NSƯT Mỹ Uyên: Tôi tự hào vì đã trải qua mọi tính cách nhân vật

(VOV5)- Tới phòng vé của Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nhiều người gặp “bà bầu”- NSƯT Mỹ Uyên cũng đang ngồi làm việc cùng nhân viên bán vé. Chuyện bà phó giám đốc nhà hát ngồi đón từng khán giả tới rạp vẻ như không lạ trong bối cảnh sân khấu xã hội hóa Sài Gòn. Càng không lạ hơn với NSƯT Mỹ Uyên.

NSƯT Mỹ Uyên: Tôi tự hào vì đã trải qua mọi tính cách nhân vật - ảnh 1

Thơ ấu và ký ức buồn về ba

Sinh ra ở xã Hiệp Ninh, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh (nay là Phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh), nơi cách Sài Gòn cả trăm cây số, ký ức tuổi thơ của Mỹ Uyên thật bình yên giữa vòng tay bà, mẹ và các dì.

Bà ngoại chị là vợ một thương gia người Hoa. Bà buôn bán cũng rất giỏi nên kinh tế gia đình vững. Sẵn có tâm lý muốn bảo bọc các con, bà yêu cầu tất cả ba chàng rể phải về ở chung. Điều bà không ngờ, mong muốn đó đã trở thành nguyên nhân làm rạn nứt, rồi đổ vỡ hạnh phúc của những cô con gái.

Lên tám tuổi, cô bé Uyên dần quen với cảnh cha thường xuyên vắng nhà với lý do làm ăn xa. Cha cô làm trong ngành lâm nghiệp, nay Gia Lai, mai Đắc Lắc, ngày kia Lâm Đồng. Ban đầu ông chỉ vắng nhà một tuần. Sau đó hai tuần, ba tuần và rốt cuộc biền biệt.

Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi những xì xào về vợ bé của ba đến tai mẹ. Những xáo trộn sau đó là phần đời không thể quên với Mỹ Uyên. Đến giờ chị vẫn nhớ như in lần cuối cùng được gặp ba. Ba chỉ ngoái lại nhìn chị lần cuối cùng rồi sau đó, ông cùng mẹ con người vợ bé đi đâu mất biệt. Hơn ba mươi năm nay, chị chưa hề gặp lại.

Giấc mơ mang tên “Sài Gòn”

Dù không có ba từ năm tám tuổi, nhưng nhờ kinh tế gia đình nhà ngoại vững nên suốt thời thơ ấu, Mỹ Uyên được cưng chiều, chăm chút như một tiểu thư. Cô say sưa với sinh hoạt văn nghệ tại nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh Tây Ninh, dù chưa có ý theo đuổi nghệ thuật.

Trong gia đình, bà ngoại, chứ không phải mẹ, là người có ảnh hưởng nhiều nhất tới tính cách và nết hành xử của Mỹ Uyên. Trong quan sát của cô bé mới lớn, mẹ hiền lành và đôi khi quá thụ động với sự bảo bọc của bà. Không chỉ mẹ, các dì cũng có tính cách khép kín, thu mình trong khuôn khổ gia đình. Điều đó khiến Mỹ Uyên thấy lạ. Từ nhỏ, cô bé đã có ý tưởng muốn vượt thoát, khẳng định bản thân.

Ý nghĩ ấy như được tiếp thêm mạnh mẽ qua những lần được cùng mẹ lên thăm cậu Hai ở Sài Gòn. Chỉ cách khoảng trăm cây số thôi nhưng Sài Gòn hoa lệ và sôi động trở thành thế giới hoàn toàn khác, vô cùng hấp dẫn.

Quá yêu thích nơi ấy, không ít lần, Mỹ Uyên còn rủ bạn bè đi xe máy lên chơi Sài Gòn. Còn nhớ lần đầu cả nhóm ngu ngơ đi vào phần đường ngược chiều, bị người ta la mắng xối xả. Mãi rồi cả bọn mới hiểu vì sao bị mắng. Lại mất công đi đường vòng trở lại. Từ bài học đi đường đó, cô bé Uyên vỡ ra: Muốn gia nhập một đô thị lớn như Sài Gòn, cô cần phải học rất nhiều điều, không chỉ kiến thức.

Lấy “nghề ngắn” nuôi “nghề dài”

Quá say sưa với hấp lực Sài Gòn hoa lệ, Mỹ Uyên đã thuyết phục bà và mẹ cho phép lên đó trọ học ở nhà cậu Hai.

Cơ duyên tham gia và trở thành 1 trong 15 thí sinh lọt vào chung kết cuộc thi Gương mặt điện ảnh của Hội điện ảnh TPHCM từ những năm 1990 là trải nghiệm đáng kể với Mỹ Uyên. Thấy các bạn thí sinh khác diễn xuất giỏi quá, lại biết các bạn đều học Trường Cao đẳng sân khấu điện ảnh TPHCM, Mỹ Uyên cũng đăng ký thi vào đó.

Suốt năm đầu học Cao đẳng sân khấu điện ảnh TPHCM, Mỹ Uyên và cậu Hai không cho gia đình biết. Cả nhà dưới Tây Ninh đều tin cô đang theo học một trường kinh tế nào đó để thỏa chí làm giàu. Chưa bao giờ những người thân muốn Mỹ Uyên theo đuổi nghệ thuật bởi định kiến “xướng ca vô loài” từ lâu đã ăn vào nếp nghĩ của một gia đình gia giáo.

Mặc dù kinh tế gia đình không quá khó khăn, nhưng ngay từ nhỏ, bà ngoại đã rèn cho Mỹ Uyên một cá tính mạnh mẽ và tự lập. Gia đình cô có những tiệm may nổi tiếng trong vùng, vậy nên mới chín, mười tuổi cô đã biết thùa khuyết, lên lai áo thành thạo.

Bước vào đại học, cũng với tính cách tự lập và năng nổ đó, Mỹ Uyên làm đủ mọi nghề có thể để lo toan cuộc sống và học tập. Cô đi bán vé ở rạp Thăng Long, đi chụp ảnh người mẫu, đi đóng phim quần chúng, xin các vai diễn phụ để rèn luyện khả năng diễn xuất, v.v…

Sau này khi ra trường rồi, Mỹ Uyên chợt giật mình nhận ra sự thật “tương đối phũ phàng”: không phải cứ học xong trường nghệ thuật là có thể trở thành nghệ sỹ. Và ở giai đoạn “chưa là ai cả”, cô buộc phải “lấy ngắn nuôi dài”.

Mỹ Uyên cùng mẹ mở shop quần áo trẻ em tại căn nhà bà ngoại mua cho ở quận Bình Thạnh. Không chỉ thế, cô cùng mấy người bạn còn thuê lại khu mặt tiền ở gần giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai – Pasteur bán cà phê.

Cứ như thế, vừa kinh doanh, vừa làm nghề, Mỹ Uyên thầm lặng nuôi giữ đam mê thiết tha với sân khấu. Và không phải không có lúc, niềm đam mê ấy bị cô lôi ra cật vấn khi cuộc mưu sinh bằng các “nghề ngắn” chẳng mấy xuôi chèo mát mái.

Những vai diễn nhiều kỷ niệm

Sau khi ra trường, Mỹ Uyên cùng một lớp các diễn viên cùng lứa được chọn về Đoàn kịch thành phố (nay là Nhà hát kịch thành phố).

Thuở ấy Đoàn kịch có rất ít vở diễn. Những diễn viên mới ra nghề như Mỹ Uyên khó có cơ hội đứng trên sân khấu, dù là vai phụ. Thực tiễn khiến chị hoang mang, dù vẫn năng nổ làm người mẫu, đóng phim truyền hình, xin và nhận bất cứ vai diễn nào được giao.

Hơn hai năm sau ngày ra trường, vai diễn đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của Mỹ Uyên trên sân khấu chuyên nghiệp là vai nữ nô lệ da đen Mêrita trong vở kịch “Con cáo và chùm nho” chuyển thể từ truyện ngụ ngôn Aesop. Nhắc lại vai diễn, chị vẫn đầy cảm kích với người thầy, đạo diễn Trần Minh Ngọc.

Tuy chỉ là vai diễn phụ nhưng Mê-ri-ta xuất hiện suốt vở kịch, và Mỹ Uyên có “đất” để diễn ở những thoại của nhân vật. Vốn được đánh giá là “đào đẹp” nhưng trong vở này, chị hóa thân thành một cô hầu gái da đen xấu xí, thô tháp. Mỹ Uyên còn nhớ, vở diễn mở màn lúc tám giờ tối nhưng bao giờ chị cũng phải tới từ bốn giờ chiều để lo hóa trang, nhất là đánh phấn cho đen và bôi môi cho dầy. Không còn ai nhận ra chị, trừ những người đã xem phim truyền hình nhận ra chị qua giọng nói.

Nhưng vai diễn Mê-ri-ta ngày ấy đã được khán giả đánh giá tốt. Báo chí có nhiều bài ngợi khen. Đồng nghiệp cũng chia sẻ thành công.

Nhưng dù thành công thì Mê-ri-ta vẫn chỉ là vai phụ. Và sự khan hiếm vở diễn thời đó khiến Mỹ Uyên không có nhiều cơ hội nhân thêm thành công đầu tiên. Phải đợi tới bảy năm sau, nhờ sự tin tưởng và giúp đỡ của NSƯT Ái Như, lần đầu tiên trên sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Mỹ Uyên được nhận vai nữ chính trong đời. Đó là vai Diễm trong “Chuyện của Diễm”.

Cô đã rất lo lắng khi Diễm là vai có tính cách rất phức tạp. Làm thế nào thể hiện “cho ra” nhân vật đó trở thành áp lực và thách thức lớn với Mỹ Uyên. Cũng như sự tri ân với đạo diễn Trần Minh Ngọc, tới hôm nay, khi cũng đã trở thành một NSƯT như người đàn chị là NSUT Ái Như, Mỹ Uyên vẫn rất biết ơn tấm lòng và sự tin tưởng của chị với mình.

Vai Diễm đã trở thành dấu mốc lớn với riêng cuộc đời nghệ sỹ sân khấu của Mỹ Uyên. Chị chia sẻ, dù đã tham gia khá nhiều vai diễn như trong Cõi tình, Gương mặt kẻ khác, Sống thử, v.v… và nhiều trong các vai diễn đó được khán giả khen ngợi, nhưng chị vẫn tâm đắc nhất với vai Diễm trong vở “Chuyện của Diễm”. Nó là dấu mốc giúp chị tự tin khẳng định: mình có thể làm tốt vai trò một nghệ sỹ sân khấu và có thể vững tâm đeo đuổi sự nghiệp.

NSƯT Mỹ Uyên: Tôi tự hào vì đã trải qua mọi tính cách nhân vật - ảnh 2

Lấy “nghề dài” nuôi “nghề dài”- “bà bầu Mỹ Uyên”

Trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu ở TPHCM, sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần được nhiều anh em nghệ sỹ coi như cái “tổ đường” của nghề. Nó như ngôi nhà khởi nguồn để từ đó nhiều nghệ sỹ dần trưởng thành, định vị tên tuổi và… “ra riêng”, xây dựng “nhà” mới của mình. Đó là NSƯT Ái Như và NSƯT Thành Hội với sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, NSƯT Hồng Vân với sân khấu kịch ở Super Ball, nghệ sỹ Thành Lộc với sân khấu kịch ở Ideacaf,…

Đó là thực tiễn, ở khía cạnh tâm linh, nhiều nghệ sỹ của sân khấu cũng thường bảo nhau, các cụ tổ nghề được thờ trong ngôi từ đường này thiêng lắm. Hầu như anh em nghệ sỹ năm nào có dịp về được thắp hương trong ngày giỗ tổ, y như rằng năm đó đắt show, đắt sự kiện!

Cũng như các bậc đàn anh, NSƯT Mỹ Uyên từng nuôi khát vọng có được sân khấu riêng. Cũng có lúc chị muốn đầu quân cho một sân khấu khác. Nhưng chính NSƯT Hồng Vân đã đề nghị Mỹ Uyên ở lại, gắn bó với sân khấu kịch 5B. Giống như bà chị cả lo lắng cửa nhà bố mẹ sẽ tan hoang khi đứa lớn đứa nhỏ lần lượt dắt díu nhau đi, cái tình của NSUT Hồng Vân khi nói điều ấy đã níu chân cô diễn viên trẻ giàu tham vọng Mỹ Uyên ở lại.

Nhưng không đơn thuần chỉ là ở lại và chấp nhận cảnh “nước nổi thì bèo nổi”. Nắm bắt chủ trương xã hội hóa sân khấu, Mỹ Uyên cùng NSƯT Công Ninh bắt tay bỏ vốn dựng kịch. Vở “Cõi tình” khi ấy chỉ “dám” có ba nhân vật, trong đó hai diễn viên đã là hai… “ông, bà bầu”, còn một người nữa mời thêm, nếu có lỗ vẫn đủ tiền trả cát-sê. Ấy thế mà lại thành công. Mà thành công rực rỡ nữa.

Thành công đầu tiên thúc đẩy Mỹ Uyên tiếp tục các dự án xã hội hóa sân khấu khác. Cứ thế, nghề dạy nghề, chị trở thành “bà bầu” từ lúc nào chẳng biết. Chị say sưa với việc đọc chọn kịch bản, đề xuất lãnh đạo sân khấu những vở hay, sau khi được duyệt lại lo tổ chức dựng.

Những nỗ lực làm nghề không mệt mỏi và cũng không hề tính toán của Mỹ Uyên đã được ghi nhận khi năm 2010, chị trở thành Phó giám đốc Nhà hát kịch 5B Võ Văn Tần.

Đằng sau những “khóc”, “cười”

Đi qua gần nửa cuộc đời, sẽ không quá khi bảo Mỹ Uyên thực sự đã hy sinh nhiều vì nghệ thuật. Tới giờ chị vẫn chưa lên xe hoa, dù luôn mở lòng khi tình yêu gõ cửa. Chị thừa nhận, đã không dưới vài lần, chị dứt ruột nói lời chia tay khi người ta buộc chị chọn giữa gia đình và nghệ thuật.

Nhưng vào những lúc cô đơn nhất, chị tới với những đứa trẻ thiệt thòi ở các trung tâm thiện nguyện. Những đứa trẻ bị phong, các em nhỏ khuyết tật. Chị lặng lẽ tới, lặng lẽ giúp các em tất cả những gì có thể. Và chị vui khi chúng rất nhớ chị.

Bắt đầu từ vị thế của một người vô danh, NSƯT Mỹ Uyên thấu hiểu những truân chuyên của diễn viên trẻ. Các em bây giờ phải đối mặt với nhiều cám dỗ hơn so với thời chị. Vì thế, khi trở thành người quản lý của sân khấu 5B, chị dành nhiều ưu tiên cho các bạn.

Ngay lúc làm các vở diễn xã hội hóa, Mỹ Uyên đã chủ trương tạo cơ hội cho các em tự khẳng định trên sàn diễn. Nhiều năm qua, chị tự hào đã góp phần đào tạo các lứa diễn viên mới, không chỉ cho sân khấu 5B. Ngay trong lịch diễn, chị cũng để các nghệ sỹ trẻ có suất diễn vào những giờ đẹp nhất dịp cuối tuần.

Tới giờ, khi nhìn lại sự nghiệp của mình, NSƯT Mỹ Uyên vui mừng vì đã được thể hiện mọi trạng thái tâm lý và cá tính nhân vật phức tạp. Chị từng đóng vai người điên, vai ác, vai hiền, vai lẳng. Chị cho rằng mình may mắn khi được trải nghiệm thực tế nhiều nên đủ kiến thức và vốn sống để thể hiện nhân vật.

Với Mỹ Uyên, chị luôn sống hết mình với nhân vật trên sân khấu. Những khóc cười bên ánh đèn và phông màn luôn đem lại cho chị thật nhiều xúc cảm và trải nghiệm.

Theo chị, chính tình cảm của khán giả dành cho sân khấu 5B nói chung và cho chị nói riêng đã khiến chị dốc mọi tâm huyết cho nghề. Chị đã thấy có cậu con trai cõng bố từ tầng ba nhà hát xuống xe sau khi xem kịch. Chị cũng gặp đôi vợ chồng cao niên bắt taxi đi từ Biên Hòa lên Sài Gòn để xem kịch buổi tối.

Cứ sau mỗi lần đó, chị tự nhắc mình làm tốt hơn nữa vai trò nghệ sỹ. Và chị vẫn thường kể những kỷ niệm ấy cho bạn đồng nghiệp, các diễn viên đàn em, như một cách để mỗi người biết “kiềm giữ mình” trước những cám dỗ và đua chen của cuộc sống hôm nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác