(VOV5) - Vở kịch “Tấm Cám” của sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu xã hội hóa hiếm hoi ở Hà Nội được công diễn từ 17/5 đến 2/6 tại các rạp Đại Nam, Hồng Hà, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô...
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Vở kịch chuyển thể từ câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam này, cũng sẽ tham dự Liên hoan Nghệ thuật biểu diễn thiếu nhi thế giới tại Nhật Bản vào năm sau. Điều đặc biệt là, trong thực trạng khách đến với sân khấu thủ đô thời gian này rất đìu hiu, thì vở diễn Tấm Cám lại cháy vé. Kịch bản viết lại từ một truyện cổ tích, và lại do một đạo diễn Singapore thực hiện, kịch Tấm Cám có gì để thu hút khán giả đến thế?
NSND Lệ Ngọc (trái) và Thu Hà đóng mẹ con Cám. - Ảnh: vnexpress.net |
Câu chuyện về cô Tấm xinh đẹp, hiền thục lại chịu nhiều uất ức khi phải sống cùng mẹ ghẻ là motip cô bé Lọ Lem trên thế giới rất phổ biến, và cũng là điểm thuận lợi cho đạo diễn người nước ngoài Chua Soo Pong khi hiểu sâu về yếu tố văn hóa. Ông giải thích lý do chọn lựa vở diễn này: “Việt Nam có nhiều câu chuyện dân gian như Thạch Sanh hay câu chuyện về nàng Lọ Lem này. Câu chuyện này có ý nghĩa không chỉ đối với trẻ em mà còn với tất cả mọi người như làm sao để trở thành người tốt, làm sao để có thể giúp đỡ người khác… Tôi nghĩ, câu chuyện nàng Lọ Lem rất phổ biến trên thế giới và vẫn là bài học hữu ích…”
Mẹ con nhà Cám gian ác ít ai bì. |
Nhà văn Nguyễn Hiếu, người đã thổi hồn mới cho chuyện cổ Tấm Cám, qua kịch bản của mình, đã nhấn mạnh việc ông chỉ nương theo cốt truyện để tìm cách kể cho phù hợp với đặc trưng sân khấu: “Tấm Cám chỉ là chuyện kể, cái tích là như vậy. Nhưng tâm lý của nhân vật chắn chắn chúng tôi phải mô tả rõ rệt hơn, để có được một kịch bản sân khấu hoàn chỉnh. Nói một cách công bằng chúng tôic hỉ dựa vào tích Tấm Cám thôi, còn sân khấu có đặc trưng riêng của nó, nên khi viết kịch bản tôi cũng phải dựa theo hình thức của sân khấu. Một trong những thông điệp, như lời đề tựa, câu đồng dao mà tôi đã viết: tất cả sự ác, sự may rủi, phúc họa trên trái đất này bắt đầu từ lòng người hết. Lòng người phải sống lương thiện, tử tế, tốt đẹp thì thế giới chúng ta sẽ đẹp đẽ."
|
Dựng kịch từ một câu chuyện cổ tích đã quá quen thuộc, quen thuộc đến mức từng lời thoại cũng đã được các em nhỏ ghi nhớ… là lợi thế nhưng cũng là cái khó cho ê kip sáng tạo. Làm sao để sân khấu hóa thành công, không khiến người xem nhàm chán bởi đã biết rõ cốt truyện, hiểu rõ từng chi tiết… là thách thức không nhỏ. Dù vẫn kể đủ những diễn biến chính của tích truyện, nhưng ê kip sáng tạo đã có những cải biên so với tích truyện, được đánh giá là khá thích hợp.
Nhà báo Phạm Thu Hương của báo An ninh Thủ đô nhận xét: “Tôi thấy đây là sự dàn dựng rất hợp lý khi có sự kết hợp giữa ca nhạc, chính kịch, và những màn múa. Nó có độ uyển chuyển, không thái quá ở một phần nào đó cả. Cốt truyện này tôi thấy cách khai thác của nhà văn Nguyễn Hiếu khi sử dụng hình ảnh của người mẹ thay cho ông Bụt là hoàn toàn hợp lý. Và các em nhỏ hoàn toàn có thể tiếp thu được khi thay nhân vật như vây, vì hình ảnh người mẹ rất gần gũi với các em."
Một cảnh trong vở kịch. |
Điều thú vị là, vở “Tấm Cám” không có nhân vật Bụt, nhân vật thực hiện mọi ước mơ của cô Tấm, mà thay vào đó là nhân vật người mẹ. Kịch cũng không có cái kết là sự trả thù tàn khốc của nàng Tấm đối với mẹ con Cám, những người từng khiến nàng chịu muôn vàn cực khổ, thậm chí bị họ giết chết nhiều lần… mà thay vào đó là việc bắt mẹ con Cám phải chuộc tội bằng cách làm thật nhiều việc tốt…
Cảnh mẹ con nhà Cám bắt Tấm nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo chứ không được đi dự hội. |
Đạo diễn Chua Soo Pong khéo léo khi để các diễn viên nhí là người bắt đầu, mở ra không gian cho vở kịch giúp các em tập trung vào câu chuyện, đồng thời cũng tạo được sự hào hứng khi các bé được thấy những người bạn cùng lứa tuổi của mình vào vai Tấm, Cám lúc nhỏ. Đây cũng là phần mà sự tương tác với khán giả tỏ ra rất thích hợp. Đạo diễn tỏ ra am hiểu tâm lý các em khi đẩy nhanh tiết tấu, đưa vào nhiều đoạn ca múa… : “Đây là một vở diễn tốt. Chúng tôi đã đưa những bài hát, vũ điệu vào diễn xuất như một phần quan trọng của một vở diễn dành cho trẻ em. Chúng tôi cũng có một số thủ thuật để khiến vở diễn trở nên đặc biệt dễ nhớ. Sau khi các em xem xong, có thể ca hát nhảy múa để nhớ lại được những động tác, bài hát đã được xem…”
Cảnh thử hài. |
Em Hạnh Quyên, học sinh PTTH Việt Nam- Ba Lan hào hứng: “Vở Tấm Cám đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc. Ở vở kịch, đã để lại lẽ công bằng cho nàng Tấm mà không cần đến những phép mầu nhiệm của Bụt, Là một fan của chuyện Ngày xửa ngày xưa của anh Trần Lực, đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được một lần nữa là kịch của thiếu nhi vẫn rất là hay và ý nghĩa."
Tấm và hoàng tử khiêu vũ ở cuối vở kịch. - Ảnh: vnexpress .net |
Vẫn còn cần những chỉnh sửa cần thiết để vở diễn hoàn thiện hơn. Dù đầu tư tốt cho trang phục nhưng vẫn có cảm giác chưa thật thống nhất trong toàn vở rồi trang trí sân khấu còn khá đơn điệu và có những chi tiết chưa thực sự hợp lý. Hay việc thay ông Bụt thần tiên thực hiện sự giúp đỡ cho Tấm bằng bà mẹ đã mất của Tấm, dù được ủng hộ vì rất hợp lý nhưng hình tượng người mẹ chưa được tô đậm… nói như PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái thì: “Ông Bụt chỉ xuất hiện giống như người ta vào chuyện thôi. Trên sân khấu tôi thấy cái này tô chưa thật đậm, vì bỏ vai trò của ông Bụt đi, thì thay thế vai trò của người mẹ vào. Và tình mẹ của người Việt nằm trong một truyền thống sâu thẳm, tức là mẹ của người Việt Nam sống chỉ cốt để lưu phúc cho con cháu đời sau, thì chủ đề này thay ông Phật chưa nổi, diễn bị mờ. Rõ ràng là khi lên một vở diễn, thì sự nhấn mạnh của chủ đề không được rõ lắm, vì đã thay nhân vật Bụt bằng nhân vật người mẹ rất là chìm (mang tính) trang trí. Tôi cũng chưa hài lòng lắm. Về tổng thể tôi thấy là được, nhưng về tỷ lệ giữa tính thông suốt của chủ đề với cái để diễn giúp người ta có cái để xem, thì chưa trổ được hết ý định. Nhưng đó cũng là chuyện tất nhiên, khi vở diễn hình thành như thế này thì sẽ phải điều chỉnh dần dần."