Sách hay: “Vũ trụ” của Carl Sagan – "tài tình đến mức tưởng như không có thật"

Cuốn sách thường thức khoa học Vũ trụ của Carl Sagan nằm trong danh mục sách bán chạy nhất của tờ New York Times suốt bảy mươi tuần và cho đến nay đã đạt con số bán ra năm triệu bản trên thế giới, cuốn sách này đã lập nên một kỷ lục tuyệt vời mà phải đến Lược sử thời gian của Stephen Hawking mới bị vượt qua. Trên The Cleveland Dealer viết: “Cuốn Vũ trụ giống như một  khóa giảng đại học về khoa học mà bạn luôn muốn nghe nhưng không biết vị giáo sư nào có thể dạy. Sagan viết tuyệt vời. Với phong cách văn chương trữ tình, với sự bao quát gần như mọi mặt của tri thức loài người, Vũ trụ tài tình đến mức tưởng như không có thật.”

 

Carl Sagan (1934 - 1996) là một nhà thiên văn học và nhà vật lý thiên văn xuất sắc. Ông là người đi tiên phong trong lĩnh vực sinh học ngoài Trái Đất, xúc tiến công cuộc tìm kiếm trí tuệ trong vũ trụ (dự án SETI) và đóng vai trò chủ chốt trong các dự án thám hiểm hành tinh Mariner, Viking và Voyager.

 

Carl Sagan cũng là một nhà phổ biến khoa học xuất sắc. Ngoài hơn 600 bài báo khoa học, ông còn là tác giả của gần hai chục đầu sách khoa học, trong đó có Sự sống thông minh trong vũ trụ, Kết nối vũ trụ, Những con rồng Địa đàng, cuốn này đoạt giải Pulitzer cho thể loại sách phi hư cấu), Bộ não Broca, Thế giới quỷ ám: khoa học là ngọn nến trong đêm, đoạt giải Hugo năm 1997. Tiểu thuyết Contact (Tiếp xúc), đoạt giải Homer năm 1997, giải Hugo năm 1998) của ông được xếp thứ 7 trong danh sách sách bán chạy nhất năm 1985 của Publishers Weekly và đã được dựng thành phim. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng trong và ngoài nước Mỹ, các huy chương của NASA. Tên ông đã được đặt cho tiểu hành tinh 2709. Hiện nay có hai giải thưởng khoa học và một huy chương mang tên ông.

 

Ý tưởng truyền bá kiến thức thiên văn và lịch sử sự sống thông qua loạt phim truyền hình và kèm theo đó là cuốn sách cùng tên Vũ trụ đã đến với Carl Sagan sau thành công của dự án Viking đổ bộ lên Sao Hỏa, mà ông là người trong cuộc. Cuốn sách là một tác phẩm độc lập, khai thác thế mạnh của nó để bổ sung và song hành cùng bộ phim nổi tiếng đã thu hút được hơn 200 triệu người xem ở hơn 60 quốc gia. Với mục đích đặt ra như vậy nên Vũ trụ không phải là một cuốn sách bó hẹp trong chủ đề thiên văn, mà còn vươn sang các lĩnh vực sinh học, nhân học, lịch sử, triết học, tôn giáo, đề cập tới nhiều vấn đề như chọn lọc tự nhiên và nhân tạo, hoạt động và sự tiến hóa của bộ não, thế giới vi mô, phản ánh những suy nghĩ và trăn trở của tác giả về khoa học chân chính và ngụy khoa học, về số phận của các nền văn minh nói chung và số phận của loài người nói riêng.

 

Sách hay: “Vũ trụ” của Carl Sagan –  

Hành tinh Trái Đất đầy ắp sự sống và đẹp đến nao lòng, nơi ghi dấu bàn tay sáng tạo của con người hóa ra lại chỉ là một xó xỉnh tầm thường, khiêm nhường, không có gì đặc biệt nếu nhìn từ Vũ trụ xa xôi. Nhưng đó chính là bến bờ khởi đầu những cuộc phiêu du vào đại dương Vũ trụ bao la của một nhân loại còn trẻ, hiếu kỳ và can đảm, dù chỉ bằng tưởng tượng và những phương tiện gián tiếp như nghe nhìn hay bằng những con tàu vũ trụ. Ngay cả loài người cũng mới chỉ xuất hiện được vài triệu năm trên Trái Đất này, thật quá ngắn ngủi so với cái tuổi 4,6 tỉ năm của Trái Đất, chưa nói đến tuổi của Vũ trụ. Quá trình tiến hóa dài dằng dặc của sự sống trên Trái Đất thực ra cũng chỉ là một giọng điệu, một bè đơn độc trong bản nhạc nhiều bè của Vũ trụ. Kể lại tiến trình tiến hóa kỳ diệu ấy với ví dụ sinh động về những con cua mang hình samurai, Sagan vạch ra sự vô lý của quan niệm về một Nhà Thiết Kế toàn năng và thấu suốt kiểu như Thượng đế đã kiến tạo ra các dạng sinh vật. Phải chăng chính Thượng đế mới là đối tượng được tạo ra trong cơn mơ của loài người, chứ không phải ngược lại?

 

Đọc Vũ trụ, chúng ta biết được nhiều điều thú vị bất ngờ. Chẳng hạn, con người hình thành được là nhờ tro của các ngôi sao đã chết, hay cắt một cái bánh táo khoảng chín chục lần ta sẽ thu được một nguyên tử tách rời. Hoặc “tốc độ tư duy” của con người mà chúng ta vẫn tưởng phải nhanh như ánh sáng thực ra “chỉ ngang tốc độ của một cỗ xe lừa kéo”. Cứ thế chuyện nọ nối tiếp chuyện kia, tác giả dẫn người đọc đi qua 13 chương sách, để tìm hiểu và suy ngẫm về cái Vũ trụ có trật tự và có tri giác, thoát thai từ Hỗn độn. Sagan biết cách kích thích “trí tưởng tượng của độc giả ngoại đạo và duy trì sự hứng thú từ trang đầu đến trang cuối”. Ông đã kết hợp rất tài tình tư duy hiện thực khắt khe của một nhà khoa học với chất lãng mạn bay bổng của một người mơ mộng, cộng với sự hùng biện của một diễn giả.

 

Sagan tự nhận mình may mắn sinh ra vào thời đại mà lần đầu tiên con người đã tới thăm được những thế giới khác để cho những hoài bão về thiên văn của ông được thực hiện. Tri thức con người phát triển nhanh đến mức mà một triết gia như Auguste Comte sống cách đây chưa đầy hai thế kỷ cũng không hình dung nổi. Điều trớ trêu là Comte đã nêu một ví dụ không đạt về một thứ kiến thức luôn luôn thoát khỏi tầm với của con người: con người sẽ không thể nào biết được thành phần của các ngôi sao và hành tinh xa xôi, vì không thể nào đến được đó để lấy mẫu đem về. Ai ngờ chỉ ba năm sau khi Comte mất, người ta đã khám phá ra rằng có thể sử dụng ảnh phổ để xác định thành phần hóa học của các thiên thể xa xôi.

 

Vũ trụ đã được tặng giải Hugo năm 1981 của Hội Khoa học Giả tưởng thế giới. Bản thân Sagan, ngoài những giải thưởng và huy chương về nghiên cứu khoa học, cũng được tặng nhiều giải thưởng về công lao truyền bá khoa học cho đại chúng như: giải Nhà nhân văn năm 1981 của Hội Nhân văn Hoa Kỳ, giải Ca ngợi Lý trí (In Praise of Reason Award) năm 1987 và giải Isaac Asimov 1991 của Ủy ban tiếp cận khoa học đối với các hiện tượng dị thường, huy chương Oersted của Hội Giáo viên Vật lý Hoa Kỳ.

Mười hai tuổi quyết định trở thành nhà thiên văn học, hai mươi tuổi nhận bằng cử nhân khoa học nhân văn (BA), 21 tuổi nhận bằng cử nhân khoa học (BSc), 22 tuổi là thạc sĩ vật lý, 26 tuổi đã là tiến sĩ thiên văn học và vật lý thiên văn, Sagan vừa là nhà khoa học tài ba vừa là nhà phổ biến khoa học xuất sắc. Ông “là nhà thiên văn mà một con mắt nhìn lên các vì sao, con mắt kia nhìn vào lịch sử, còn con mắt thứ ba – con mắt của trí tuệ ông – nhìn vào tình trạng của loài người.”

 

Trên tờ The Miami Herald có lời nhận xét “Xuất sắc về quy mô và thách thức về những gợi ý. Cuốn sách tỏa ánh sáng lung linh với một cảm giác ngạc nhiên kỳ lạ… Tôi tin chắc rằng bất cứ ai cầm cuốn sách này lên đều bị hút chặt vào nó và cảm thấy thấp bé đi vì nó.”

 

Cuốn sách đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch của Nguyễn Việt Long, Cty Văn hóa - truyền thông Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành.

Phản hồi

Nguyễn thị hoài linh

Cháu rất thích quyển sách này nó cho cháu biết nhiều điều cháu cũng là một người rất thích thiên văn học... Xem thêm

Các tin/bài khác