Triển lãm “Chạm”: Cách giao tiếp qua nghệ thuật của trẻ tự kỷ

(VOV5)- Vẽ tranh để giãi bày tâm hồn và là một kênh để trẻ tự kỷ giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trải qua những chặng đường rất dài và gian nan, các em mới có thể CHẠM tay vào nghệ thuật. Và những tác phẩmg được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở số 36, phố Lý Thường Kiệt, TP.Hà Nội đã minh chứng cho điều đó.
 

Triển lãm “Chạm”: Cách giao tiếp qua nghệ thuật của trẻ tự kỷ - ảnh 1

Nghe âm thanh bài viết tại đây.



Hơn 100 tác phẩm hội họa trong triển lãm mang cái tên rất gợi: CHẠM được chia thành 6 góc nhỏ, mỗi góc là một câu chuyện khác nhau của 6 người tự kỷ, trong đó có một người Nhật Bản 42 tuổi tên là Ujita Masato, còn lại là 5 em học sinh: Hà Đình Chí (12 tuổi), Phạm Bình Minh (14 tuổi), Nguyễn Gia Bảo (15 tuổi), Trịnh Hoàng Minh (14 tuổi) và Nguyễn Trung Hiếu (18 tuổi). Mỗi bức vẽ đều ẩn chứa thông điệp tình cảm, cảm xúc có trong mỗi tác giả, là những người tự kỷ. Đường nét, màu sắc trong tranh dường như đã thay cho những lời nói, kể lại những câu chuyện trong cuộc sống, những điều mà đôi khi người tự kỷ không thể kể lại bằng ngôn ngữ bình thường. Là người trực tiếp tham gia tuyển chọn những bức tranh để giới thiệu tại triển lãm lần này, hơn ai hết họa sĩ Lê Thiết Cương hiểu rất rõ năng khiếu và điều mà trẻ tự kỷ muốn gửi gắm qua hội họa: Tranh của các em bức nào cũng đẹp, bức nào cũng đầy nắng, đầy gió, đầy niềm vui. Một cái bảng màu, một cái hòa sắc vô cùng tươi tắn-cái điều mà ngay cả họa sĩ bình thường chưa chắc đã có được cái tinh thần lạc quan ấy. Cao hơn cả chuyện xấu đẹp đây là cách thức để các em chạm được vào tâm hồn của mình. Hội họa chính là con đường xuất phát từ trái tim của các em để đến với mọi người. Và từ mọi người lại quay về với mình. Đó mới chính là cái ý nghĩa quan trọng nhất của triển lãm này…"


Góp mặt trong triển lãm cùng 5 bạn nhỏ nước ta, chú Ujita Masato đem đến những bức tranh rất đẹp về loài vật như: Mèo, công, cú, ngựa vằn…Nếu như Nguyễn Trung Hiếu nổi bật ở mảng tranh phong cảnh với những bức như: “Cánh đồng lúa chín”, “Đường nắng”, “Sau vụ gặt”, “Đường mòn”…thì Nguyễn Gia Bảo lại tập trung ký họa chân dung về gia đình, bố mẹ, bạn bè hay thầy cô giáo.


Triển lãm “Chạm”: Cách giao tiếp qua nghệ thuật của trẻ tự kỷ - ảnh 2


Trường hợp của Hà Đình Chí (hay còn gọi là Nem), là một bạn vẽ tranh từ lâu và đã có riêng cho mình một triển lãm. Chị Nguyễn Lan Phương - mẹ của Hà Đình Chí cho biết: "Tôi nhận biết con vẽ rất tình cơ. Trước 5 tuổi cháu không nói chủ động. Cháu rất  hay lấy bút để vẽ nguệch ngoạc, và cháu rất thích bảng chữ cái abc… Ở nhà bố vẽ chữ a thì con thêm một nét thành chữ a, và khi bố vẽ chữ a thì con đòi vẽ tiếp chữ b. Con nhà tôi thì hay đi bệnh viện, nên khi bố vẽ ống nghe thì con đòi vẽ kim tiêm. Khi con vẽ tôi mới nhận ra khả năng tự duy của con có sự liên tưởng. Trước đây vì bạn ấy không nói nên không biết là khả năng bạn có liên tưởng tốt hay không. Nên khi mình thấy con vẽ thì khuyến khích con."

Trịnh Hoàng Minh rất thích sử dụng chất liệu acrylic để vẽ tranh. Cậu thường gửi gắm về ước mơ của bản thân, về thế giới tương lai qua tranh của mình. Song, trong rất nhiều tranh của Hoàng Minh, mẹ của cháu, chị Nguyễn Thị Minh Hiếu cho biết: "Tôi ấn tượng với giai đoạn mà cháu vẽ,  vạch một cái đây là bố, vạch một vạch đây là mẹ, vòng 1 cái đây là con gà, vòng 1 cái đây là con vịt.... tức là nét vẽ chưa hoàn chỉnh. Tôi hỏi con vẽ cái gì đây, thì con nói có bố có mẹ có ô tô chở cái này cái khác. Cảm động nhất là vẽ về gia đình. Rất là thích ô tô nên mong bố mẹ mua ô tô để cả nhà đi chơi. 
Đều là những nét vẽ chưa hoàn chỉnh nhưng nó thể hiện tình cảm của cháu…"


Cả hai chị Nguyễn Lan Phương và Nguyễn Thị Minh Hiếu đều cho rằng, vẽ là một kênh giao tiếp của các con với thế giới bên ngoài, và qua tranh các chị hiểu con của mình hơn: 
"Khi mà không có ngôn ngữ thì cái nhu cầu thể hiện rất cao. Các cháu vẽ như là một cách để thể hiện thế giới của các cháu. Qua bức tranh đấy thấy thế giới của các con thật là tuyệt vời. Con vẽ cầu mây để đi lên trên cao ngắm cảnh. Thế làm sao để lên được đây? Thì bảo là đi vào phòng gọi điện rồi các thiên thần kéo lên."
"Vẽ đối với Nem là nhu câu để các bạn ấy giao tiếp với thế giới, nhu cầu để các bạn ấy xả những hình ảnh trong đầu ra, và rõ ràng là khi vẽ thì Nem thoải mái hơn."

Như mẹ của Hà Đình Chí và Trịnh Hoàng Minh vừa chia sẻ thì, vẽ tranh cũng là một cách để giúp các em truyền tải thế giới của mình cho người khác biết. Ở chiều ngược lại, hội họa cũng chính là phương tiện để thế giới bên ngoài, trong đó có cả người thân của trẻ tự kỷ hiểu về đời sống nội tâm của các em.

Triển lãm “Chạm”: Cách giao tiếp qua nghệ thuật của trẻ tự kỷ - ảnh 3

Dừng rất lâu bên những tác phẩm tượng của Phạm Bình Minh, anh Lê Thùy Dương công tác ở Đại sứ quán Mỹ cho biết, anh cũng có con trai  mắc chứng tự kỷ. Cậu bé năm nay 12 tuổi và cũng có chút năng khiếu hội họa. Anh muốn con xem tranh của các bạn để con có niềm yêu thích hơn với bộ môn nghệ thuật này: "Tôi đến để con thấy là các bạn cũng có những nét giống con, cũng có thể làm được những điều rất tuyệt vời và thể hiện được tình cảm của các bạn ấy qua một hình thức khác mà ngôn ngữ của các bạn ấy không dễ dàng (hể hiện được). Các bạn vẽ rất đẹp, đặc biệt là về màu sắc, ấn tượng mạnh. Có lẽ là những người tự kỷ có những cách thể hiện tình cảm, thể hiện cảm nhận về thế giới hơi khác một chút, nhưng đều rất là đẹp."

Triển lãm “Chạm”: Cách giao tiếp qua nghệ thuật của trẻ tự kỷ - ảnh 4


 Còn chị Kim Anh công tác ở Bộ Xây dựng đưa con gái đến tham quan triển lãm với mong muốn cho con xem tranh để từ đó con hiểu và chia sẻ đồng cảm với các anh-những người có số phận không may mắn: "Các bạn vẽ với trí tưởng tượng rất phong phú. Máu sắc rất là mạnh, xanh đỏ vàng rất là tương phản rõ ràng. Các bạn vẽ thậm chí còn giỏi hơn cả người lớn. Thông qua tranh, các bạn ấy giới thiệu với cộng đồng tài năng của các bạn, chia sẻ với những suy nghĩ của các bạn…"


Đằng sau sự thành công của triển lãm là sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của các gia đình có người tự kỷ. Phải rất giàu lòng yêu thương và niềm tin vào con mình, rất nhiều khao khát con được sống có ý nghĩa và hạnh phúc, các cha mẹ  mới có thể đầu tư nhiều thời gian, công sức, vật chất, để con học được cách thể hiện bản thân, cách giao tiếp qua nghệ thuật. CHẠM vào một thành công nho nhỏ, cũng có nghĩa là CHẠM vào niềm hy vọng rất lớn của người tự kỷ: được sống bình thường, học và làm việc, có thu nhập từ những sản phẩm của chính mình, hòa nhập và đóng góp cho xã hội, khẳng định sự tồn tại của bản thân trong thế giới nhân văn  như mong muốn của họa sĩ Lê Thiết Cương: "Qua triển lãm này nó mở ra được nhiều vấn đề. Thứ nhất là tấm lòng mọi người quan tâm hơn đến các cháu. Thứ hai là xã hội phải tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cháu hòa nhập…Những bức tranh và tượng của các cháu phải đi vào đời sống một cách hiện hữu và cụ thể, ví dụ in trên áo hay  những vật phẩm lưu niệm…"


CHẠM mong mỏi MỞ được cảm xúc và vòng tay đón nhận của cộng đồng! Triển lãm kéo dài đến hết ngày 12/3.  Mời các bạn hãy đến tham quan triển lãm để qua tranh có thể cảm nhận phần nào về thế giới nội tâm của trẻ tự kỷ. Bởi, nghệ thuật chính là cánh cửa đi vào thế giới thực và cũng chính là tâm hồn của các em. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác