(VOV5) - Với Mai Lâm, quê hương là những gì cụ thể, như vỉa hè, như máy nước, như vị rau thơm trong nỗi nhớ người xa xứ.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Mai Lâm, từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội, nguyên nhạc công một nhà hát tại Hà Nội, phiêu dạt rồi định cư tại Đức, đã ra mắt tới 5 tập Từ xa Hà Nội - do NXB Văn học ấn hành từ tháng 10/2014 đến tháng 12/ 2017. Sáng tác nhạc, nhưng anh không nhận mình là nhạc sĩ, và viết tản văn kể chuyện đời, nhưng cũng nói rằng đó chỉ là một cuộc chơi văn chương, như rất nhiều thú chơi khác. Nhận xét về anh, nhà văn Lê Minh Hà, người Việt ở Đức cho rằng “ít thấy người viết nào dẫu ngoài đời cũng thế lại nói được hay đến thế về sự chơi. Chơi như là hành một cách thể sống, chơi như một nghệ thuật tầm người”.
PV:Thưa anh, rất nhiều người đọc Từ xa Hà Nội của anh, đều đồng tình với nhận xét của nhà văn Lê Minh Hà...
Mai Lâm, tác giả 5 tập tản văn Từ xa Hà Nội, với những câu chuyện về một Hà Nội từ xa, và những nỗi niềm nổi trôi của cộng đồng người Việt trên đất Đức. |
Mai Lâm: Nói về mộng văn chương thì ai cũng có một ước mơ theo kiểu đó. Và là người học giỏi văn thì tôi cứ tưởng lớn lên mình sẽ là nhà văn. Nghĩ thế, hiểu thế, tưởng thế! Nhưng về sau do cuộc sống xô đẩy, cũng có thể do mình trưởng thành, mình hiểu không phải cứ là một học sinh giỏi văn thì có thể viết được văn. Và cũng dần dần hiểu ra chuyện văn chương không phải là anh có tài khéo mà có được, nên tôi quên chuyện đó đi. Dần dần tôi đi vào âm nhạc.
Cứ bảo tại sao mình lại làm nghề âm nhạc mấy chục năm? Tôi nghĩ lại thời ấy, thời bao cấp, nếu có vào trường công nhân kỹ thuật cũng được! Quan trọng nhất là mình được đi khỏi gia đình, được thoát ly sớm. Từ 14,15 tuổi đã xa gia đình để làm chuyên nghiệp rồi. Vào trường nhạc, văn chương lại trở lại với mình. Tôi có cái duyên là được học giáo sư Dương Viết Á, một người dạy văn rất hay. Mà mình mê văn cũng một phần do thầy mình, và thầy cũng khuyến khích khả năng đó.
Cho tới giờ ra tới 5 quyển sách tôi cũng không nghĩ mình là nhà văn. Bởi tôi nghĩ nhà văn là phải làm lay động đến tâm hồn và tư tưởng của người đọc. Tất cả những gì tôi làm, chỉ là tôi chơi, giống như người khác chơi thích bida vậy.. Của mình chỉ dừng ở mức độ chơi như người này thích chơi bida, người kia thích đá bóng còn tôi thích viết. Đơn giản như thế chứ mình không dám nói những điều ghê gớm như chuyển tải thông điệp gì hay tác động đến ai.
PV: Những người đồng cảm với những trang tản văn, những câu chuyện của anh, phải nói rằng dường như họ có được chia sẻ một nỗi nhớ về quê hương, và những tâm tư của người phải sống cách xa nơi chôn rau cắt rốn của mình?
Mai Lâm: Có khuây khỏa, cũng như có những người xa Hà Nội mà đọc truyện của mình thì nhớ thời thơ bé của họ, hay nhớ lại Hà Nội. Vì với tôi, quê hương là vỉa hè, quê hương là máy nước… thôi. Cũng ví như có người ở Thái Bình thì quê hương là dòng sông. Quê hương là những gì cụ thể, như là rau thơm, không cần nói gì xa xôi cả. Ngày xưa đi sang Nga biểu diễn mấy tháng, người tôi cứ ngơ ngẩn thế nào ấy. Nhưng sau ba tháng rưỡi về ăn cơm, mới phát hiện ra mình thiếu gì: đó là thiếu nước mắm. Đấy là quê hương thôi! Hồi ở bên Đông Đức, không được về như bây giờ, hai, ba năm liền không ăn rau thơm. Đến khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất, có những cửa hàng người ta bán đồ Châu Á, mình lần đầu tiên được nhấm lại cọng rau thơm, mà nước mắt rưng rưng. Đấy là quê hương. Cái sự viết của tôi là như thế, nó tự nhiên, như tôi viết ở một trong năm cuốn này là: nếu tôi được sống ở Hà Nội có lẽ tôi không viết gì, bởi vì tôi thích sống hơn là viết về cuộc sống. Đối với mình chuyện viết lách đến hoàn toàn tự nhiên như thế.
PV: Được biết cách viết của anh bắt đầu là những câu chuyện viết trên mạng xã hội?
Mai Lâm: Tôi viết những mẩu nho nhỏ lên, thấy mọi người thích, rồi cứ yêu cầu viết tiếp. Một thời gian, có những người kết bạn sau, hỏi: nghe nói anh cũng có những cái viết hấp dẫn sao không thấy nhỉ? Tôi nói: Lâu rồi, làm gì còn nữa! Tôi không biết, tôi cứ nghĩ lâu rồi dòng thời gian đó trôi và không bao giờ trở lại, người ta đọc rồi trôi, mình cũng không đọc nữa thì nó sẽ trôi đi mất. Nhưng có một cô, tên là Kiều Thị An Giang, cũng làm thơ bên Đức, có nói: “Không trôi đâu, em dạy anh cách làm thế này thì anh tìm lại được ngay”. Lúc bây giờ tự tôi mới đọc lại được cả một năm qua mình viết những gì, mới thấy thành một chuỗi. Mọi người thấy đọc được. Và mình cũng thấy thú vị, những điều thú vị nho nhỏ thôi chứ mình cũng không có những mộng tưởng gì ghê gớm cả. Tất cả tôi đều viết trên điện thoại, cả năm cuốn này đều viết trên iphone thôi. Bởi vì bảo ngồi vào bàn làm việc là mình chịu. Tính cách của mình là tài tử, là chơi thôi, nên cứ ngồi nhẩn nha thì viết được, chứ chẳng may tự dưng làm việc gì đó, quay lại trôi đi mất, là bỏ.
Tác giả Mai Lâm trong một lần về thăm Hà Nội, cùng nhà báo Phan Thanh Phong (bìa trái), nhà văn Nguyễn Văn Thọ, nhà văn Đỗ Bích Thúy (bìa phải). |
PV: Những chất liệu sống trong những tập Từ xa Hà Nội, lưu giữ những lát cắt, những ký ức rất khó quên…
Mai Lâm: Quyển 1 cho đến bây giờ nhiều người thích, là chất liệu ngồn ngộn. Mình viết về những nhân vật của Hà Nội thời bấy giờ, ví dụ có những người gọi là Lưu Linh của Hà Nội. Ông Lưu Linh không có cái tài gì ngoài cái tài uống rượu mà thành danh. Những người tài tử chỉ chơi thôi, thực ra rất hay. Mà Hà Nội cũng có những người như thế. Chỉ thành danh nhờ uống rượu, hoặc là bán rượu. Hay là viết về những nhà thơ như Phùng Quán. Phùng Quán thì nhiều người viết lắm. Nhưng gia đình tôi có cái may mắn, do bố dượng tôi (nhà báo Cao Nhị) chơi rất thân với những bạn bè văn chương thời đó: Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt, chú Dương Tường… tất cả đều có những mối quan hệ gần gũi với gia đình. Mình viết về họ với tâm thế nhớ về người bạn cũ của bố mình, mà hồi đấy mình rất ngưỡng mộ. Thế nhưng không bao giờ mình nghĩ là để in cả. Và một phần nó cũng hay ở chỗ mình viết đầy ngẫu hứng, và cái sự viết mà anh không định in ấy nó khác. Bốn tập về sau cũng khác với tập một. Viết mà không định in vì nghĩ viết xong nó trôi đi thôi và mình cũng không đọc lại nữa. Mình không ngờ nó còn ở dòng thời gian đó. Hầu như tôi không sửa chữa gì cả, đưa tất cả vào in luôn ở tập một.
Xin cảm ơn tác giả Mai Lâm về cuôc trò chuyện này./.
"Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
Nằm rót rượu cho tôi bên thảm cỏ
Thì tôi chỉ là ngu, đáng khinh bỉ, chê cười
Nếu còn mơ một thiên đường nào đó"
(Oma Khayyam)
Trời, Khayyam tiên sinh ơi! Sao sách của ông ra muộn thế? Bọn hậu sinh này hồi đó chỉ có nửa thiên đường mà không biết. Rượu thì có, thảm cỏ càng vô tư. Dạo í công viên Thống Nhất vắng như chùa bà Đanh, muốn bao nhiêu cỏ cũng có. Má đỏ thì còn nhiều hơn cả hai thứ kia cộng lại. Nhưng biết đâu! Cứ tưởng có bạn và rượu và nhạc là mình có thiên đường rồi chứ!
Mà cũng lạ! Toàn ông 20, 22 đẹp trai lồng lộng, cũng gọi là được số phận ưu đãi mà không vui sống, suốt ngày thở dài thườn thượt. Tỷ như ông Châu sầu bạn mình (sầu là tên mẹ mình đặt cho nó, vì lúc nào mặt cũng buồn như thần sầu, nếu có hỏi vì sao sầu chắc ông í chịu.) Ông sầu theo phong trào, ông sầu vô duyên cớ. Hay ông sầu vì nỗi bố mẹ ông đều là họa sĩ danh tiếng tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương mà bây giờ làm ông khó vượt lên để con hơn cha cho nhà có phúc. Hay ông sầu vì nhà ông chiếm cả tầng hai ngay gần bờ hồ mà còn có vườn để ông phải cô đơn một mình một dinh cơ ở đó? Chịu! Hay là vì ông cứ mượn bố mình Paris Match về xem tranh cho lắm vào nên phải mặt nàng Brigitte Bardot mà “vì nàng da trắng nên ta/ nhớ nàng như thể phận ta da vàng” thì không biết. Chỉ biết chắc vì đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu thế nào mà cái thằng đang tươi trẻ, khỏe như vâm là mình, thỉnh thoảng cũng buồn vu vơ phết.
(Trích “Lá rụng sân trường” – Rút từ tập “Từ xa Hà Nội” 1 – Mai Lâm – NXB Văn học)
|