(VOV5) - Sân khấu thử nghiệm Việt để thực sự tồn tại cần lắm những đổi thay mạnh mẽ hơn từ những người làm nghề.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Nhà hát múa rối Thăng Long. - Ảnh: VOV.VN |
Tác phẩm sân khấu trước hết là tác phẩm của đạo diễn. Vì thế, với sân khẩu thử nghiệm Việt, trước hết cần nhất vẫn là những tài năng đạo diễn bứt phá. Từ quyết định đường hướng, định ra phương pháp giải mã kịch bản, lựa chọn làm mới sân khấu.
Trong khi đó, dường như sân khấu chúng ta đang ở giai đoạn “trống” khi các tài năng gạo cội đều đã quá lớn tuổi cho những thử nghiệm táo bạo, hoàn toàn mới còn thế hệ đạo diễn kế tục cũng chưa có nhiều gương mặt sáng, nổi bật, thực sự nổi trội và vững vàng, tạo được phong cách riêng.
NSND Lê Tiến Thọ, chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phân tích về việc sân khấu Việt cần phải có những thay đổi, những chuyển động: “Sân khấu hôm nay tạo ra hình thức sân khấu chuyển đổi. Những chuyển đổi ấy tạo ra cho những cuộc liên hoan. Còn trong nước mình hiện nay tính sân khấu, tính thử nghiệm chưa nhiều, có nghĩa là chúng ta vẫn chậm so với sự phát triển của thế giới. Và chậm như thế là lỗi của chúng ta, cũng đang bị sức ì của sự bao cấp, Chúng tôi đánh giá có tích cực nhưng chuyển động không cao”
Thực tế, ngoài đạo diễn, với các diễn viên hiện nay, dù được đào tạo tương đối bài bản, nhưng những khả năng cần thiết như vũ đạo, ca hát, nhảy cổ điển, múa kiếm… không mấy nghệ sĩ trẻ thực hiện được nhuần nhuyễn. Trong khi các nghệ sĩ ở các nền sân khấu phát triển rất chú trọng tới kỹ năng chung, những kỹ năng mà những người bình thường khó thực hiện tốt được. Vì vậy, trình độ kỹ thuật biểu diễn của đa số diễn viên Việt Nam chưa cao, khi quan niệm và nhận thức về chức nghiệp chưa thật trọn vẹn.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí tổng hợp mang tên "Ionah" tại Hà Nội. |
Rồi đầu tư cho các khâu khác như âm nhạc, mỹ thuật chưa thích đáng. Ít vở diễn nào hiện nay dám chơi sang là mời người viết nhạc riêng cho vở mà đa phần là sử dụng nhạc chọn… Đội ngũ họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu hiện nay cũng đang có những sự chuyển giao thế hệ, mà đây lại là khâu rất quan trọng để giúp chuyển tải ý đồ tạo dựng không gian, thời gian sân khấu…
Chưa kể, các họa sĩ cũng lại đang phải phân tán sự sáng tạo cho những tạo hình khác như phục trang, hóa trang... mà chưa có được một đội ngũ chuyên sâu, riêng biệt và chuyên nghiệp cao.
Nhắc tới những thiết chế vật chất của các nhà hát quả là câu chuyện nhiều năm tồn tại chưa có cách giải quyết. Cơ sở vật chất của các sàn diễn hiện nay, dù một số nơi mới được đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được những yêu cầu đổi mới. Hình thức vở diễn lại phụ thuộc rất nhiều vào mỹ thuật sân khấu. Vậy mà sân khấu bao năm nay vẫn mãi ngổn ngang với bục bệ, với những trang trí phông màn xưa cũ, thứ sân khấu không gian hình hộp bị giới hạn chặt chẽ bởi phông màn, cánh gà đang trói chặt tay sáng tạo. Mỹ cảm sân khấu bị coi nhẹ, trang thiết bị không tạo được động lực cho sáng tạo.
Dường như sân khấu đang đứng ngoài mọi kỳ tích của thời đại khi không áp dụng được gì từ vô số thành tựu rực rỡ của khoa học? Chúng ta đã phát huy tối đa nghệ thuật ước lệ của sân khấu truyền thống mà không tính đến mặt trái của nó.
NSND Phùng Huy Bính đã chỉ ra “tính ước lệ trong mỹ thuật sân khấu lúc này đã trở thành con dao hai lưỡi, người ta vẫn nhân danh ước lệ nhưng ước lệ không còn là một thuộc tính cao đẹp của mỹ thuật sân khấu mà đã trở thành lợi khí cho những ý định thấp kém làm tha hoá sân khấu, làm cho mỹ thuật sân khấu ngày một sơ lược, một nghèo nàn một cách thảm hại”.
NSUT Đào Quang cũng khẳng định cần phải vượt qua cách làm cũ: “Nó có những cái tạo cho chúng ta một cách nhìn mới về cách thể hiện sân khấu. Chúng ta nhiều lúc phức tạp quá, tuân theo quy tắc quá mà không chịu phá vỡ. Cái thứ hai nó đáp ứng từng loại hình của chúng ta, và chúng ta cân nhắc và quyết định. Và cuối cùng là đáp ứng được công chúng”
Qua các đợt Liên hoan sân khấu thử nghiệm trước đây, các nghệ sĩ Việt cũng đã nhận ra, các chương trình quốc tế đã gợi mở rất nhiều với những cách xử lý hình thức, cách kể chuyện rất khác nhau, những xử lý hấp dẫn về điện ảnh, trang trí, âm nhạc, cách biểu cảm diễn xuất của diễn viên... Trong khi đó, các tác phẩm của Việt Nam chưa đem lại cảm nhận về các yếu tố mới mẻ một cách thuyết phục. Hiện trạng khán phòng trong các đêm diễn này cho thấy một thực tế: nghệ sĩ Việt vẫn chưa thực sự coi đây là cơ hội để học tập.
Có hội nhập, có học hỏi, thì các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam mới có thể định vị được chính mình để từ đó, có kế hoạch, có chiến lược làm mới nghệ thuật, mới thực sự đem đến những món ăn tinh thần hấp dẫn khán giả trong mỗi buổi diễn.
Sân khấu thử nghiệm Việt, với tiêu chí tinh thần đổi mới, tiên phong của nó, vì thế, cần lắm những đổi thay mạnh mẽ hơn từ những người làm nghề.