Tản văn có phải là một món ăn nhanh?

(VOV5) - Đa số tản văn chạm tới cảm xúc tức thì như viên sủi sùng sục rồi nhanh tan, nhưng vẫn có những tác giả với những tản văn đọc nhanh nhưng lại ở lâu với người đọc.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

Dễ đọc, dễ cảm, thời thượng… là những gì người ta hay nhắc đến khi nghĩ về sự lên ngôi của tản văn trong thời gian gần đây. Thể loại này đã “chiếm sóng” trên các phương tiện truyền thông, và có sức hấp dẫn đến mức tạo ra một lực lượng sáng tác đông đảo. Thậm chí, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, ‘viết tản văn đã là thói quen của nhiều “nhà”, từ nhà toán học, nhà tâm lí, nhà giáo’… Sự phong phú, đa dạng là có.

Tản văn có phải là một món ăn nhanh? - ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Văn Học - Ảnh: anninhthudo.vn

Nhưng mặt khác, tình trạng này cũng dẫn tới nhiều tác phẩm na ná nhau, theo kiểu mùa nào thức đấy, xuất hiện dày đặc trên các trang báo như  nhận định của nhà văn Nguyễn Văn Học: “Tản văn hiện nay có thể nói là đang rất nở rộ. Nó có quá nhiều người viết. Nó sinh ra cái việc là cứ mùa nào thức nấy. Người ta cứ tập trung vào những chuyện vụn vặt của đời sống hay sự thay đổi của thời tiết, rồi vẫn cây đa, bến nước sân đình, cánh cò, cánh phượng, tuổi học trò. Nếu cứ viết mãi như thế thì nó cũng sinh ra một cái khó cho bạn đọc, khó cho cả người viết nói chung bởi vì mình không thể cứ nói mãi một vấn đề đã rất là xưa cũ rồi.”

Mùa xuân thì xôn xao chồi non nảy lộc, mùa hạ thì bùi ngùi tạm biệt mái trường, mùa thu thì “lá khởi vàng chưa nhỉ?”, mùa đông thì nao nao trước gió đầu mùa… Có rất nhiều câu chữ đã thành cũ mòn trong tản văn như vậy nên không ngạc nhiên khi nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, một cây bút viết tản văn quen thuộc với độc giả, cho rằng người viết cần phải tìm được đề tài gây ấn tượng, nếu không sẽ rơi vào sự trùng lặp, đóng khung: “Với kinh nghiệm cá nhân của mình, trước hết là kinh nghiệm của một bạn đọc thôi thì tôi cũng mong rằng các tác giả viết tản văn cố gắng khai thác những câu chuyện, những chi tiết cụ thể hơn nữa. Nó gắn bó với đời sống riêng của mình hơn nữa. Còn nếu mà chúng ta lại mùa màng một chút, cảnh quan một chút, hoặc mây trời gió núi v.v này khác thì chúng ta rất dễ sa vào cách thể hiện hay hình thức hình ảnh có tính khuôn sáo rồi.”

Ngắn, gọn, phù hợp để đọc nhanh, tản văn có ưu thế rõ ràng trong việc giành lấy một vị trí trong thời đại làm gì cũng vội. Quá nhiều những trang viết lật đi lật lại vẫn quẩn quanh trong nhớ nhung, kỉ niệm, than nghèo kể khổ, nhưng mặt khác, chúng ta cũng không thiếu những tản văn đem lại muôn màu muôn sắc về văn hóa vùng miền, về đời sống đô thị… đồng thời, cũng chẳng ngại ngần bàn chuyện thế sự đời tư.

Tản văn có phải là một món ăn nhanh? - ảnh 2Nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: vtv.vn 

Nhà văn Đỗ Bích Thúy, tác giả của hai tập tản văn được nhiều độc giả yêu thích là “Trên căn gác áp mái” và “Đến độ hoa vàng”, khẳng định thể loại này làm được những điều mà truyện ngắn hoặc tiểu thuyết không làm được: “Tôi nghĩ là người sáng tác nào cũng thích viết tản văn, đơn giản là vì tản văn là một thể loại mà chúng ta xếp vào phi hư cấu. Nó được bắt nguồn từ những cảm xúc có thật, những sự rung động có thật. Nó diễn ra trong suốt cuộc đời con người ta, có thể là tuổi thơ cho đến tuổi trưởng thành, thậm chí đến lúc già, khi mà người ta không thể viết những thể loại hư cấu nữa thì người ta vẫn có thể viết tản văn.

Tôi có thể nói được những điều mà truyện ngắn không nói được, tiểu thuyết không nói được. Đừng cho rằng tản văn là thể loại gì nó đơn giản hay nó chỉ là những chuyện vớ vẩn, chuyện riêng tư. Nhiều cái nó chạm vào người đọc chứ, nhiều cái nó lay động người đọc chứ!”

Tản văn có phải là một món ăn nhanh? Đây là câu hỏi có thể có nhiều câu trả lời. Bởi theo nhà văn Văn Thành Lê, “ăn nhanh rồi có quên nhanh hay không thì còn tùy”: “Tất nhiên đa số tản văn đọc thì dễ vào, chạm tới cảm xúc tức thì, như viên sủi sùng sục rồi nhanh tan nhưng vẫn có những tác giả với những tản văn đọc nhanh nhưng lại ở lâu với người đọc.

Như vậy, tản văn là kiểu đồ ăn nhanh hay ăn chậm còn phụ thuộc vào người viết chứ không hẳn là thể loại. Với tôi thì những tản văn, tạp văn của Tràng Thiên, Võ Phiến trước đây, hay sau này là tản văn của Phan Thị Vàng Anh, rồi Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư thì tôi không thể ăn nhanh được. Người thì câu chữ đầy chiều sâu văn hóa, người thì riết róng đụng tới những vấn đề hiện thực nóng hổi của đời sống, người thì lấy tích xưa bàn chuyện nay với giọng văn lôi cuốn hay trẻ hơn nữa, thuộc thế hệ 8x, là tản văn của Khải Đơn với rất nhiều năng lượng, tâm thế nhập cuộc vào đời của người trẻ hôm nay.”

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác