(VOV5) - Mối quan hệ giữa du lịch và điện ảnh không chỉ thể hiện ở những khâu cụ thể như chọn bối cảnh đẹp để đưa vào phim mà sâu sắc hơn là kể câu chuyện về con người, văn hóa, lịch sử.
Đầu tư nhiều cho bối cảnh để làm nổi bật cảnh sắc Việt Nam trên màn ảnh rộng đang là xu hướng được nhiều đạo diễn trong nước theo đuổi.
Nghe âm thanh bài tại đây:
Ngay sau khi bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ) ra rạp chiếu thương mại, Phú Yên đã trở thành một điểm đến mới mẻ về du lịch. Trước đó, tỉnh lị miền Trung này thường gắn với biệt danh “xứ nẫu” nắng lắm, mưa nhiều, gió lớn “đi ngang đi dọc”, còn giờ đây các gia đình, các bạn trẻ hào hứng check in biển xanh, cát trắng, nắng vàng, với ghềnh đá đĩa, mũi Đại Lãnh, bãi Xép – nơi có phim trường “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Không phải là bộ phim đầu tiên có những cảnh quay đẹp nhưng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giống như một từ khóa của du lịch gắn với điện ảnh. Từ đây, người làm du lịch thấy được tác dụng to lớn của nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh, và người làm phim cũng cảm thấy tự hào, ý thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ có tính tự thân mà nghề nghiệp đem lại.
Làng K'Long K'Lanh, Lâm Đồng trong phim Lật mặt 7: Một điều ước của đạo diễn Lý Hải |
Đạo diễn Lý Hải cho biết, từ bộ phim "Lật mặt 6" và gần đây là "Lật mặt 7: Một điều ước", anh và đoàn phim đã có dụng ý hỗ trợ bà con làm du lịch khi xây dựng phim trường ở làng K'long K'lanh, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng: “Làng K'long K'lanh 90% là đồng bào dân tộc K’Ho, đa phần còn rất là nghèo, nhưng bối cảnh ở đó rất đẹp, đẹp vô cùng. Lý Hải mong muốn rằng sau khi Lật mặt phần 7 ra, mọi người sẽ biết đến K'long K'lanh nhiều hơn, chung tay góp sức để có thể giúp cho những đồng bào ở K'long K'lanh sẽ phát triển có thể về du lịch, có thể là một ngành nghề nào đó.”
Với địa hình đa dạng, nước ta có rất nhiều cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Cảnh đẹp ấy khi đi vào phim ảnh với những góc quay nghệ thuật, đặc tả, lại càng hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn. Song không chỉ có cảnh quan thiên nhiên. Câu chuyện lồng ghép quảng bá du lịch trong điện ảnh còn nhiều hơn thế, sâu sắc hơn thế. Đó là câu chuyện về lịch sử, văn hóa dân tộc trải qua những khoảng thời gian khác nhau, các thử thách khác nhau; yếu tố bản địa, vùng miền thể hiện trong mọi mặt đời sống, từ cách ăn cách mặc, cách đi đứng nói năng, đến câu chuyện kể, câu hát dân gian… Và những “tảng băng chìm” này vô cùng giàu có, phong phú, là điều mà mọi du khách phương xa mong muốn được tìm hiểu, khám phá.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bày tỏ: “Khi tôi trở thành đạo diễn, một trong những điều thôi thúc tôi chính muốn được kể những câu chuyện về người Việt, về văn hóa Việt và lịch sử Việt. Chính vì vậy tôi rất đề cao việc đặt những đặc trưng văn hóa vùng miền vào trong những tác phẩm điện ảnh của mình. Và tôi cũng rất thích dùng các địa danh giống như một nhân vật trong phim, chẳng hạn như phim "Em là bà nội của anh" thì Sài Gòn giống như là một nhân vật rất là cởi mở, bao dung đón nhận những người tứ xứ đến đó, hay là trong phim "Trạng Tí" thì miền Bắc hiện lên giống như là một nhân vật có sự huyền bí, tâm linh dân gian ở trong đó.”
Cảnh quan thiên nhiên Việt Nam trong phim Trạng Tí của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh |
Mối quan hệ giữa du lịch và điện ảnh không chỉ thể hiện ở những khâu cụ thể như chọn bối cảnh đẹp để đưa vào phim mà sâu sắc hơn là kể câu chuyện về con người, văn hóa, lịch sử.
Còn trên phương diện hợp tác giữa các đại diện của ngành du lịch – văn hóa và ngành điện ảnh thì thời gian qua cũng chứng kiến những sự kiện có tính tương tác, như việc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức quảng bá về du lịch thông qua điện ảnh ở tận quê hương của kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood, hay tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Đà Nẵng đều có các Liên hoan Phim quốc tế.
Ngay như Hội điện ảnh Việt Nam đã hai lần tổ chức Cánh diều vàng ở Nha Trang. Cơ hội để phát triển du lịch thông qua điện ảnh là rất lớn, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù về tài chính, về thuế, về cơ sở hạ tầng, các chính sách địa phương để thu hút đoàn làm phim. Sự đầu tư của du lịch cho ngành điện ảnh, cho từng dự án phim cũng là điều cần được tính đến cụ thể, chứ không chỉ nói chung chung.
Quảng bá du lịch qua điện ảnh là điều không còn mới trên thế giới. Ở nước ta câu chuyện này mới chỉ bắt đầu nhưng cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình ở nhiều địa phương, nhất là các địa phương phát triển mạnh về du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng…
Tham dự chương trình Điện ảnh với Phú Yên tổ chức vào năm ngoái, bà Ma Thị Thao, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: địa phương luôn chào đón và tạo điều kiện hỗ trợ những người làm điện ảnh: “Thời gian vừa qua Tuyên Quang có tổ chức chương trình Điện ảnh kết nối di sản và du lịch xứ Tuyên. Cho đến nay chương trình đã và đang đem đến những hiệu ứng rất tích cực. Tỉnh sẽ luôn luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim, từ bối cảnh, nhân sự, các thủ tục hành chính và các điều kiện khác trong điều kiện cho phép của tỉnh. Và người dân Tuyên Quang cũng vô cùng tự hào về quê hương của mình, cũng yêu mến điện ảnh. Vì một Tuyên Quang phát triển xanh, hài hòa, hạnh phúc, chúng tôi sẽ luôn luôn chào đón các nhà đầu tư, bạn bè và các nhà làm phim trong nước và quốc tế đến với Tuyên Quang.”
Từ thiện ý, chính sách đến thực tế là một câu chuyện cần được giải quyết thấu đáo song cũng không thể vội vàng. Phát triển kinh tế luôn phải đi cùng với văn hóa. Du lịch và điện ảnh đều cần bền vững để phát triển. Đây là điều chúng ta đã thấm thía qua gần 40 năm đổi mới.