cúc. Nhận trách nhiệm tổ chức bản thảo cho tác phẩm này, nhà thơ Thy Nguyên nhận ra rằng tập trường ca “Cúc” chính là cuộc trò chuyện cuộc đời bằng thơ, ghi dấu và khắc họa đời sống thơ ca vô cùng lấp lánh của người nghệ sĩ từ lâu chị và gia đình vô cùng mến mộ. Khi biết đến NSND Hoàng Cúc trong tư cách tác giả trường ca “Cúc” với ba phần: Cánh đồng mẹ - Hồn thu xứ mặt trời và Phục sinh, Thy Nguyên miêu tả bản thân “vỡ òa trong cảm xúc” trước một tác phẩm mang đời sống thi ca vô cùng lấp lánh của người nghệ sĩ biết trò chuyện cuộc đời bằng thơ.
Một nghệ sĩ với vầng hào quang tỏa sáng trong tài năng diễn xuất phim ảnh và trên sân khấu kịch – Đó là dấu ấn để nhớ của NSND Hoàng Cúc trong ký ức của rất nhiều người. Lữ Mai – Một nhà thơ thế hệ 8x đã tiếp nhận trường ca “Cúc” trong tâm thế muốn tìm hiểu một góc cạnh sáng tạo khác của người nghệ sĩ nổi tiếng. Và qua đường dẫn thơ ca, chị hiểu hơn về một NSND Hoàng Cúc đa tài, đa đoan. Theo nhà thơ Lữ Mai, trường ca “Cúc” là kết quả một quá trình, câu chuyện xuyên suốt từ tuổi thanh xuân của tác giả cho tới hôm nay. Và dù là điện ảnh, truyền hình hay văn chương, NSND Hoàng Cúc đều thể hiện sự sâu sắc, tài hoa và trải nghiệm do vậy tiếng thơ của bà là tiếng lòng, là số phận của chính tác giả.
NSND Hoàng Cúc tại buổi ra mắt sách. |
Đã có rất nhiều nghệ sĩ chọn thể loại hồi ký chắp bút để ghi lại cuộc đời mình. Có thể sau này NSND Hoàng Cúc cũng sẽ có một cuốn hồi ký – Bởi cuộc đời và nghiệp diễn của bà đã trải qua bao vui buồn, biến cố. Trường ca “Cúc” cũng có thể xem là một dạng hồi ký bằng thơ hiếm hoi của người nghệ sĩ nặng lòng với những trang viết. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng cho rằng NSND Hoàng Cúc đã làm một việc khác người khi chọn thơ ca để giãi bày, đặc biệt hơn lại là thể loại trường ca đòi hỏi bề dày trong sáng tác và tác phẩm của bà đã phần nào cuốn hút được độc giả, công chúng.
Có thể thấy NSND Hoàng Cúc viết trường ca “Cúc” trước tiên để giãi bày câu chuyện cuộc đời mình, để chiêm nghiệm “Ai đi qua bóng tối/ Để biét trời đổ giông/ Đợi ở cuối dòng sông/ Để thấy xa bờ cũ”. Và câu chuyện ấy trở nên có hồn nhờ kết cấu, ngôn từ hay chính là nghệ thuật sáng tạo. Từng cung bậc cảm xúc của tác giả qua niêm luật, cách điệu và dòng chảy thơ từ từ bung tỏa và dẫn dắt cảm xúc của người đọc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá NSND Hoàng Cúc “có những câu thơ vô cùng ám ảnh và đặc biệt”. Nhà thơ Thy Nguyên cho rằng thế mạnh của NSND Hoàng Cúc trong tập trường ca mang tên bà là ở những câu thơ lục bát. Còn nhà thơ Lữ Mai cho rằng thơ NSND Hoàng Cúc chất chứa những chặng đường số phận và tin rằng bà sẽ có thêm nhiều tác phẩm nữa ở nhiều thể loại khác nhau.
Một cuộc đời, số phận đầy thăng trầm, một tâm hồn nhạy cảm, nhiều khát vọng nhờ khả năng ngôn ngữ đã được giãi bày trên từng trang thơ. Có lẽ nhiều người có cùng suy nghĩ như nhà thơ Lữ Mai khi cho rằng NSND Hoàng Cúc sẽ còn những trang viết ám ảnh. Một dự đoán có căn cứ bởi đã có những trích đoạn của trường ca “Cúc” chạm được đến cõi lòng, không chỉ của NSUT Hồng Liên. Vốn là một nghệ sĩ ngâm thơ lâu năm, khi đọc những câu thơ lục bát viết về mẹ của NSND Hoàng Cúc, NSUT Hồng Liên không nén nổi xúc động. Trường ca “Cúc” đã góp phần soi tỏ cuộc đời của một nữ nghệ sĩ mà tài năng và nghị lực của bà đã phần nào truyền cảm hứng tới các lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay.