Hạnh phúc

(VOV5) - ...Nhưng mà cứ thấy bình yên và hạnh phúc lạ lùng cái cảnh họ vất vả, kiên trì và bình thản làm công việc của mình, như mọi sự vốn dĩ phải thế.

Nghe âm thanh tản văn tại đây qua giọng đọc PTV Kim Phượng:


Cái niềm vui của việc được chồng, hoặc người yêu, hoặc bạn trai, tập cho đi xe máy là như thế nào, mà tỏa bừng ở cô gái Mông buổi sáng hôm ấy?

Một sáng trời trong và gió nhẹ, nắng nhạt màu buổi chớm xuân, cỏ hoa miệt mài nở nơi rệ đường. Lưng chừng dốc, có hai con người không quen đi bộ dừng lại thở, và bất chợt nhìn xuống thung lũng, thấy cái cảnh buồn cười và cảm động ấy, không đừng được, phải dừng lại chiêm ngưỡng.

Cô gái, tròn trĩnh, căng thẳng, má hồng rực, gió luồn phồng những nếp gấp của chiếc váy lanh thêu hoa sặc sỡ, ghì chặt ghi đông, nên ga máy cứ rú lên giần giật từng cơn. Chàng trai, nhỏ thó trong bộ quần áo chàm đen, mồ hôi túa thành giọt, ngả cả người ra sức kéo cho chiếc xe chạy chậm lại, hai chân nhiều lúc quét thành vệt trên mặt đất.

Xe máy chạy những vòng tròn vòng méo tùy theo độ ngả nghiêng của đôi trai gái. Sa Pa hôm ấy có một đôi tập xe cho nhau, cả thị trấn chẳng ai để ý, ngoài hai người khách xa. Có lẽ cái sân vận động trong thung lũng ấy từng có nhiều người tới tập đi xe máy như vậy.

Và người ta chợt nhớ tới một người đàn ông Mông từng đỏ gay mặt phản đối thiên kiến rằng là đàn ông Mông sao mà tệ, sao mà ghê gớm, sao mà gia trưởng, đến nỗi đàn bà Mông cả đời vất vả phục vụ. Thì cứ nhìn cái cảnh người vợ Mông nhẫn nại cả buổi cầm ô che cho ông chồng say vùi ngủ lăn lóc bên vệ đường - lưng chừng dốc - dưới lùm cỏ - cạnh cội cây… Ừ thì đàn ông Mông có thể ghê gớm, có thể gia trưởng, nhưng đàn ông Mông là cây cột cái trong nhà, gánh vác những phần nhọc nhằn  nhất; thì đàn ông Mông có thể uống rượu say vật ngoài chợ, nhưng thương vợ chiều con thì không ai bằng...

Hạnh phúc - ảnh 1Người Mông ở Tả Van - Sa Pa - Ảnh: Ngọc Bằng/ Báo Lào Cai

Và người ta chợt nhớ tới một người đàn bà Mông chồng con đùm đề, thổn thức nhớ thời mới lớn, mê tiếng sáo của người trai bản bên, hôm nào cũng ngóng cũng đợi một dáng người suốt chặng đường vượt núi đến trường. Rồi lớn lên, rồi xa quê, mà tiếng sáo và người thổi sáo đẹp đẽ của năm xưa vẫn được cất ở một góc lòng. Bỗng một ngày gặp lại, thì người thổi sáo đẹp đẽ của năm xưa đã cằn cỗi thành người già. Bần thần mất không biết bao nhiêu thời gian. Người trai đẹp ngày xưa không còn, nhưng nỗi nhớ thì vẫn cứ là nỗi nhớ, mỗi lần về núi, lại sống dậy cái tiếng sáo ấy, cái người ấy của ngày xưa huyền hoặc...

Có gì liên quan giữa người đàn ông Mông và người đàn bà Mông, khi bỗng dưng lại được nhớ tới trong buổi sáng Sa Pa ngày xuân ấy?

Có lẽ không có gì liên quan cả. Càng không liên quan với hai con người không biết mình đang bị ngắm nghía dưới thung lũng. Họ có thể không phải là vợ chồng, không phải là người yêu, không phải là bạn thân. Nhưng mà cứ thấy bình yên và hạnh phúc lạ lùng cái cảnh họ vất vả, kiên trì và bình thản làm công việc của mình, như mọi sự vốn dĩ phải thế.

Và hai người rảnh rỗi bỗng dưng đi ngó chuyện thiên hạ kia chợt nhận ra họ đã đứng quá lâu ở lưng con dốc ấy rồi. Mà cô gái Mông có lẽ còn lâu lắm mới có thể điều khiển nổi cái xe máy vớ vẩn ấy. Chàng trai Mông có lẽ còn lâu lắm mới được thảnh thơi xoa tay đứng ngắm thành quả lao động cực nhọc của mình. Họ bèn dừng việc quan sát, tiếp tục đi nốt con dốc dang dở, cùng nhau.

Bởi ngày xuân đẹp và dịu dàng quá đỗi trong từng cử động đang trôi qua họ. Bởi niềm vui và hạnh phúc lớn lao mà mong manh quá đỗi trong từng cảm nhận đang tan trong họ.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác