(VOV5) - Những nghiên cứu của nhà văn Nguyễn Trương Quý về một giai đoạn âm nhạc có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại, trong cuốn "Một thời Hà Nội hát: Tim cũng không ngờ làm nên lời ca" (NXB Trẻ).
Nghe âm thanh và ca khúc Hội nghị Diên Hồng tại đây:
Hồi ký Lưu Hữu Phước, Những bước đầu chập chững, Hồng Chí ghi, trích tập Đường vào nghệ thuật, 1963 có ghi lại:
"...Thu 1940, tôi ra học Hà Nội. Cũng như một số bạn bè, tôi đi Hà Nội với cảm xúc của một người con đi xa trở về quê nhà. Tình yêu nước dạt dào trong tim chúng tôi. ...Cho đến khi tôi được 15 tuổi, tôi vẫn chưa có ý thức rõ ràng về tính dân tộc thống nhất. Người Nam Bộ, thuộc địa Pháp, không được nói đến hai tiếng "Tổ quốc". Tôi đọc sách Pháp, sách sử, cảm thấy hai tiếng "Tổ quốc" thiêng liêng và thân yêu lắm. Tôi mơ đến ngày có thể tự hào gọi công khai Tổ quốc bằng tên "Tổ quốc Việt Nam" như vậy.
Trong những năm học ở Sài Gòn (1937-1940) tôi tìm đọc sử Việt Nam từ những quyển giáo khoa thư lớp sơ đẳng đến quyển Việt Nam sử lược. Những sách ấy không phải là sách tốt nhất, nhưng ít ra chúng tôi có dịp hồi tưởng lại quá khứ vẻ vang của dân tộc. Dần dần tôi hiểu rõ "Tổ quốc" hơn: "Tổ quốc Việt Nam của tôi gồm hơn 20 triệu dân sống liền một dải từ Bắc chí Nam, bao nhiêu anh hùng đã đổ xương máu xây dựng nên Tổ quốc ấy". Có những đêm kể cho nhau nghe những thành tích đuổi giặc cứu nước ngày xưa, chúng tôi gục đầu lên vai nhau khóc tủi khóc hờn vì nhục nước ngày nay.
Với tâm trạng đó, chúng tôi cảm thấy mình ra Bắc như về thăm quê cũ. Những tên địa phương như sông Hồng, núi Ba Vì, núi Tam Đảo, ải Chi Lăng, cửa Bạch Đằng... là những danh từ mầu nhiệm, và mầu nhiệm hơn nữa là những đền đài lịch sử như Lý Bát Đế, Đồng Nhân, Cổ Loa, Phù Đổng... mỗi di tích giống như một quyển sử dân tộc. Chung quanh chúng tôi một số đông thanh niên còn lặn lội trong vũng bùn trụy lạc, với cái chiêu bài khá đẹp là "vui vẻ trẻ trung". Trong không khí đó, những danh từ chứa đầy tình yêu nước và chí quật cường ấy quả thật giống như câu thần chú nhắc nhở nhiệm vụ thiêng liêng cho chúng tôi.
Bạn Mai Văn Bộ và tôi bắt tay nhau, hứa sẽ không bao giờ sa ngã trụy lạc và sẽ dùng thời gian mà người khác chơi bời để đọc sách và kể lại cho nhau nghe. Chúng tôi đi chơi có đôi, người này dặn người kia "làm lương tâm" cho mình. Mỗi chủ nhật, chúng tôi rủ bạn bè cùng đi viếng thăm di tích lịch sử quanh Hà Nội. Chúng tôi trọ ở nhà ký túc Nam Bộ, được miễn tiền thuê buồng. Nhưng ở đấy, có người hay chửi tục, đánh nhau lôi kéo bè phái, chia rẽ địa phương. Tôi cùng hai bạn khác không chịu nổi, mà cũng không đủ sức chống lại, nên rời nhà ký túc, nhịn bớt ăn và dạy học tư để lấy tiền, chung nhau thuê một gác nhỏ ở góc phố Huyền Trân công chúa và Tô Hiến Thành hiện nay. Chúng tôi mua một lư hương con, các tối chủ nhật, anh em tắt đèn, đốt hương trầm lên, và nhắc lại những cảm xúc trong ngày. Nhiều bạn khác dần dần kéo đến chơi với chúng tôi, có các bạn miền Trung, miền Bắc đến trò chuyện, chan hòa trong một niềm thông cảm rạo rực tình yêu nước".
Lưu Hữu Phước (sinh 1921- mất 1989) sinh ra ở huyện Ô Môn, Vĩnh Long, học trung học ở trường Petrus Ký, Sài Gòn. Tại đây ông đã viết bài ca cho đoàn học sinh trường, là tiền thân của bài Tiếng gọi thanh niên sau này. Theo ông và các đồng chí của mình kể thì khi ra Bắc học trường Y, ông và nhóm bạn chủ chốt hình thành quanh nhóm Hoàng Mai Lưu mới thực sự định hình đề tài nhất quán về "thanh niên-lịch sử", lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trong lịch sử đất nước để truyền bá các tư tưởng khơi gợi ái quốc trong thanh niên.
(Từ trái qua): Các nhạc sĩ Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng |
Tại Hà Nội đầu thập niên 1940, nhóm Hoàng Mai Lưu rất nổi tiếng khi là nòng cốt Ban âm nhạc trong Tổng hội sinh viên Đại học Đông Dương (AGEI). Nhóm này ban đầu có Nguyễn Thành Nguyên, sinh viên Luật, sau ông đi du học ở Nhật thì được thay bằng Huỳnh Văn Tiểng, cũng là SV Luật, và cùng Mai Văn Bộ, SV Y khoa, chính thức có tên Hoàng Mai Lưu, ghép từ họ của ba người (với Hoàng = Huỳnh). Nhóm tự tổ chức xuất bản các tác phẩm của mình, với nhạc do Lưu Hữu Phước soạn và tham gia phần lời của Mai-Lưu và một số bạn học khác như Nguyễn Tôn Hoàn, người sau này theo Đại Việt cách mạng đảng, lực lượng chính trị đối lập với Việt Minh. Ban âm nhạc còn có sự tham gia của Trần Văn Khê.
Cuối năm 1943, tình hình chiến tranh khiến không khí học hành bị ảnh hưởng. Các sinh viên dấy lên phong trào Xếp bút nghiên, và nhóm Hoàng Mai Lưu quyết định về Nam bằng cách đạp xe xuyên Việt. Về Sài Gòn, họ thiết lập nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu và phát hành các bản nhạc của mình. Họ trở thành những thanh niên được đông đảo giới trẻ yêu mến và các bài hát phổ biến đến độ thành những hành khúc được hát nhiều nhất, chẳng hạn Tiếng gọi thanh niên đã trở thành bài hát phổ biến nhất trong cao trào 1945-1946 với tên gọi là Quốc dân hành khúc. Ca khúc này về sau đã được lấy làm quốc ca của chính quyền Bảo Đại năm 1948 và Việt Nam cộng hòa từ 1955. Nhóm Hoàng Mai Lưu sau này tiếp tục âm nhạc với ca khúc Giải phóng miền Nam (1960), trở thành bài hát chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quốc ca của Chính phủ cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Do đó Lưu Hữu Phước là tác giả của hai quốc ca của hai chính thể đối địch suốt nhiều năm. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin của chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, sau thống nhất là Chủ tịch ủy ban Văn hóa giáo dục của Quốc hội và Viện trưởng Viện Âm nhạc. Còn Huỳnh Văn Tiểng là Phó Gíam đốc Đài Tiếng nói Việt nam và Gíam đốc Đài Truyền hình TPHCM, Mai Văn Bộ là Đại sứ Việt Nam tại Hội nghị 4 bên ở Paris, sau là Đại sứ Việt Nam tại Pháp và một số nước khác.
Chùm sử ca của Lưu Hữu Phước như Bạch Đằng Giang (1940), Ải Chi Lăng (1942), Hát giang trường hận (1942, sau 1943 đổi lời là Hồn tử sĩ), Hội nghị Diên Hồng (1944), là những sử ca nổi tiếng nhất trong hệ thống các bài hát ái quốc trong tân nhạc. Nhiều thế hệ người Việt đã tiếp thu ý niệm về chủ nghĩa dân tộc từ những bài ca này, cùng các bài ca của nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng như Hoàng Quý, Tô Vũ hay Văn Cao, Phạm Duy, Thẩm Oánh, Văn Giảng, Hùng Lân... Nhóm Hoàng Mai Lưu đã ấn hành nhiều bản nhạc ở Hà Nội, sau khi Nam Bộ kháng chiến, họ ra Bắc, cơ sở ở Chợ Lớn của họ được chuyển giao và đổi tên là Hương Mộc Lan, giữ lại ba chữ cái đầu H-M-L và vẫn in các bản nhạc hùng ca cùng nhiều bản tân nhạc lãng mạn khác.
Bản thu của các nghệ sĩ Trần Khánh, Trần Thụ cùng hợp xướng Đài Tiếng nói Việt Nam, Hà Nội và Thái Thanh ở Sài Gòn trước đây, là bản thu của những nghệ sĩ xuất chúng trong thể hiện các bài hát ái quốc.
Khi đi vào làm sách và tìm hiểu về tân nhạc Việt Nam cũng như các tiếp biến văn hóa, nhất là về vấn đề chủ nghĩa dân tộc và ái quốc, loại nhạc sử ca nổi lên như một thành tố quan trọng. Làm thế nào mà những cậu bé 15-16 tuổi hoặc chưa đến 20 tuổi đã suy tư và đúc kết những cách thức hành động từ cái tuổi ăn tuổi lớn như vậy? Câu trả lời dường như là nền học vấn "Khai sáng" của Pháp đã cung cấp các thuật ngữ như "Tổ quốc" - mà như chính Lưu Hữu Phước đã kể:"...Dần dần tôi hiểu rõ "Tổ quốc" hơn: "Tổ quốc Việt Nam của tôi gồm hơn 20 triệu dân sống liền một giải từ Bắc chí Nam, bao nhiêu anh hùng đã đổ xương máu xây dựng nên Tổ quốc ấy"... "Có những đêm kể cho nhau nghe những thành tích đuổi giặc cứu nước ngày xưa, chúng tôi gục đầu lên vai nhau khóc tủi khóc hờn vì nhục nước ngày nay.” ( Nhà văn Nguyễn Trương Quý)