(VOV5) - Văn học tiếng Việt ở hải ngoại có một nét mới cơ bản, khi thay đổi sang một con đường khác: đối tượng khác, mục đích viết khác, chủ đề cũng khác
Nghe âm thanh tại đây:
Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quyên, người Việt ở Canada, từng giảng dạy ngành Vật lý hạt nhân, Ðại học Bách khoa Hà Nội; Cộng tác viên khoa học Viện Dubna, Nga; làm báo ở Ðức, ở Ôxtraylia; và hiện nay định cư ở Canada. Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Văn Giá từng đánh giá Đỗ Quyên là “một người thơ người Việt ở nước ngoài “đã nặng lòng với tiếng Việt, với Tổ quốc, với bạn văn”
Với cương vị của một người làm thơ, làm báo, làm phê bình văn học ở nước ngoài, đã nhiều lần Đỗ Quyên bày tỏ nỗi đam mê và tự thấy có nghĩa vụ đọc văn học Việt Nam, vì anh thấy mình may mắn ở một vị thế tìm hiểu từ một ngã ba sông (khi anh lớn lên ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, du học ở Đông Âu, và sau đó lại làm báo trong một cộng đồng mà đa số là những người từ miền Nam ra đi).
Nhà thơ, nhà báo Đỗ Quyên - Ảnh: nhavantphcm.com.vn |
Trong vị thế đó, nhận xét về văn học Việt Nam ở hải ngoại, Đỗ Quyên luôn bày tỏ sự lạc quan trước sức sống của dòng văn học tiếng Việt: “Tôi cho rằng với những cái được và cái mất của văn học Việt Nam nói chung, thì văn học hải ngoại vẫn đang phát triển tốt dù nó cũng có những điểm chưa ổn lắm, như việc văn học Việt Nam ở hải ngoại không có độc giả nhiều. Nó đang đi vào tình trạng không còn báo giấy phát triển nữa, thì việc chữ nghĩa không cầm nắm được và người ta nghĩ rằng văn học không có. Đấy cũng là một lý do.
Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu văn học mạng với những trang web hiện giờ như một hình thức xuất bản khác, và số người đọc không nhiều như ngày xưa. Bù lại nó có một điều mới mẻ, đó lằ văn học Việt Nam ở hải ngoại nhiều năm gần đây đã không còn là sự kéo dài của văn học miền Nam ngày trước nữa. Những tờ báo chính của văn học Việt Nam ở nước ngoài lấy chủ đề chính là chủ đề trong nước. Và thứ hai là chủ đề con người Việt Nam trong xã hội bản địa này ra sao. Còn những chủ đề liên quan đến việc nhớ nước thương nhà giảm xuống gần như không còn nữa. Như thế là lạc quan.” - Đỗ Quyên nhận định.
Đỗ Quyên cho rằng, văn học tiếng Việt ở hải ngoại có một nét mới cơ bản, khi thay đổi sang một con đường khác: đối tượng khác, mục đích viết khác, chủ đề cũng khác. Vì thế, xuất hiện những lớp người viết trẻ, những tác giả trẻ như Đỗ Lê Anh Đào, Thuận vv…“Trong văn học Việt Nam ở nước ngoài có sự đổi mới về cách viết. Đứng về mặt thi pháp sáng tác, phong cách sáng tác, có thể nói đã đổi mới Đặc biệt ở chỗ là bên cạnh những dòng truyền thống vẫn tồn tại và đi vào chính thống, thì bây giờ các phương pháp sẽ không còn là phương pháp hiện thực thuần túy nữa, mà là các phương pháp hiện đại và trên nữa là các phương pháp hậu hiện đại, đặc biệt trong thơ. Ví dụ thơ tân hình thức, thì nhóm này đã trở thành một trào lưu, một trường phái gây ảnh hưởng trong – ngoài nước rất nhiều. Tuyển tập thơ Tân hình thức – gọi là Thơ vần đã được xuất hiện ở hải ngoại, tuyển tập 65 tác giả trong và ngoài nước.
Theo nhà thơ Đỗ Quyên, điều này cũng giống như văn học trong nước thời gian qua. Văn học trong nước bên cạnh tác phẩm sáng tác theo các phương pháp văn học cổ điển, thì cũng xuất hiện nhiều phương pháp mới. Và sự gặp gỡ này giữa hai luồng văn học – cùng hướng về một dòng chảy chung, dù vẫn có những điểm khác biệt. Có sự gặp gỡ nhau về những hướng đi mũi nhọn, nhất là với các tác giả trẻ. Điều đó, như Đỗ Quyên khẳng định, dẫn đến việc văn học tiếng Việt ở hải ngoại vẫn phát triển theo chiều hướng đi lên.
Đặc biệt, nhà thơ, nhà báo Đỗ Quyên cũng cho rằng, vị thế “bàn văn” của người viết cũng làm nên điều mới mẻ trong sáng tác văn học của người Việt hải ngoại: “Dòng văn học Việt Nam ở nước ngoài, đã có những tác giả mà không biết định danh được, chẳng hạn như Thuận và Đoàn Cầm Thi. Thuận hay Đoàn Cầm Thi không gọi được là dòng văn học trong nước hay văn học hải ngoại. Và càng ngày càng có nhiều người như thế, như Hiệu Constant chẳng hạn, ở Pháp. Rồi nhiều tác giả ở hải ngoại chuyển bàn viết về trong nước sinh sống. Trong số những tác giả như thế, thì tôi nghĩ là cũng giống như những người Mỹ mà sang Nhật viết, hay những người Nhật sang Pháp viết. Trước đây chúng ta có những tác phẩm không biên giới về nội dung, nhưng cái bàn văn – cái vị thế ngồi của họ nay đây mai đó. Nguyễn Văn Thọ là một ví dụ. Bàn văn của anh ấy nay ở đây mai ở Berlin. Rồi Thế Dũng chẳng hạn. Tôi cho rằng hiện nay văn học tiếng Việt hải ngoại chưa nhiều, nhưng đã có đủ lượng tác giả, những tác giả đó là tác giả rất cứng cáp về cả thâm niên viết cũng như về tác phẩm. Bàn văn của họ không còn biên giới nữa.”