"Người Kể Chuyện" Mai Lâm. - Ảnh: FB nv. |
Có thể nói, nếu điểm danh những cộng đồng xa xứ có lực lượng viết văn đông đảo viết về Hà Nội, viết về Thủ-đô như một chủ đề, một đề tài, một nguồn cảm hứng, hay đơn giản như một bối cảnh, thì không thể không kể đến cộng đồng người Việt ở Đức. Là bởi, trong lực lượng ấy, có những nhà văn tên tuổi, thành danh, như Nguyễn Văn Thọ, Lê Minh Hà…; có cả những cây bút cộng đồng viết vì niềm yêu thích, đam mê viết và; có người ở giữa khoảng ấy, như Mai Lâm.
Tôi không gọi Mai Lâm là nhà văn. Mai Lâm, thực sự là Một Người Kể chuyện, theo nghĩa đen của từ này. Và anh cũng chưa bao giờ nghĩ mình là gì trong cái danh xưng Nhà văn cao quý ấy.
"Từng cuốn một có những bước biến chuyển khác nhau. Mình không nói là tiến hay lùi. Ví dụ như cuốn đầu tiên của mình là viết hoàn toàn ngẫu hứng và cũng không chủ trương in, nên lối viết, tâm thế cũng khác. Thế nhưng qua cuốn 2 cuốn 3, 4 đến cuốn thứ 5 thì tôi không biết có nên gọi là trưởng thành hay không, song tất nhiên khi mình đã có ý thức viết rồi, thì dù không phải nhà văn chuyên nghiệp, nhưng tôi đã viết có hư cấu, có thêm thắt, có tâm lý nhân vật. Mà mình nghĩ thế thôi! Mình nghĩ viết để làm gì, viết để cho ai đọc, người ta đọc người ta được gì, Vì thế cuốn 5 chất tản văn cũng đã bớt đi. nó có hơi hướng gần truyện ngắn hơn." - Mai Lâm chia sẻ.
Năm cuốn sách đã ra của Mai Lâm, đều viết trực tiếp trên cái iphone, và bạn đọc đầu tiên chính là những bạn bè anh trên mạng. Có lẽ, gốc gác một cậu học trò có khiếu văn chương, sau này mải chơi rẽ sang trường nhạc, và lấy sự Chơi như lẽ sống đời mình, khiến cho những câu chuyện anh kể ngay lập tức có một sức thu hút kỳ lạ.
Những chi tiết sinh động, những nhân vật có thật, cả những đường phố Thủ đô đã thành tên gọi…Người đọc thấy thú vị vì được sống, được thở, được cảm nhận một cuộc sống thật, sinh động đến từng tế bào sau những lớp vỏ biểu tượng của đời sống thị dân Hà Nội
"Về kỹ thuật tôi hoàn toàn không có, không biết và cũng không thích. Cái quan trọng nhất của tôi khi viết là hào hứng. Không hào hứng thì không viết. Thậm chí có những lúc muốn ăn cơm nhanh lên để ngồi viết, thì lúc đó tôi viết. Chắc do mình không phải chuyên nghiệp, có thể rất nghiệp dư thôi, nhưng không hào hứng là không viết. Khi tôi viết thì hầu như chỉ nghĩ đến mình, hay là một người, chỉ một người thôi, giống như người thân của mình - cứ gọi chung là bạn đọc - giống như mình được chia sẻ với họ, cảm giác là mình nói gì họ cũng hiểu. Thành ra ở đây mình không có ý định làm văn chương, hoặc nếu có, thì phải vượt lên ngoài chuyện làm văn chương tôi mới viết." - Mai Lâm nói.
Qua 5 cuốn, được in ra vì nhà sách đề nghị tập hợp thành sách, cả chuyện Hà Nội và chuyện Đức, Mai Lâm dừng viết hai năm, chỉ thỉnh thoảng nhắc lại cho bạn phây một đôi câu chuyện, vẫn giọng kể giàu chi tiết, sống động, thoạt đọc thì hài hước, nhưng rồi nhiều khi tới khúc cuối cùng, lại thấy cay trong lòng mắt, thấy cái cười thật nhẹ của con người đã thật hiểu lẽ người, lẽ đời, hiểu những ân tình, những cay đắng đã trải, đã nhận và đã trao.
Vậy mà, anh lại sắp có sách mới ra, tập hợp những câu chuyện viết chỉ trong hơn hai tháng, vẫn trực tiếp như kể chuyện chơi, bằng iphone, chưa từng đưa “cúng phây”, mà “kể” theo lời hứa với một người bạn, đã là lời hứa thì với Người Chơi Mai Lâm, sẽ quan trọng hơn bất cứ bản hợp đồng nào.
Anh bảo : "Bảo tôi bịa hay dàn dựng kết cấu là không thể viết được, tại vì cái đó xa vời với mình lắm. Nhưng viết về những cái gì của mình, cuộc sống của mình nói riêng và của cả một thời của Hà Nội nói chung thì tôi viết được. Bởi nó của mình.
Thực ra cuốn sắp tới đến 80 % là do công của người bạn này. Là vì chữ tín với bạn mình thôi. Người đấy đã đặt lòng tin vào mình thì mình bắt tay vào viết. Khi viết thì nó cuốn hút mình hơn tất cả những cuốn mình đã từng viết. Vì chưa bao giờ mình đào sâu xuống tầng nữa. Khi mình tưởng hết rồi thì tầng bên dưới nữa lại còn ẩn chứa nhiều điều để chia sẻ hơn. Ví dụ, mình viết cho mình thích, là điều đầu tiên. Bây giờ nghĩ là mình viết cho cả độc giả nữa. Tôi cũng đọc đâu đó, anh viết một cuốn sách không hay là đã làm điều không tốt, bởi vì giấy làm từ cây. Khi viết phải mang lại một cái gì đó cho độc giả.
Và tôi nghĩ độc giả không đọc mình đâu, họ đọc chính họ đấy! Trong cuốn tới, chia sẻ sâu hơn, những điều thầm kín hơn một chút, không tếu táo nữa. Sau 2 năm tôi không viết, tôi cảm giác mình bộc lộ sâu hơn, mình tin tưởng hơn, bởi chính như thế mình sẽ cởi mở hơn."
Ba trong số 5 cuốn sách đã xuất bản của Mai Lâm. |
Cái đặc biệt thú vị trong những tản văn, những câu chuyện của Mai Lâm, đó là những khắc họa sống động về một thế giới anh hiểu nhất, thế giới cũng không nhiều người có kinh nghiệm, bởi đó là những…tay chơi Hà Nội.
Nếu qua cụ Vương Hồng Sển bạn đọc có biết tường tận về những lớp lớp rong chơi kỳ khu Sài Gòn, thì qua Mai Lâm, người ta biết tới một kiểu bận rộn, ấy là bận…Chơi rặt công tử Hà thành vắt nửa thế kỷ 20, một thời kinh tế sa sút. Và sau đó, là một kiểu Chơi của những con người thật đặc biệt, của những vùng đất khác mà đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Tay chơi mỗi vùng, chất chơi của từng thành phố rất khác biệt. Như dân Pa-ri sẽ khác dân Mạc-xây, như dân Béc-lanh có khác dân Ham-buốc, bởi trước tiên, do văn hóa vùng miền mà họ đã sống, đã thấm đẫm.
Đã già nửa đời người sống nơi đất khách, còn nhiều hơn cả thời gian sống với cái mảnh đất Hà Nội mà Người Kể Chuyện cứ chung tình kia. Vậy nên, Hà Nội trong lòng Mai Lâm là như thế nào?
"Khi tôi vừa được hỏi cũng thoáng nghĩ: Hải Phòng đối với người Hải Phòng thế nào nhỉ? Đất Thái Bình với người Thái Bình thì thế nào nhỉ? Là quê hương rồi, nhưng mà cũng không hoàn toàn như thế. Tại vì mỗi vùng đất khi mình ở, rõ ràng bản sắc và văn hóa của nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến mình từ khi thơ bé.
Với tôi, Hà Nội giống như cuộc sống của mình. Không hiểu sao cái trí nhớ của mình kinh khủng lắm, không thể chỉ nói là quê hương đơn thuần được, mà mình có thể viết về nó bất tận. Và cái dấu ấn của nó thật đồ sộ và mãnh liệt. Thành ra tôi có viết thì cũng chỉ viết về Hà Nội. Cả cái cuốn mới này dù có tên khác thì cũng là viết về Hà Nội. Hầu hết là tất cả những gì mình có đều gắn liền với Hà Nội . Vì bạn bè, gia đình, ký ức của mình ở đấy, Nếu tôi có ở Thái Bình thì tôi cũng sẽ viết về Thái bình. Nó là của mình, nên mình viết rất dễ. Viết về những thú ăn chơi tôi cho đấy là một đề tài bất tận, Nhưng khi đi thật sâu vào thì nó không chỉ là một thú ăn chơi. Nó còn là văn hóa." - Mai Lâm nói.
Vâng, thực sự thì, những thú ăn chơi ấy, những tay chơi Hà Nội ấy đặc biệt đến như thế nào? Thì bạn ơi, cứ thủng thỉnh dọn sẵn bàn trà, chiêu ấm nước, đợi tăm sôi.
Mai Lâm sắp kể chuyện rồi đấy!
"... Tết vừa rồi về Việt Nam tôi đến thăm Phúc. Lạ thay, lần này vẫn nhầm nhà vì các cửa hàng chiều cuối năm đóng im ỉm, nhà nào trông cũng giống nhà nào. May Phúc nghe điện thoại để một lát sau thò cái đầu bù xù, tóc vừa nhiều vừa dài vừa quăn trên khe hở của ban công gác hai:
- Về hôm nào đấy? Người ta đóng cửa hàng, không lên được.
- Biết dồi! Ông thòng cho tôi sợi dây xuống đây.
Tôi buộc túi quà chuẩn bị sẵn mấy thứ linh tinh để Phúc kéo rất thạo như người nhà quê ngày xưa kéo gầu nước lên.
- Ở trong ấy có chai Macallan nhỏ đấy!
Tôi cũng mang theo cho mình một chai nhỏ trong túi quần. Hai chúng tôi thằng trên gác, thằng dưới hè đường nâng chai chúc mừng năm mới. Cũng may, chiều ba mươi tết đường còn vắng nên không ai bắt gặp cảnh tượng kha khá giống như trong một bộ phim cấp ba ấy...
*
Tôi rảo bước dọc hồ, vì chắc ở nhà mọi người đang quây quần quanh mâm cơm tất niên đợi. Còn Phúc, chắc Phúc lại quay vào đón giao thừa trong Ipad. Hoặc giả lại mò vào Facebook, nơi mà ở đó thi thoảng trong những status Phúc post lên với giọng trào lộng, châm chọc nhưng không khỏi lẫn chút chua chát tôi bắt gặp những nhân vật khi thì là một vị hoàng đế, khi lại là một cao bồi bang Texas, nhưng hết thảy Phúc đều dùng kỹ xảo máy tính ghép thân dưới lành lặn vào thân trên và khuôn mặt khá hoàn hảo của chính mình.
Bạn tôi, một nghệ sĩ đã nghĩ gì khi ngồi vẽ thế, khát vọng từ vô thức hay đơn thuần chỉ là ẩn ức?"
(Trích "Phúc què" - Từ xa Hà Nội - Mai Lâm)