Không hiểu sao thứ gì “nếp” cũng hiếm hơn, đặc biệt hơn, ngon lành hơn thứ “tẻ”, như gạo nếp – gạo tẻ, ngô nếp – ngô tẻ, rau cải cúc nếp – cúc tẻ, sung nếp – sung tẻ…, mà rau khúc thì ngược lại. Làm bánh khúc thì phải là khúc tẻ mới thơm, mới ngon.
Nhưng vườn nhà tôi chỉ mọc đầy khúc nếp. Mơn mởn xanh. Sớm mùa xuân sương còn mờ đục, hơi nước đọng mờ những búp lá non tơ, sự tươi tắn rỡ ràng ấy khiến ta thấy mình nở bừng một niềm phấn chấn.
Bánh khúc lười nhác của thời hiện đại mà tôi làm chiều nay ở một nơi rau khúc chỉ là thứ rau dành cho… lợn ăn: Bột nếp xay sẵn đóng gói bán ở siêu thị; rau khúc nếp xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Và trong khi ăn thứ bánh tàm tạm có hơi hướng bánh khúc ấy, tôi tự cho phép mình nhớ nhung đồng bãi sông Hồng.
Bây giờ thì bói không ra một cây khúc tẻ nơi bãi sông Hồng trước cửa nhà tôi. Thảng lắm thì gặp đôi cây khúc nếp. Sông Hồng nhiều năm rồi không còn lũ về bồi đắp phù sa cho bờ bãi. Mùa tháng sáu tháng bảy mà nước sông cứ trong veo vẻo màu vàng nhờ nhợ, vắng những hạt phù sa vẩn đặc quánh đến đỏ sậm cả dòng nước. Rác thì nhiều vô biên dạt vào hai bờ. Lau sậy được đà lấn ra tận mép nước. Không còn nơi cho cải trời, rau muối, rau khúc và cơ man cây cỏ đua nhau đâm mầm, nở những bông hoa vàng hoa đỏ hoa trắng nên thơ mỗi mùa mưa phùn rây bụi.
Những năm xa Hà Nội, mẹ tôi hay nhớ về bánh khúc. Mẹ kể nhiều đến nỗi tôi tưởng như những hình ảnh đó thuộc về ký ức của mình: những đêm mùa đông gió bấc vi vút lùa qua phố vắng, một người bánh rong cất tiếng rao khuya “khúc ơ…”… Ủ chiếc bánh nóng hôi hổi giữa đôi tay lạnh cóng, hít hà mùi thơm ngon lành tỏa nhẹ trong gió buốt…
Khi lần đầu mua một chiếc bánh khúc ở Hà Nội, tôi ngỡ ngàng tự hỏi có phải mẹ nhớ nhầm về món bánh khúc hay không? Bởi rất nhiều xôi phủ quanh chiếc bánh nhỏ xíu. Và tôi tự mặc định rằng nên gọi đó là xôi khúc nhỉ! Rồi tôi lại thắc mắc: Rau khúc chỉ mọc mùa xuân, sao Hà Nội bán bánh khúc quanh năm? Người ta giải thích rằng rau khúc được phơi khô để dành. Tôi tin thế, và chăm chỉ mua bánh khúc – xôi khúc. Người Hà Nội chọn được những hạt nếp no tròn, đồ ra những hạt xôi bóng như hạt ngọc, rất ngon mắt, và ngon miệng. Đó là một món quà sáng, quà chiều quá ư tiện, rẻ, và ngon lành. Những hạt xôi ngon một cách thực lòng. Nhưng tôi không thể tìm thấy mùi hương đặc biệt trong món bánh khúc của mẹ ở đó. Và tôi nghĩ những thúng bánh khúc trong đêm mùa đông của mẹ đã được nhân độ luyến nhớ lên nhiều lần trong ký ức của người xa xứ.
Nhưng hóa ra tôi đã nhầm.
Hóa ra có món bánh khúc thật sự là bánh.
Tôi sẽ không biết điều đó nếu không có một cái tết rét đến tê tái. Chúng tôi lên đò ngang sông, ra bãi giữa sông Hồng để thưởng thức cái rét. Và lạc vào một vạt rau khúc nhiều đến mênh mông. Nơi con lạch trũng xuống giữa bãi sông, nước lũ rút đi, qua mùa đông, mọc lên một triền cỏ thấp xanh rì. Nổi trên nền xanh của cỏ là những cây rau khúc tẻ mảnh dẻ phủ đầy thân lá lớp lông tơ xám bạc đang nở những bông hoa vàng nhỏ nhắn. Một niềm vui trẻ thơ tràn đến, như khi ta nhặt được đồng xu ai đánh rơi, và nghĩ ngay tới một thanh kẹo kéo ngọt ngào đang chờ đợi.
Hái rau khúc tẻ thật là công việc cần đến sự kiên nhẫn. Vì những cây khúc tẻ thân gầy guộc đâm ra những cái lá nhỏ xíu. Chẳng bù cho bọn khúc nếp, cây nào ra cây ấy, to đùng, mỡ màng, non mềm.
Làm bánh khúc cũng là công việc cần đến sự kiên nhẫn. Nhặt bỏ phần gốc già. Rồi luộc. Rồi vắt kiệt nước, cho rau vào cối giã. Cũng lạ. Thứ rau ấy càng giã càng dẻo, quánh lại thành một khối. Tỉ mẩn nhặt những mẩu xương cây già bỏ đi. Càng lạ. Khi luộc thì rau khúc tỏa ra mùi ngai ngái như mùi… rau nấu cho lợn! Nhưng khi trộn nắm rau đã giã dẻo vào bột nếp, nhào nhuyễn, thì khối bột xanh sậm bắt đầu tỏa hương thơm dìu dịu. Đậu xanh và thịt lợn làm nhân, với nhiều nhiều hạt tiêu để mùi nhân dậy lên. Bắt những chiếc bánh nho nhỏ, lăn qua gạo nếp đã ngâm mềm để gạo bao một lớp ngoài vỏ bánh. Rắc thêm một lớp gạo nếp mỏng giữa những lớp bánh để bánh không dính vào nhau. Bắc chõ lên bếp.
Và chờ.
Chờ đến khi những hạt mùi hương bánh khúc bay theo làn hơi nước qua kẽ vung.
Lần đầu tiên tôi được hít hà mùi thơm của bánh khúc. Nhẹ nhàng lẩn vào mùi gạo nếp và mùi thịt, mùi hạt tiêu là một mùi hương khó gọi thành tên, dịu dàng, thanh, hơi ngòn ngọt như mùi cỏ khô nơi đồng bãi.
Và món ăn đó được gọi là bánh khúc, bởi nó đúng là chiếc bánh. Bánh khúc. Chứ không phải xôi khúc. Bánh là phần chính chứ không phải xôi là phần chính. Thớ bánh dẻo, dai, bởi muôn vàn sợi rau từ lá, từ vỏ thân, từ những bông hoa kết dính với bột nếp. Buổi ấy, khi nhón chiếc bánh khúc được làm từ những cây rau khúc hái trên bãi giữa sông Hồng, tôi không còn nghi ngờ ký ức của mẹ, và cũng thôi băn khoăn về những chiếc bánh khúc – xôi khúc vẫn bán quanh năm ngoài phố.
Sau này, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn lên thuyền qua sông, mong tìm được vạt rau khúc tẻ như năm xưa. Nhưng rau khúc trên bãi sông đã thành ký ức. Lạc đâu đó còn vài bụi khúc tẻ nhỏ nhoi màu xám bạc, chỉ đủ để gợi nhớ về mùi hương ngọt ngào của dĩ vãng mới đây thôi mà như đã xa xăm quá. Một lần, lạc trong những chân ruộng cạn tận miền núi Mường Khương, Lào Cai, tôi bần thần ngắm những cây rau khúc mảnh dẻ thân thương của mình. Cái màu bạc không thể lẫn, cứ nổi bật lên khi xung quanh toàn là cỏ xanh. Nhưng ở đó người ta không hái rau khúc để làm bánh. Những cây rau khúc mọc lên, nở hoa, rồi lụi tàn, chờ đợi mùa xuân sau.
Tôi chưa từng thấy bánh khúc ở đâu, ngoài Hà Nội. Miền Nam có xôi cúc. Ngày xưa, khi nghe niềm nhớ nhung bánh khúc của mẹ, tôi từng nghĩ đó là món xôi cúc, bởi cũng chiếc bánh bằng bột nếp bao lấy nhân đậu xanh và thịt, ủ giữa những hạt xôi. Biết đâu từng có những người cũng như mẹ tôi, nhớ nhung chiếc bánh khúc nóng hổi ủ giữa ngày đông Hà Nội, mà làm nên món xôi cúc ấy. Xôi cúc, biết đâu là tiếng gọi trại của xôi khúc. Vì rau khúc, tôi biết có nơi gọi là rau cúc. Tôi đã nhiều lần mua cho mẹ món xôi cúc ấy, ăn như ăn một niềm nhớ, dù có đôi chút thất vọng về vị giác, bù lại, mẹ tôi được thêm một lần thức dậy trí nhớ của mình. Niềm luyến nhớ của những người xa xứ hình như cũng tạo nên một trường năng lượng tốt lành, không chỉ bồi đắp cho tâm hồn người đó mà cho cả những người xung quanh.
Tôi khoe chiếc bánh khúc “công nghiệp” của mình với người Hà Nội. Chị bật cười khi nghe đoạn tôi cho rau khúc vào máy xay sinh tố. Rau khúc mà không giã thì làm sao còn được những sợi xơ? Nhưng vẫn còn niềm an ủi rằng thì rau khúc nếp dù sao cũng vẫn là rau khúc chứ không phải lá cải bắp già! Rau khúc nếp mà xay nhuyễn thì cũng đỡ tệ hơn lá cải bắp già xay nhuyễn! Khi không có nhiều lựa chọn, thì đành phải chọn cái điều ít tệ hơn vậy.
Tôi nhớ bánh khúc. Cháu gái tôi cũng nhớ bánh khúc. Nó bảo: Lâu quá rồi...
Thành ra bây giờ vạt rau khúc xám bạc nở những bông hoa vàng nhỏ nhắn trên bãi sông rét mướt lại trở thành ký ức, thành niềm luyến nhớ êm dịu của tôi.