Phan Cẩm Thượng và Nghệ thuật ngày thường

(VOV5) - Đến phần Tản văn nhàn đàm ở cuối sách thì thấy một Phan Cẩm Thượng thú vị, giòn giã và cuốn hút. 

Nghe âm thanh tại đây:

Trong một bài tản văn ở cuối cuốn Nghệ thuật ngày thường - tập 2 mới ra, Phan Cẩm Thượng đã tự nhận mình: "Tôi cũng là kẻ tham sân si tầm thường, ngạo mạn, nghiệp chướng cũng nặng như Thái Sơn vậy, cũng may còn thích vẽ. Tiếc cái thân sinh thành của mẹ cha mà nhăng nhít cho mãn kiếp".

Nếu đọc những câu có vẻ khinh bạc ấy thì dễ nghĩ ông này khó chịu lắm, cái kiểu khó chịu của hơi bị đông những ông nghệ gàn dở chỉ biết ỉ vào cái cảm xúc bản năng (mỗi ngày một nguội đi) và sự khéo tay (tinh vi lên hoặc bừa hơn). Tuy nhiên vì đã biết anh Thượng từ trước, thì với tôi những dòng này cung cấp cho tôi một khả năng hiểu anh ấy hơn.

Phan Cẩm Thượng và Nghệ thuật ngày thường - ảnh 1Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng - Ảnh: Báo An ninh thế giới cuối tháng 

Cuốn Nghệ thuật ngày thường tập 2 cơ bản tiếp tục mạch cuốn tập 1, vẫn là chắp ghép của nhiều phần nhiều đề tài, từ bình luận mỹ thuật đến văn hóa cổ rồi những chuyện tản mạn làng quê. Phải nói là đọc hơi bị mệt vì dày, nhưng rồi lật đến phần Tản văn nhàn đàm ở cuối sách thì thấy một Phan Cẩm Thượng thú vị, giòn giã và cuốn hút.

Không phải kiểu lẩn mẩn sự đời hay giễu nhại, mà như một người đang nằm trên cái võng ở tả vu chùa Bút Tháp mà thủng thẳng vừa kể vừa hỏi han mấy ông sư bà vãi, cái tôi của tác giả nhập vào đám đông nhân vật ấy.

Thảng thốt, đau đớn, ngạc nhiên và vô sở cầu... tất cả làm cho người đọc có thể lặng đi vì những sự biến đổi của những không gian làng, tín ngưỡng và xã hội được nhuốm một màu bảng lảng như được hoa văn hóa, "hóa long" như những cây trúc được tạc giống con rồng, những con gà tạc giống con phượng, những cô thôn nữ có thể xiêm áo thành phi tần phủ chúa...

Phan Cẩm Thượng và Nghệ thuật ngày thường - ảnh 2

Phan Cẩm Thượng viết không bận tâm đến cấu trúc bài, các bài cứ đang kể một sự kiện triển lãm hay chuyến đi có vẻ trại sáng tác, đùng cái chuyển tông sang chuyện mây trắng chó xanh, cứ như chuyện ma kể... Nhưng hình như nghệ thuật là thế, cứ thủng thẳng thôi. Phan Cẩm Thượng giống như nhà làm dân tộc chí dùng chìa khóa nghệ thuật để lý giải, tuy không phải lúc nào lý giải của anh cũng thuyết phục, nhưng tính phóng túng và logic nội tại rất đáng tham khảo.

Phan Cẩm Thượng và Nghệ thuật ngày thường - ảnh 3 Cổng chùa Hạ - Bích Động, Ninh Bình lấp ló sau những lùm cây cả trăm năm tuổi. Ảnh: Tuấn Đào/VnExpress.net

Tôi trích ra đây mấy đoạn mình phải dừng lại lúc đọc: “...Ngôi chùa là chốn công cộng của làng xã, nhà tu hành không được phép quá giầu có, nhưng lại phải rất hỷ xả. Cả sư cụ lẫn sư ông hiểu rõ điều đó, họ sinh hoạt giản dị, nhưng lễ lạt ở làng, đóng góp cho người nghèo, khuyến học, quà cáp cho nhà trẻ không bao giờ thiếu. Ngày rằm, mùng một các cụ già ra chùa lễ, đóng góp hai nghìn mỗi người và bát gạo, nhà chùa thổi xôi mua chuối, khi về mỗi cụ đều có phần lộc là phẩm oản quả chuối. Đây là một cái cân tâm lý của người Việt Nam trong làng xã, nếu nó mất thăng bằng thì cả người dân lẫn vị sư đều gay go. Sự tiến bộ rất chậm, nhưng đạo đức xã hội được gìn giữ.”

“...Xét cho cùng phở cũng là một thứ lăng nhăng, chữ phở có lẽ cũng để chỉ những thứ lăng nhăng chả ra sao cả. Nhưng đôi khi người ta cần đến vài thứ lăng nhăng cho thư giãn.”

“...Hóa ra hội họa rất khó, nên như nhà phê bình nói bàn về hội họa trước tiên cần xin lỗi. Mỗi bức họa là một gương mặt người, một thân phận trong cái bể dâu chìm nổi này.”

“...Làng quê là như thế, huyền thoại và hiện thực lẫn lộn đến mức người ta không biết đang sống trong thời khắc nào. Khi người ta tháo dỡ đình chùa, những huyền thoại cũng tan đi như bong bóng nước, để lại một bãi hoang trơ trụi chật ních những người là người.”

“Người ta rồi dần dần cũng cảm thấy lờ mờ, chính nghệ thuật đã giải tỏa được những ẩn ức xã hội và điều chỉnh lại (về tâm lý) những sai lạc của loài người trong quá trình phát triển, lấy khoa học và lợi nhuận làm cái đích. Lợi nhuận cũng không chữa được bệnh tật và môi trường, còn khoa học được ứng dụng thì một nửa là phản nhân văn (ví dụ các loại vũ khí hóa học, sinh học, ma túy, những sáng tạo mang tính hủy diệt). Song nghệ thuật lại bộc lộ trước tiên sự tốn kém, ngông cuồng và kỳ lạ của các nghệ sỹ, mà tác dụng cụ thể gần như chưa thấy được. Và ở bất cứ đâu, nghệ thuật Đương đại cũng làm cái việc gây sốc xã hội và phản biện khó chịu cho các chính trị gia.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác