(VOV5) - Dân gian xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” để chỉ những thú chơi của người Việt ta mỗi dịp Tết đến xuân về. Nói riêng về thú chơi tranh Tết, trong một vài năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế được nâng lên, đời sống tinh thần phong phú hơn, người dân lại muốn tìm về dòng tranh dân gian nhiều màu sắc.
|
Nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những ngày giáp Tết, tại đình Kim Ngân trên con phố Hàng Bạc, có tấp nập người đến thăm triển lãm ba dòng tranh dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ là Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng. Người xem không chỉ được ngắm nhìn những bức tranh dân gian mà còn thấy được quy trình tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Tại đây, có một cụ ông miệt mài vẽ màu cho tranh cá chép còn đang dang dở của mình. Đó là người duy nhất còn gắn với dòng tranh Hàng Trống - nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông chia sẻ về những thăng trầm, gian truân của tranh dân gian. Có những lúc tranh Hàng Trống tưởng như bị mất đi trong dòng chảy cuộc sống hiện đại. Nhưng trong một vài năm trở lại đây có nhiều những người, nhất là giới trẻ tuổi tìm về với dòng tranh dân gian Hàng Trống “Giai đoạn này người chơi tranh họ trân trọng hơn ngày xưa rất nhiều. Ngày xưa sẵn người làm, mình có thể mua tranh về treo, hết năm nay sang năm mình ra chợ mua, còn bây giờ ra chợ không còn ai làm nữa. Cùng làm tranh, nghề tranh như nhà tôi các cụ cao niên đã khuất hết rồi. Nhưng chính những người thích tranh, không kể lớp trẻ họ có điều kiện kinh tế, họ mua và sưu tập. Quãng độ mươi, mười lăm năm nay họ chơi tranh và trân trọng. Họ mua tấm tranh về treo và giữ gìn. Chẳng may hỏng họ lại bỏ tiền ra thuê người tu sửa, phục chế lại. Có cũ đi họ vẫn cứ thích, thành như một món đồ cổ”.
|
Người dân thưởng lãm tranh Hàng Trống |
|
Nghệ nhân vẽ tranh Kim Hoàng |
|
Dòng tranh Kim Hoàng |
|
Tranh Hàng Trống với dòng tranh thờ |
Thích ứng với thị hiếu và thẩm mỹ của cuộc sống đương đại, hiện nay tranh dân gian có một số thay đổi linh động về nội dung và hình thức. Phó giáo sư, tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Đỗ Bảo cho biết “Đời sống của tranh dân gian đương nhiên phải thay đổi, đó là một lí luận chung. Người Việt Nam có một câu là nhập gia phải tùy tục. Vậy thì tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống cũng phải thay đổi. Tranh Hàng Trống hiện nay chưa thay đổi nhiều lắm vì khuôn khổ đã lớn rồi, nhưng tranh Đông Hồ bây giờ đang làm khổ lớn. Tranh khổ lớn cũng là tranh gà nhưng khắc bản in khổ to hơn. Bây giờ người ta không chơi in màu, có làm ván in màu cũng rất tốn kém nên mọi người tô màu. Nhưng nhiều người không thích tô màu, chỉ thích in nét thôi. Đó là những cách đổi mới nhưng đổi mới như thế nào còn là cả một quá trình”.
|
Nghệ nhân với tranh Đông Hồ |
Không chỉ khoác lên tấm áo mới về màu sắc và đường nét, tranh dân gian giờ còn mới trong hình thức thể hiện. Vẫn là chất liệu giấy điệp, nhưng những bức tranh dân gian có thể lại được in trên khổ nhỏ để sử dụng trong các sản phẩm mang hơi thở của cuộc sống như bưu thiếp, thiệp cưới... Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, thuộc một trong hai gia đình làm tranh tại làng Đông Hồ tại tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Nói về các đề tài về tranh giờ có 200 đề tài khác nhau. Có các sản phẩm loại to, loại nhỏ, và loại nhỏ nhất là loại bưu thiếp này, còn loại to nhất là khổ 1m, 80cm. Rồi những sản phẩm bưu thiếp, bây giờ các bạn trẻ rất ưa thích. Vừa làm quà tặng cho các bạn sinh nhật, kết hôn làm thiếp cưới. Cái này tôi phục vụ cho lớp trẻ là nhiều. Chúng tôi là làng nghề, bề dày nó cũng rất lâu rồi. Hiện nay tôi nhận thấy rằng không những khách quốc tế mà khách trong nước, và nhất là các bạn trẻ rất ưa chuộng cái này”.
Những triển lãm tranh Tết gần đây tại Hà Nội dường như đã khiến những dòng tranh dân gian đến gần hơn đối với công chúng. Ông Trần Văn Mẫn là một người Hà Nội luôn có thâm niên chơi tranh xúc động bộc bạch “Đứng về góc độ một người rất tâm đắc, thiết tha với Hà Nội từ những năm khó khăn. Bây giờ có được một mùa xuân như thế này, giữ được những nét cũ của Hà Nội, tôi cảm thấy rất xúc động, nhờ lại những cảnh ngày xưa. Từ ngôi chùa cổ, chiếc tràng kỷ, cho đến bức tranh cổ từ xưa đều là những đời thường của người Hà Nội, bây giờ lại là hiếm hoi. Tôi rất mong muốn rằng sự phát triển của văn hóa cổ Hà Nội nhân rộng ra, không chỉ bó hẹp trong dịp tết”.
|
Chủ đề gà trong tranh Đông Hồ năm nay |
Một mùa xuân mới đang về, khi những tờ lịch mới được treo lên cũng là lúc mọi người đi chọn cho mình những bức tranh Tết với mong mỏi năm mới sung túc, hạnh phúc, thuận hòa, cũng là những ước vọng mà dòng tranh dân gian này phản ánh. Có lẽ thú chơi tranh tết vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của mỗi người dân Việt.