Phim truyện tại Liên hoan phim Việt Nam 23: Chờ đợi Bông sen vàng

(VOV5) - “Cuộc chơi” điện ảnh này vẫn luôn có tinh thần đề cao những sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi sự đánh giá cũng như thưởng thức điện ảnh “không thể đơn sơ”, hình thức.

Nghe âm thanh bài tại đây:

Liên hoan phim Việt Nam là dịp để tôn vinh những người làm điện ảnh, những tác phẩm có đóng góp cho nền nghệ thuật thứ bảy những tiếng nói mới, cách làm mới, góp phần khẳng định vị thế của điện ảnh Việt Nam trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các nhà làm phim đã có những nỗ lực “trở lại đường đua” nhưng vẫn là những bước đi chầm chậm.  Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra từ ngày 21 đến 25/11 tại Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng với chủ đề “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”.

Nhận định về chất lượng phim tham gia liên hoan, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: "Năm nay chúng tôi nhận được số lượng phim tham dự nhiều nhất và những phim được hội đồng tuyển chọn đưa vào chương trình phim dự thi và chương trình phim toàn cảnh cũng có số lượng đông nhất. Chất lượng của các phim năm nay rất tốt, đồng đều. Các thế hệ đạo diễn, từ những người lớn tuổi đến các đạo diễn đương đại đều có phim tham gia Liên hoan phim lần này."

Phim truyện tại Liên hoan phim Việt Nam 23: Chờ đợi Bông sen vàng - ảnh 1
Phim truyện điện ảnh tham dự LHP Việt Nam 23 - Ảnh: BTC
 

Đáng lưu ý, với hạng mục phim Điện ảnh, có 16 bộ phim được tuyển chọn như: 578, Cô gái từ quá khứ, Con Nhót mót chồng, Đào, phở và piano, Đất rừng phương Nam, Em và Trịnh, Fanti, Hoa nhài, Hồng Hà nữ sĩ, Kẻ ẩn danh, Mẹ ơi, Bướm đây, Mười: Lời nguyền trở lại, Người vợ cuối cùng, Nhà bà Nữ, Tro tàn rực rỡ. Trong đó, những phim như: Em và Trịnh, Tro tàn rực rỡ, Nhà bà Nữ, Con Nhót mót chồng... đã được gọi tên ở một số giải thưởng trong những năm qua. Nhìn danh mục phim điện ảnh, có thể thấy Liên hoan phim Việt Nam lần này vẫn là cuộc so tài giữa phim tư nhân và phim Nhà nước.

Những bộ phim tư nhân như “Đất rừng Phương Nam”, “Người vợ cuối cùng”, “Em và Trịnh” đều là những tác phẩm điện ảnh được đầu tư kinh phí lớn. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, việc các nhà làm phim tư nhân dám đầu tư cho điện ảnh cũng là điều đáng kể. Trường hợp phim “Người vợ cuối cùng” đã có sự dày công trong thiết kế phục trang, tìm bối cảnh thuần Việt và có cơ hội tiềm năng ở các giải cá nhân về kỹ thuật như quay phim, họa sĩ. Nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp cho biết: doanh thu phim 80 tỷ đồng sẽ đủ hòa vốn: "Ngay những ngày đầu làm phim thì mình sẽ không bao giờ nghĩ phim của mình sẽ lỗ. Nếu mình đã nghĩ như vậy thì chắc chắn sẽ không dám làm. Thực sự trước mắt thì mình chỉ cầu mong bộ phim được hòa vốn để mình có điều kiện, có niềm tin để kể những câu chuyện thử thách như vậy. Tất cả mọi người trong kip đã nỗ lực 200% sức lực của mình để ra được bộ phim này."  Các dự án phim thương mại đều có doanh thu tốt hoặc khá ở rạp chiếu.

Tuy vậy, theo nhiều nhà quan sát, phim “Tro tàn rực rỡ” – thuộc dòng phim nghệ thuật của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên là ứng viên sáng giá đoạt Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam sắp tới. Tác phẩm điện ảnh này cũng có duyên với nhiều giải thưởng khi từng đoạt giải Tokyo Grand Prix tại Liên hoan phim Tokyo, giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục, giải Nữ diễn viên xuất sắc tại hạng mục phim châu Á - Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, giải Cánh diều vàng cho phim truyện điện ảnh và một số giải phụ. Giới chuyên môn đánh giá “Tro tàn rực rỡ” là một trong những tác phẩm điện ảnh Việt chất lượng nhất năm 2022.

Với nhà làm phim độc lập, từ ý muốn đến hiện thực là môt quá trình gian nan. Để cho ra đời “Tro tàn rực rỡ’, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã mất khá nhiều năm chuẩn bị cho một “cuộc chơi”: "Mình nghĩ một người làm phim sẽ phải làm rất nhiều. Có lẽ việc làm phim với những người cũng là tác giả hơi nặng nề quá hay chăng? Và nó hơi quá quan trọng? Chất “chơi” sẽ bị giảm thiểu đi? Nếu người ta có thể làm phim như là chơi thì sẽ tốt hơn nhưng để có thể chơi được cuộc chơi đó thì anh cần có những người đồng cảm, không có quá nhiều bận tâm về cơm áo gạo tiền, hoặc có một cộng đồng. Nhưng có lẽ mình chưa đạt được độ “chơi” đó. Mình có thể làm những thứ mình thích, một cách không đặt quá nhiều kì vọng thì có khi lại có những cái hay. Mình lại nghĩ sáng tạo không phải cái gì đó bất thần như một ơn phước từ trên trời rơi xuống mà nó là sự rèn luyện."

Liên hoan phim Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Điện ảnh tổ chức hai năm một lần. Trong lần gần đây nhất (năm 2021), giải Bông sen vàng thuộc về phim “Mắt biếc” giải Bông sen bạc thuộc về phim “Bố già”. “Cuộc chơi” điện ảnh này vẫn luôn có tinh thần đề cao những sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi sự đánh giá cũng như thưởng thức điện ảnh “không thể đơn sơ”, hình thức.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác