(VOV5) - Các tạp chí văn nghệ địa phương ít nhiều đã triển khai các sản phẩm báo chí số, trong đó phổ biến hơn cả phải kể tới trang điện tử và fanpage.
Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí văn nghệ nước ta ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa và tinh thần. Trong đó, các tạp chí văn nghệ đã có những cách làm, lối đi riêng để tự đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của độc giả trong thời đại 4.0. Dẫu vậy, con đường số hóa vẫn chưa bao giờ trải hoa hồng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong những năm gần đây, “chuyển đổi số”, “số hóa”, “thời đại 4.0”… được nhắc đến một cách thường xuyên liên tục.
Chuyển đổi số báo chí thậm chí đã trở thành một chiến lược nhằm “đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả, tạo nguồn thu mới và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số”.
Không nằm ngoài “đường đua” này, các tạp chí văn nghệ địa phương ít nhiều đã triển khai các sản phẩm báo chí số, trong đó phổ biến hơn cả phải kể tới trang điện tử và fanpage.
Tạp chí Sông Hương - một trong những trang văn nghệ điện tử có nội dung sâu sắc được bạn đọc quan tâm. - Ảnh chụp màn hình |
Chị Hà Thị Hương Thanh, quản trị viên của website Văn nghệ Hải Dương, cho biết: “Tạp chí Văn nghệ Hải Dương đang từng bước thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, quản trị, xuất bản tạp chí điện tử, xây dựng trang fanpage, kênh Youtube với nội dung phong phú bằng nhiều hình thức khác nhau.
Khi là các bài viết, khi là các tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật chất lượng. Khi là các clip dàn dựng công phu và chân thật. Các ấn phẩm của hội ngày càng thu hút được sự chú ý, không chỉ của độc giả là các hội viên của hội mà còn là đông đảo độc giả trong và ngoài nước.”
Không đơn thuần “bê nguyên” các tác phẩm từ báo in lên trang điện tử, website của nhiều hội văn nghệ địa phương đã có sự đa dạng cả về tin bài lẫn hình thức thể hiện. Thậm chí, đã có những đơn vị đã tách biệt được hoạt động của trang điện tử và báo in.
Phó chủ tịch Hội VHNT Nghệ An
Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam Phạm Thùy Vinh |
Nhà báo Phạm Thùy Vinh, Tổng biên tạp Tạp chí Sông Lam, ấn phẩm của Hội VHNT Nghệ An, chia sẻ: “Chuyển đổi số nghĩa là chúng tôi đã đưa tạp chí in lên môi trường mạng để độc giả có thể đọc tạp chí qua mạng, tương tự như sách điện tử.
Qua đó, độc giả có thể cảm nhận được sự quen thuộc và hình hài của tạp chí in qua công nghệ.
Nó không đơn thuần là một dạng liên kết mà độc giả được dùng trọn vẹn maket quen thuộc của tạp chí qua các thao tác lật trang tương tự như thao tác quen thuộc ở ngoài đời.
Còn ở tạp chí điện tử thì chúng tôi tập trung phát triển các tin, bài, tác phẩm theo xu hướng đa phương tiện với nhiều loại hình khác nhau như là ảnh, clip, phóng sự truyền hình rồi e-magazine, long-form, podcast. Tùy mỗi tác phẩm sẽ có hình thức thể hiện phù hợp. Vì vậy, các tác phẩm tên tạp chí điện tử là một phong cách, hình thức hoàn toàn khác so với tạp chí in.”
Dẫu vậy, để có thể tồn tại và thích nghi trong bối cảnh chuyển đổi số là không hề dễ dàng. Chỉ riêng việc duy trì tờ báo in nhiều khi đã phải đối diện với vấn đề kinh phí và nguồn nhân lực. Giờ đây, với việc phát triển các sản phẩm báo chí số, những yêu cầu này lại tiếp tục được đặt ra bên cạnh các đòi hỏi khác về phương tiện kĩ thuật.
website Tạp chí Văn nghệ Hải Dương - Ảnh chụp màn hình. |
Rõ ràng, bối cảnh chuyển đổi số đem đến cơ hội giúp các tạp chí văn nghệ khoác lên mình “tấm áo mới”. Nhưng thách thức mà cơ hội này đặt ra cũng là bài toán khó với những người làm tạp chí văn nghệ. Trong đó có nhà thơ Bùi Việt Phương, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình và chị Hà Thị Hương Thanh, Tạp chí Văn nghệ Hải Dương: “Lượng truy cập sẽ ít vì người ta thích đọc những tin tức ngắn gọn hơn là đọc những tác phẩm có dung lượng dài ở trên báo. Bản thân những người làm văn nghệ cũng thường sử dụng trang cá nhân của mình để đăng tải tác phẩm rồi cho nên việc phát triển fanpage của các tạp chí và báo cũng gặp nhiều khó khăn để thực hiện được hiệu quả.”
“Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không thể thiếu hạ tầng và cơ sở vật chất gắn với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thực trạng tại các cơ quan báo chí địa phương như Tạp chí Văn nghệ Hải Dương chúng tôi thì tất cả các yêu cầu này đều chưa đạt được. Đơn cử như để việc thực hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện, đa nền tảng thì đòi hỏi phải có máy tính cấu hình cao, không chỉ xử lý tốt ở mảng word mà còn là đồ họa ảnh. Cùng với đó thì hạ tầng hạn chế cũng là một khó khăn, chưa có nhiều tùy chọn để hỗ trợ tối đa cho quản trị viên trong việc xử lý cũng như là upload nội dung, hình ảnh một cách thuận tiện, nhanh chóng và chuyên nghiệp.”
Vẫn biết là khó khăn, nhưng các đơn vị văn nghệ địa phương vẫn nỗ lực tìm kiếm những con đường và phương tiện để có thể đưa văn học nghệ thuật đến với bạn đọc trong và ngoài nước qua con đường nhanh nhất: mạng internet.
Vì bao giờ cũng vậy, văn học nghệ thuật chỉ thực sự sống động khi có bạn đọc, có khán giả, và được nuôi dưỡng bởi tình yêu của độc giả.