Triển lãm khắc gỗ Kịch bản đương đại

(VOV5) Triển lãm khắc gỗ Kịch bản đương đại, triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ đồ họa Phạm Khắc Quang với sự tài trợ của Quỹ phát triển và giao lưu văn hóa thuộc Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội sẽ khai mạc vào 17h30 ngày 27/11/ 2011 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên có một triển lãm mỹ thuật với chất liệu khắc gỗ truyền thống nhưng đề cập trực diện đến cuộc sống của người nông dân Việt Nam hôm nay. Triển lãm giới thiệu một sáng tác nghệ thuật sắp đặt với 1.000 bản khắc gỗ chân dung người nông dân.

Triển lãm khắc gỗ Kịch bản đương đại - ảnh 1   Tác phẩm Làng văn hóa

Cụ thể, triển lãm được chia làm được chia làm hai phần. Phần thứ nhất là chùm 10 bức tranh khắc gỗ màu với kỹ thuật khắc phá bản, thể hiện suy ngẫm của tác giả trước nhiều vấn đề xã hội trong cuộc sống nông thôn hiện nay. Tác giả đã đưa chú Tễu - nhân vật dẫn chuyện trong các tích trò rối nước dân gian - đến với cuộc sống đương đại, làm nhân vật chính trong các câu chuyện thời cuộc. Tễu có khi là một thương lái, một doanh nhân lừng lững và viên mãn giữa chợ người - chợ đời. Cũng có khi, Tễu lại vẫn là người nông dân hóm hỉnh, ý vị trong mối quan hệ cộng đồng làng xã, cùng nhau làm mùa, cùng nhau vui chơi. Nhưng cũng là người nông dân ấy với nụ cười vô ưu đang bày bán một góc tài sản tinh thần của làng mình, của chính mình - hình ảnh "cây đa bến nước sân đình" - ngay nơi chợ quê. Cái cười vô ưu của Tễu là để che giấu nỗi đau, sự bất lực trước sức cám dỗ và sự xô ép của nhu cầu vật chất hay cũng là cái cười tự bằng lòng? Bên cạnh việc sử dụng thủ pháp đa nhân cách hóa nhân vật chính - chú Tễu một cách thông minh, họa sĩ cũng cẩn trọng và tỉ mỉ trong kỹ thuật khắc gỗ. Bố cục tạo hình chặt chẽ giúp biểu đạt rõ ràng thông điệp xã hội của tác giả.

 Triển lãm khắc gỗ Kịch bản đương đại - ảnh 2
                                         Tác phẩm Thở

Phần tiếp theo là một sáng tác sắp đặt tiêu đề Thở. Trên 30m2 nền với một số chất liệu được xử lý tinh tế, đem lại cảm giác về một mảnh ruộng quê, tác giả đặt lên 1.000 bản khắc chân dung người nông dân ở đa dạng lứa tuổi. Các chân dung được khắc trên bề mặt rộng nhất (7cm x 9cm) của chiếc xẻng gỗ - vật dụng quen thuộc trong căn bếp gia đình; những nét khắc tỉ mỉ, giàu cảm xúc đã giúp thể hiện một cách sống động chân dung người nông dân hôm nay./.

Các tin/bài khác