(VOV5) -Tranh Đông Hồ được làm mới bằng kĩ thuật đồ họa của thời hiện đại.
Nhắc đến những dòng tranh dân gian như tranh Đông Hồ, hay tranh Hàng Trống người ta thường chỉ nghĩ đến dịp Tết đến xuân. Nhưng giờ đây, những hình ảnh này còn có thể bắt gặp trong những trang phục và vật dụng thường ngày của giới trẻ hiện đại.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Chàng trai sinh năm 1993 Nguyễn Xuân Lam đến với tranh dân gian hết sức tình cờ. Trong một lần đến Bảo tàng Mỹ thuật để tìm kiếm tranh thời kỳ Đông Dương, Xuân Lam vô tình lạc vào khu vực trưng bày tranh dân gian. Màu sắc tự nhiên, trong sáng cùng đường nét trong tranh Đông Hồ đã cuốn hút chàng trai học tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật này. Vậy là Xuân Lam nảy ra ý tưởng vẽ lại tranh Đông Hồ nhưng không sử dụng khuôn gỗ hay màu sắc bằng vật liệu tự nhiên như các cụ thường làm mà bằng kĩ thuật đồ họa của thời hiện đại.
|
Xuân Lam tâm sự: “Ngay từ đầu em muốn tôn trọng hết mức có thể bản gốc của các tác giả, nhưng em là một người trẻ tuổi nên có lẽ hệ màu này sẽ không phù hợp lắm với những năm này. Nó vẫn rất đẹp nhưng phần đông mọi người sẽ vẫn khó cảm nhận một chút, cho nên em vẫn dùng màu đỏ nhưng sắc khác đi một chút, và thêm những mảng màu cam để tạo thêm khối, ví dụ có chỗ sáng chỗ tối. Thuần về mặt tạo hình và mỹ thuật, tranh Đông Hồ sẽ mượt mà và có khối hơn. Em muốn làm cho tranh bắt mắt hơn và phù hợp với thị hiếu của những người trẻ như em”.
Người xem vẫn nhận ra đường nét tinh tế, những câu chuyện ẩn dụ trong tranh Đông Hồ nhưng với một phiên bản hoàn toàn mới. Màu sắc trong tranh vẽ lại của Nguyễn Xuân Lam rực rỡ và tươi sáng và bắt mắt hơn. Khi bắt đầu đưa lên trên mạng xã hội, tranh của Xuân Lam đã thu hút rất sự quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.
Lê Ngọc Hà Thu, một nhà thiết kế thời trang trẻ chia sẻ: “Các tác phẩm của Xuân Lam ngoài khai thác được những tạo hình rất bắt mắt và ấn tượng của tranh Đông Hồ thì màu sắc rất hiện đại và có sự uyển chuyển, mặc dù nó mất đi tính ý nghĩa về tôn giáo và tâm linh nhưng lại đem được vẻ hiện đại mới mẻ, phù hợp với thị hiếu hiện đại của công chúng hơn. Chính vì thế nó mới chuyển thành họa tiết in lên áo được, nó mang vẻ đẹp trang trí và gây hứng thú với khách hàng. Đó là điều quan trọng”.
Nguyễn Xuân Lam |
Quả thực khi đem áp những mẫu vẽ của Xuân Lam vào những mẫu thiết kế thời trang hiện đại tạo ra một hiệu ứng đặc biệt. Nhiều nhà thiết kế thời trang đã liên hệ với Xuân Lam để xin bản vec-tor của các mẫu vẽ này. Mới đây, công ty Tired City cũng đã sử dụng những mẫu vẽ của Nguyễn Xuân Lam để in trên áo hoodie – một kiểu áo đang được ưa chuộng trong giới trẻ.
Anh Nguyễn Việt Nam, giám đốc phụ trách thiết kế của Tired City chia sẻ: “Cách làm việc của Tired City là hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ và Xuân Lam là một trong số đó. Ý tưởng ban đầu là đối với các nghệ sĩ, tranh của họ đều là tranh vẽ nên chỉ nằm trong ổ cứng hoặc trên giấy, không được đến với nhiều người. Tired City là một đơn vị sản xuất, phân phối, marketing… Làm việc với Xuân Lam, có nghĩa là đưa tác phẩm lên nhiều chất liệu khác nhau để nhiều người đón nhận nó hơn. Ngoài hoodie rất nhiều người đã cầm trên tay bức tranh dân gian dưới dạng quyển sổ, bookmark. Đó là mục đích của chúng mình, đưa tác phẩm của nghệ sĩ đến với nhiều người hơn”.
Một số bức tranh do Xuân Lam vẽ lại |
Không chỉ thu hút những người trẻ tuổi, những triển lãm của Nguyễn Xuân Lam cũng có sự xuất hiện của những người thuộc thế hệ đi trước. Họ cũng là những người quan tâm đến việc gìn giữ giá trị văn hóa của dân tộc.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh bộc bạch: “Với tuổi của tôi vào những năm 60, ở Bờ Hồ và nhiều cửa hàng vẫn bán tranh Đông Hồ và nhiều nhà mang về để treo Tết nhưng dần dần đang mất đi. Chính việc các bạn đang làm để tiếp tục lưu truyền nó, tôi rất trân trọng công việc nào đó. Và bằng cách sử dụng lên các sản phẩm, đưa vào sách nghiên cứu, việc này rất tốt trong việc lưu giữ các sản phẩm truyền thống có giá trị văn hóa".
Một số bức tranh do Xuân Lam vẽ lại |
Tin tưởng những giá trị thật sự sẽ không dễ dàng mất đi, Xuân Lam tiết lộ, tác phẩm vẽ lại bức tranh dân gian Múa rồng của Lam đang hiện diện trong hình hài của một bức phù điêu trên con đường bích họa Phùng Hưng, Hà Nội. Trong thời gian sắp tới, dù biết kho tàng tranh dân gian là rất rộng lớn, Xuân Lam sẽ cố gắng hoàn thành trọn bộ vẽ lại tranh dân gian.
Xuân Lam tâm sự: “Em hy vọng mọi người sẽ hứng thú hơn với mỹ thuật truyền thống dân gian và hy vọng mọi người có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm gốc. Năm ngoái khi làm triển lãm, em có quyển brochue cho khách đến triển lãm, đó là sự so sánh giữa tác phẩm gốc và tác phẩm của mình đặt cạnh nhau. Có câu chuyện và ý nghĩa của từng bức. Ví dụ về một nhân vật lịch sử có thông tin năm sinh năm mất của họ, câu chuyện của họ. Hay những tác phẩm dân gian như gà, cá, có ý nghĩa gì để giúp mọi người hiểu hơn”.