Ông đồ xứ Nghệ thời nay

(VOV5) - Nhìn chiếc ảnh ông mặc áo màu vàng, bất chợt chúng tôi thấy mình chưa chắc đã là người hạnh phúc hơn ông. 

Như tên một cuốn sách Nguyễn Văn Thảo đã dịch, từ nay “Tháng Tám không vua”, từ nay văn đàn Việt Nam vắng bóng một dịch giả luôn “tin vào trí tuệ, tin vào năng lực tiếng Nga và óc sáng tạo của mình”...

Ông đồ xứ Nghệ thời nay - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Ông đồ xứ Nghệ thời nay - ảnh 2

Biết người đàn ông trong tấm ảnh này phần lớn chúng ta có cảm giác rằng:... dù sao mình cũng là người hạnh phúc. 

Cách đây vài tuần, nếu đến thăm ông, rất khó hỏi chuyện ông. Không phải vì ông không trả lời, mà vì tiếng ếch nhái, chẫu chuộc, ễnh ương trong vườn nhà kêu váng tai, át cả tiếng người. Ngay giữa lòng thủ đô mà nghe thấy tiếng ếch nhái, ta có thể cảm thấy lý thú. Nhưng đến nhà ông mà nghe thì phải bịt tai lại. Tiếng kêu quá vô lý, kỳ quặc. Ngồi trong nhà ông cứ như có cơn mưa sắp đến. Khách đến chơi, nghe tiếng chân người là ếch nhái sung sướng ca vang. 

Ông nằm đó, một mình trong gian nhà ẩm thấp, với những chồng bản thảo dở dang và những cuốn sách tiếng Nga đã mốc meo. Mấy năm trước, vào nhà ông, tôi nhớ phải lách qua kẽ tường hàng xóm, phải chui qua cây khế và mấy bụi cây mới tìm được lối vào cửa. Ông chỉ có nhà, có vườn. Vườn cỏ mọc bắt đầu ngay từ bậc cửa. nhưng không có sân, không có ngõ. Ông không đủ tiền mua đất làm cổng chăng ? Không, ông chẳng có gì ở đây, ngoài đống sách và mấy vò rượu. Ông ở đây là để trông nhà cho bạn. Ban ngày đi dịch sách, biên tập sách. Tối đến, sau một ngày làm việc say mê như lên đồng, ông trở về lảo đảo, trong hơi men, tìm lối chui vào nhà, ngã vào giường. Sáng hôm sau, ếch và chão chuộc gọi ông dậy đi làm tiếp.

Nhận được tin nhắn của nhà thơ Nguyễn Duy, tôi bang hoàng vì tin ông Nguyễn Văn Thảo đã qua đời. Đến Bệnh viện Quân y 103 vĩnh biệt ông, đọc Cáo phó, mới biết ông mới mất cách đó một ngày, ngày 16 tháng 7 năm 2018. Đám tang ông không hoành tráng, không tấp nập người viếng, mà khiêm nhường, lặng lẽ, với những tốp người làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, đặc biệt là những tốp bạn bè gắn với địa chỉ Lipetsk – Liên xô cũ. Chủ tang không phải là gia đình hay cơ quan nào cụ thể mà là một ông Viện trưởng rất quen thuộc trên Truyền hình, bạn học của ông, người mới mua căn hộ mới và đón ông về chăm sóc 3 tuần cuối cùng.
Khi biết mình lâm bệnh nan y, ông kiên quyết không chạy chữa, từ chối mọi sự can thiệp của bác sỹ, Ông không báo tin cho ai biết để khỏi bị làm phiền. Ông im lặng nằm chờ Tổ tiên gọi, như người lính ôm súng, ngủ gật, chờ lệnh lên đường. 

Nguyễn Văn Thảo vốn là học trò giỏi của làng Quỳnh Đôi nổi tiếng thi thư đất Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp bằng Đỏ ngành Ngữ Văn ở Liên Xô về nước, ông được phân công về giảng dạy tiếng Nga. Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, ông lên đường ra trận. Sau hai năm nghĩa vụ, ông trở về trường, xin trở lại nước Nga làm phiên dịch và quản lý lao động xuất khẩu. Liên xô tan rã, thành trì của chủ nghiã xa hội sụp đổ, tiếng Nga mất giá, ông trở về nước. Những xung khắc vợ chồng bùng nổ làm cháy lên lòng tự ái của ông đồ xứ Nghệ thế kỷ 20 này. Ông dâng hết tiền của dành dụm bao năm ở Nga cho vợ, bước ra khỏi nhà chỉ với bộ quần áo cũ và mấy chiếc bút bi. Những thủ tục nối lại biên chế cán bộ giảng dạy ở đại học Ngoại ngữ quá phức tạp, thách thức lòng tự trọng và sự ngay thẳng của ông. Ông dứt khoát, cũng như với vợ, quay lưng lại cổng trường, ra đi, tuyên chiến với cuộc đời mới. Ông tin vào trí tuệ của mình, tin vào năng lực tiếng Nga và óc sáng tạo của mình. Ông lần lượt làm cây bút chủ công của mảng sách dịch cho các nhà xuất bản Lao động, Công an, Văn hóa Đông Tây, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông dịch không cần danh tiếng, ông chỉ cần tiền uống rượu và chút tiền gửi vợ nuôi con. Hai con trai ông nay đều là những sinh viên thông minh, du học rồi làm việc tại Nhật và Úc. Phần lớn sách dịch của ông đều mang bút danh từ tên con trai. 

Nguyễn Văn Thảo khi nói chuyện thường rất tự hào về con trai và đôi khi cũng để lộ sự hãnh diện về người vợ tài năng… xa xôi một thời của mình. Ông đã dịch khoảng bảy chục đầu sách. Nhiều cuốn ông dịch, in rồi, cũng không đến lấy sách tiêu chuẩn tác giả để làm kỷ niệm. Nhiều cuốn ông không biết đã xuất bản từ mấy năm trước. Ai đó nói ông mới “thế à”. Vì sao vậy. Vì một phần ông dịch nhanh như thợ dịch, nhiều cuốn hợp đồng chấp nhận một khoản tiền công - nhuận bút rất rẻ mạt. Quan trọng nhất với ông không phải là tên tuổi lưu danh hậu thế, mà là Tiền. Tiền để uống rượu, tiền để đãi bia rượu bạn bè. Vì vậy khi thiếu tiền, ông dịch rất nhanh. Uống rượu càng say, dịch càng nhanh, càng Tín càng Đạt, càng Nhã. Tiền vào túi ông nhanh, mà ra đi cũng nhanh. Câu: “chẳng còn hào nào” thành câu cửa miệng.

Tiễn ông về phía Đài Hoàn vũ, chúng tôi tụ họp ngồi uống rượu tưởng nhớ ông. Nhìn chiếc ảnh ông mặc áo màu vàng, bất chợt chúng tôi thấy mình chưa chắc đã là người hạnh phúc hơn ông. Chiếc áo màu vàng đó là bộ đồng phục của Hội bạn bè sinh viên Đại học Lipetsk của ông. Màu hoa cúc vàng hay màu hoàng bào?  Hạnh phúc là gì? Là cảm giác của ta về hạnh phúc. Có mấy người đàn ông sống cuộc sống tự do. Ông là người "Thoát Vợ" tuyệt đối, để sống cuộc đời đúng theo ý mình. Ông giành giật lấy hạnh phúc. Hạnh phúc của một ông thầy trí tuệ, một người lính tay không vũ khí chống chọi với nền văn hóa sách thị trường. Đâu đó như trong thơ Dương Hương Ly, anh Bùi Minh Quốc đã nhìn thấy hạnh phúc khi thấy vợ mình – nhà thơ Dương Thị Xuân Quý lia bút viết trong mưa chan, viết trong tiếng bom gầm. Vậy thì đã có mấy người hạnh phúc như Nguyễn Văn Thảo khi viết sách, khi dịch tiếng Nga: dịch trong hơi men, đầu ngón tay lia bàn phím như rào rào ? Đã mấy người nằm trong ngôi nhà không ngõ, lâng lâng, bồng bềnh đi vào giấc mộng trong tiếng ễch ương kêu ?

Hạnh phúc? Ở đời, ai biết hơn ai!

Tin liên quan

Phản hồi

Bùi Viết Thùy

không biết đây có phải đúng là Nguyễn Văn Thao mà tôi đã đọc sách của ông hay không. thấy tác giả viết về cuộc... Xem thêm

Thinh pham

Tuyệt.

Các tin/bài khác