Với sân khấu, đêm diễn là sự sống còn của mỗi đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp, bởi khác với các loại hình nghệ thuật khác, khán giả là một trong những thành phần cùng tham gia sáng tạo vở diễn, không có khán giả sẽ không có tác phẩm sân khấu. Vì thế, nếu nghĩ tới đường dài để tạo khán giả cho sân khấu, không thể không hướng tới phân khúc khán giả thiếu nhi- những chủ nhân tương lai, đồng thời cũng là những khán giả không thể thiếu của sân khấu ngày mai.
Một tiết mục kịch dành cho thiếu nhi. - Nguồn: Nhà hát Thiếu nhi Nụ cười |
Thực tế hiện nay, sân khấu còn chưa thật sự chú trọng tới đối tượng khán giả này. Nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng tâm sự: “Có những lúc tôi nói chuyện với một số nghệ sĩ của kịch hát dân tộc như Chèo, Cải lương… Ngày hôm nay không có khán giả là vì lúc nhỏ, người ta có đi nghe hát Chèo, Cải lương đâu. Vì thế, mình phải làm những vở diễn cho thiếu nhi với những tích hay, những câu chuyện hay mà hát ít thôi, hát những bài Lý, những bài giai điệu quen thuộc để người ta nghe, người ta ngấm dần thì lớn lên, người ta mới đi xem những vở kịch hát dân tộc.”
Bản thân các nghệ sĩ dường như vẫn chưa thực sự chú trọng tới mảng diễn này khi rất ít nghệ sĩ tên tuổi tham gia vào các vở diễn cho thiếu nhi, như ý kiến của NSUT Bùi Như Lai: “Một số nhà hát có những chương trình mang lại cho thiếu nhi những tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên thì tôi vẫn thấy thiếu, nó bị vắng bóng các nghệ sĩ tên tuổi trong các chương trình dành cho thiếu nhi. Diễn cho thiếu nhi rất khó, phải là những nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, tài năng thì việc họ nắm bắt tâm lý của khán giả thiếu nhi sẽ tốt hơn, nhanh nhạy hơn, và cái việc tốt hơn ấy nó khiến cho nghệ sĩ xoay chuyển câu chuyện phù hợp hơn với đối tượng khán giả nhí…”
“Bên cạnh việc nắm bắt tâm lý của trẻ em trong nước thì mình cũng phải nắm bắt được xu hướng của thế giới. Không được cho phép mình tụt hậu mà chúng ta phải có những bước tiến. Và như vậy bắt buộc phải có sự đồng bộ trong sáng tạo kịch bản, trong dàn dựng. Nếu một sáng tạo hay về nội dung, mà không đẹp về hình thức thì cũng khó mà thu hút các bạn trẻ…”- nhà báo Hà Tùng Long.
NSUT Xuân Bắc cũng đồng ý kiến: “Sân khấu bây giờ chưa tiếp cận được với đối tượng khán giả, chưa tiếp cận được với thời đại. Từ những người làm sân khấu cho thiếu nhi đã thực sự tài năng, thực sự tâm huyết hay chưa, đã có kịch bản hay hay chưa, đã có cách làm bài bản cho nó hay chưa thì chưa phải ai cũng làm được. Có điểm nữa là, chúng ta quên mất việc đào tạo khán giả yêu sân khấu. Vì thế, nhiều vở thiếu nhi sâu sắc hấp dẫn nhưng chỉ diễn được theo thời vụ bởi vì nhiều bậc bố mẹ, nhiều nhà làm quản lý, thậm chí cả các trường cũng quan niệm, đấy là dịp mình cần quan tâm tới các con, trong khi việc quan tâm hàng ngày, thường xuyên thì quên mất… “
Trong khi đó, đầu tư cho sân khấu thiếu nhi lại đòi hỏi kinh phí lớn hơn, tâm sức nhiều hơn, như phân tích của NSUT Sỹ Tiến: “Đúng là đầu tư cho thiếu nhi thì cần đầu tư tương đối bởi vì với thiếu nhi mình làm úi xùi là không nên. Còn cái việc nó có thu hồi được vốn hay không lại là câu chuyện khác. Nếu không có kinh nghiệm thì đầu tư cho thiếu nhi tưởng dễ nhưng lại rất khó. Và đúng là cái gọi là mùa vụ ấy, thì khác thời gian là không diễn được. Vài năm trở lại đây, chúng tôi có một số các đơn vị đồng hành, giúp cho mỗi buổi diễn có một khoản tiền nhất định để trang trải tiền điện nước, bồi dưỡng cơ bản cho anh chị em diễn viên. Chúng tôi luôn mạnh dạn diễn miễn phí. Sân khấu Lệ Ngọc thì chị ấy rất chủ động tạo mối quan hệ cho những người dẫn trẻ đến. Nhà hát Tuổi trẻ làm chưa tốt việc đó. Cần làm sao để các trường, các bậc phụ huynh chia sẻ để các buổi biểu diễn cho thiếu nhi phục vụ được nhiều hơn cho các em.”
Vở nhạc kịch “Bầy chim thiên nga” do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, biểu diễn để phục vụ các em thiếu nhi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và chào đón mùa hè 2021 vừa ra mắt đã nhận được sự chào đón nhiệt tình của công chúng, đặc biệt là các em nhỏ. Nhưng vở nhạc kịch vừa công diễn được hai đêm, Nhà hát đã phải đóng cửa để phòng tránh dịch COVID-19, khiến ê kíp sản xuất và anh chị em nghệ sỹ rất buồn. - Ảnh: Báo Hà Nội mới.
|
Đầu tư lớn, mà diễn chỉ được trong những dịp hè, trung thu… nên không nhiều nghệ sĩ, đơn vị thích thú với mảng diễn này. NSUT Ngân Hạnh cũng phát biểu: “Sân khấu cho thiếu nhi phải lung linh, phải đẹp nên đầu tư không nhỏ. Đầu tư không nhỏ mà chỉ diễn được cho dịp Trung thu, 1/6 thì không thể đủ vốn… Cho nên, các nhà làm sân khấu thường thấy nản…”
Thực tế hoạt động của sân khấu cho thiếu nhi còn rất nhiều vấn đề. NSUT Xuân Bắc mong muốn: “Những người làm sân khấu chuyên nghiệp cần thay đổi nhận thức về làm sân khấu cho thiếu nhi. Tôi mong muốn nhiều người viết hơn nữa cho thiếu nhi, các nhà quản lý quan tâm nhiều hơn tới mảng diễn cho thiếu nhi, mong muốn thầy cô cũng định hướng cho các con để lựa chọn hình thức giải trí phù hợp và đặc biệt, tôi mong muốn các bậc phụ huynh đừng bỏ phí cơ hội cho con em mình đến một không gian nghệ thuật mà ở đó hướng tới những giá trị nhân văn căn bản để phát triển cho tương lai. Nếu có những sự đồng lòng ấy, thì tôi tin rằng, sẽ có nhiều sân khấu cho thiếu nhi.”
“Phải có một không gian riêng để tạo nên một chuỗi sự kiện đông thu hè… bốn mùa trong năm đều có những câu chuyện dành cho thiếu nhi. Các trường học tạo những sự kiện sân khấu học đường, tương tác với các đoàn nghệ thuật thì mới tạo được sân chơi cho thiếu nhi bền vững…” – nhà báo Vương Hà.
“Phải có chiến lược lâu dài, có sự kết hợp với các cơ quan như Hội nghề nghiệp, Bộ Văn hóa đứng ra liên kết để hình thành một sân khấu biểu diễn định kỳ cho khán giả thiếu nhi…” – nhà báo Bùi Việt Nga.