(VOV5) - Từ nỗi mình mà cất lên nỗi người, nỗi đời, đó là giá trị những vần thơ thế sự.
Nghe âm thanh bài viết tại đây qua giọng đọc Thành Tuấn:
Đời nào, thời nào thơ ca cũng song hành với đời sống, với các vấn đề mang tính xã hội, xa và rộng hơn, gắn với quốc gia, dân tộc.
Những vần thơ thế sự đề cập một cách khéo léo và rung động về đạo lý, đạo đức xã hội, nhân tình thế thái có hiệu ứng rất mạnh mẽ với công chúng, bạn đọc. Các cây bút thơ nếu có hướng tiếp cận vấn đề thế sự một cách phong phú,có chiều sâu sẽ tạo được sức ám ảnh và sức sống lâu bền cho tác phẩm của mình. Ngày hôm nay, thơ thế sự đã chuyển động cùng đời sống?
Các nhà thơ Nguyễn Thế Kiên - Nguyễn Việt Chiến - Nguyễn Quang Hưng |
Thơ cũng như truyện ngắn, như tiểu thuyết, sản sinh từ chính những cảm xúc bật ra khi con người có những quan sát về thời đại, xã hội cùng độ chín chiêm nghiệm. Đời sống thẩm thấu vào người làm thơ và những câu thơ ra đời tự nhiên có cái hình hài mang dấu ấn của thời họ sống. Nhà thơ Vũ Quần Phương sáng tác với quan niệm “đứng về phía khuynh hướng xem đòi hỏi thời mình sống là cái gì để mình viết trả lời những đòi hỏi đó”. Còn Nhà nghiên cứu, nhà thơ Vũ Bình Lục cho rằng: “Điều mà nhà thơ muốn bung ra từ nỗi lòng của mình là cách phô diễn tình cảm, tư tưởng của con người thời đại, là nỗi đau nhân thế”.
Việc đời vào thơ tưởng rất nhẹ nhàng nhưng lại có sức thẩm thấu kỳ diệu. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đánh giá cao mảng thơ thế sự trong việc cất lên tiếng nói của thế hệ, của thời đại. Theo ông nếu nói về tính thời sự và tính trực tiếp đến đời sống hôm nay thì thi ca với dung lượng và cảm xúc trực tiếp của người viết có thể ngay lập tức chuyển tải sự xúc động tới độc giả. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng có cách so sánh thú vị rằng mảng văn xuôi như là mảng thế sự chủ đạo như một loại “vũ khí hạng nặng” trong khi đó thơ ca được coi như “vũ khí hạng nhẹ” nhưng tác động ngay vào tình cảm của bạn đọc.
Thơ tự sự đã đành, thơ về thế sự càng yêu cầu cao hơn về cái gọi là nghệ thuật câu chữ. Kiến văn là một mặt, mặt nữa người làm thơ khi chưa thai nghén thật đủ đầy, tròn trịa về mặt cảm xúc, chưa thật xuất thần, thơ có thể ra đời nhưng khó lòng rung lên những ngân vang trong lòng người đọc. Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng nhìn ra điểm ráp nối ấy giữa thế sự và thơ ca. Anh quan niệm: "Thơ ca bắt nguồn từ đời sống, chung quy cũng để bàn về câu chuyện thân phận, thế sự, thời cuộc, về những hiện tượng xã hội, khác chăng là cách thể hiện của nhà thơ như thế nào. Chọn cách nói trực diện hoặc ẩn ý, hàm ý, hoặc sử dụng hệ thổng biểu tượng, hình ảnh để thể hiện ý nguyện, suy nghĩ, nhận xét của mình về đời sống. Khi một số sự vụ xảy ra đã có ngay khá nhiều nhà thơ trẻ hoặc những người cầm bút thế hệ mới cũng thể hiện nỗi lòng, tâm tư, tình cảm, thái độ bất bình hay sự phẫn nộ của mình đối với những sự việc, hiện tượng đó.
Để đưa được vấn đề nhận ra từ đời sống vào thơ ca thì dù thế nào đi nữa thì các yếu tố, chi tiết cũng phải bước qua màng lọc nhất, phải có quá trìnhchắt lọc, tinh lọc, từ thực tế đó để sáng tạo ra hình tượng, biểu tượng, chi tiết, hình ảnh giàu sức biểu cảm, giàu tính đại diện để đưa vào sáng tác. Như vậy nghĩa là làm thơ thế sự hoặc viết những bài thơ mang đậm tính thời cuộc thì đã là một chu trình, quá trình chuyển dịch của thực tại sôi nổi, ngồn ngộn và rất phong phú vào sự chắt lọc, cô đúc, cô đọng tạo ra những hình ảnh thơ, những bài thơ giàu giá trị biểu hiện và có sức lan tỏa." - Nguyễn Quang Hưng khẳng định.
(VOV5) - Với những nhân vật như Đặng Đình Hưng phải lùi ra xa mới khái quát được hết...
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm thì khẳng định sẽ đến một thời điểm nào đó, cảm hứng về thế sự, cảm hứng về quốc gia, dân tộc, cộng đồng gặp gỡ với cảm hứng của cá nhân thì tiếng thơ sẽ cất lên một cách nhuần nhuyễn hơn..
Một khi đã động chạm đến thế sự, thơ và người làm thơ đương nhiên sẽ ở trong “tầm ngắm” của không chỉ người đọc đơn thuần. Điều gì cất lên từ bộn bề nhức nhối suy tư của người viết mà lại chẳng đụng chạm và dữ dội. “Vùng cấm” là chữ mà không chỉ nhà thơ Nguyễn Thế Kiên nghĩ khi nhắc tới thơ thế sự. Anh không ngần ngại chỉ ra thực tế đã là người cầm bút vì cuộc sống, vì xã hội thì những câu thơ đã chạm đến thế sự, nhưng có điều cái chạm ấy ở mức độ bao nhiêu, góc cạnh nào, xây dựng hay tiêu cực, tàn phá , phủ nhận, quy chụp hay nhắc nhở, cảnh báo. Những câu thơ nhắc nhở, chia sẻ, động chạm tới khối u thì sẽ đứng được lâu hơn. “Vùng cấm” ấy thời nào chẳng có. Nhưmg mỗi thời có một mức độ khác nhau.
Văn chương và thơ ca không có chỗ cho sự dễ dãi, qua loa, cũng không phải là nơi cho những điều thô tháp, trần trụi chen chân. Thực tế đã cho thấy, mỗi thời, không có nhiều người làm thơ thế sự xuất sắc và cũng không nhiều những vần thơ thế sự vang động. Nhưng một khi đã trụ được qua những biến thiên thời cuộc, những nhà thơ, vần thơ ấy sống mãi trong lòng bạn đọc, công chúng. Dù ít dù nhiều, bước ra khỏi những vấn đề cá nhân, chạm đến cuộc đời, thơ đã tự nhiên nhập vào thế sự. Từ nỗi mình mà cất lên nỗi người, nỗi đời, đó là giá trị những vần thơ thế sự.