(VOV5) - "Điềm đạm và kiên định, ông đang trên con đường của mình, ở một lối đi trên núi vắng người mà vẫn thấm đẫm tâm tình nhân thế..."
Sáng 11/1, họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn) có buổi trò chuyện trực tiếp và trực tuyến, giới thiệu sách “Vẽ gì cũng là tự họa”, cuốn sách chia sẻ những kỷ niệm trong hơn 60 năm đi vẽ của họa sĩ; hay nguồn cảm hứng mà ông có được khi cầm cọ. Sự kiện có sự tham gia của các khách mời: Họa sĩ Thành Chương, giám tuyển Vân Vi, nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sĩ Phạm Bình Chương.
Quang cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: Omega Plus. (Từ trái qua: Họa sĩ Phạm Bình Chương, họa sĩ Thành Chương, họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ, giám tuyển Vân Vi, nhà điêu khắc Đào Châu Hải) |
Dịch giả Trịnh Lữ, lừng lẫy với những bản dịch kinh điển Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Rừng Nauy, Utopia, Biển… , còn được giới nghệ thuật nhắc tới với tay nghề hội họa bậc thầy trong phong cách vẽ hiện thực. Tranh của ông đã đến với nhiều bộ sưu tập tư nhân.
Sách tranh Vẽ gì cũng là tự họa của họa sĩ Trịnh Lữ |
Lần này, cuốn sách mỹ thuật ghi lại 60 năm vẽ tranh vừa ra mắt và triển lãm cá nhân của ông đều lấy tên “Vẽ gì cũng là tự hoạ”. Họa sĩ Trịnh Lữ chia sẻ: "Tôi có may mắn là không phải đi tìm bản thân mình ở đâu hết. Tôi cứ sống tự nhiên thế. Cái gì mình làm ra chân thực thì cũng bộc lộ con người mình rồi. Cuốn sách của mình cũng nói như vậy, đúng là vẽ gì cũng là tự họa, không trốn tránh được. Trong chương cuối, thực ra chưa đến một trang, tôi cũng có nói qua: chủ đề này Leonardo Da Vinci đã nói, rồi rất nhiều những người khác, nhưng tất cả những người phương Tây viết thì mình vẫn cảm thấy chưa đúng với mình lắm, chưa đúng lối nghĩ của mình.
Cuối cùng khi tôi dịch cuốn Hội họa Trung Hoa, gặp được cụ Quách Nhược Hư ở bên Tàu cách đây hàng nghìn năm - đoạn ấy cụ Lâm Ngữ Đường đã trích trong sách - đoạn ấy người Trung Hoa nói rất gần với mình, một cách đơn giản là: cái tâm của mình như thế nào thì từ ý nghĩ của mình cũng phản ảnh cái đấy, lời nói của mình cũng là âm thanh của tâm, rồi trực tiếp nhất, mạnh mẽ nhất là chữ viết và tranh vẽ, những nét vẽ và viết là trực chỉ từ trong tâm của mình ra. Không thể nào tránh được người ta sẽ nhìn thấy con người mình ở đấy, cho dù mình là một kẻ phàm phu hay là một nhà trí giả. Khi nghĩ về chữ này, tôi lại nghĩ đến một chủ đề khác có liên quan: là quan hệ giữa cái "Ngã" của mình và công việc làm nghệ thuật như thế nào."
Họa sĩ Trịnh Lữ, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn học hội họa và thiết kế từ nhỏ với bố là họa sĩ nổi tiếng Trịnh Hữu Ngọc (khóa 9 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) và mẹ là họa sĩ Nguyễn Thị Khang. Sau này ông tu nghiệp thêm về hội họa và tâm lý học thị giác ở Đại học Cornell (1992-1994); hội họa, lịch sử và phê bình mỹ thuật tại Đại học Wisconsin ở Milwaukee (2014-2018) tại Hoa Kỳ.
Tranh của họa sĩ Trịnh Lữ - Ảnh: The Muse Art Space |
Nhưng, nói như họa sĩ Thành Chương tại cuộc trò chuyện ra mắt sách thì: "Chân truyền thì đúng. Cả một dòng họ, cả gia đình văn hóa và nghệ thuật rất nổi tiếng Hà Nội từ thời Pháp cho đến tận bây giờ vẫn rất nổi tiếng. Và hậu sinh còn khả úy, còn làm được nhiều việc hơn. Đấy là cái phúc của gia đình họ Trịnh. Nhưng nếu như chỉ có chân truyền thôi cũng chưa đủ. Thực ra tự học cũng là cái không thể thiếu được trong con người cũng như trong công việc. Tôi luôn luôn nghĩ cái gốc của sự học chính là tự học. Nếu không tự học, không lao động, làm việc thì không bao giờ có một kết quả như thế này được, dù có là trong gia đình chân truyền nghề nghiệp. Khi mở cuốn sách, tôi rất bất ngờ. Vì tôi không nghĩ là sự nghiệp lại dày dặn như thế này - tôi không nói là đồ sộ hay là lớn lao - mà là dày dặn. Tôi nghĩ anh Trịnh Lữ cũng vẽ, cũng chuyên nghiệp, nhưng ngoài cái đó ra, quả thật có một bề dày rất đáng nể."
Một góc triển lãm của họa sĩ Trịnh Lữ tại The Muse Art Space - Ảnh: Omega Plus |
Triển lãm cá nhân đầu tiên của Trịnh Lữ tổ chức năm 1993 tại Upstair Gallery ở Ithaca và tờ nhật báo Ithaca Journal khi ấy bầu chọn ông là "Nghệ sĩ của năm". Triển lãm cá nhân thứ hai cũng tại Ithaca, do Artifax Gallery tổ chức năm 1994. Các ấn phẩm thiết kế của ông đã từng dùng tại Quỹ Dân Số Liên Hợp Quốc tại New York.
Năm 2015, ông trưng bày 67 bức tranh tại phố cổ Hàng Đồng. Đại sứ Mỹ Ted Osius đã đến đọc diễn từ khai mạc cuộc trưng bày này, coi đây là một hoạt động văn hoá tự phát đặc biệt có ý nghĩa đánh dấu 20 năm ngày nối lại bang giao Việt-Mỹ.
Tranh Sen của họa sĩ Trịnh Lữ |
Nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhớ lại: "Tôi quen anh Trịnh Lữ cũng rất tình cờ. Cách đây cũng bảy, tám năm, tôi đi ngang qua phố cổ. Ở đấy có một triển lãm mỹ thuật đề tên anh Trịnh Lữ trong một địa chỉ rất nhỏ và khiêm tốn, tầng trệt của một khách sạn mini. Tôi tự vào chứ cũng không được mời.
Xem tranh tôi cảm thấy ngay là có một cái gì đấy rất hấp dẫn và đúng suy nghĩ của mình. Người họa sĩ này đang làm việc giản dị nhưng đúng nhất theo quan điểm của ông ấy. Cái mà chúng ta vẫn tự hỏi là: nghệ thuật để làm gì, hay như câu ngày hôm nay của anh Trịnh Lữ "vẽ gì cũng là vẽ chính mình", thì lần ấy tôi nhận ra, là từ lâu lắm, tôi mới nhìn thấy có một ông họa sĩ tôi không được biết đến mà lại vẽ theo quan điểm rất giản dị và chuyên nghiệp. Đấy là điều tôi ít thấy Việt Nam, lại là người không quen biết.
Hôm ấy vào xem tôi gặp một người quen là họa sĩ Trịnh Tú. Ông Trịnh Tú giới thiệu Trịnh Lữ là anh, tôi mới biết. Còn gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cũng như Trịnh Tú tôi được biết từ thời còn rất trẻ.
Điều tôi ngạc nhiên, là tại sao ở Việt Nam lại có một họa sĩ vẽ theo quan điểm này. Thực ra có rất nhiều những định nghĩa về hội họa, về nghệ sĩ. Thí dụ như "vẽ gì cũng là chính mình" chỉ là một vế thôi chứ không phải là tất cả. Có những người không phải là như vậy. Có những người thực hiện con đường nghệ thuật của họ theo rất nhiều cách khác nhau. Anh Trịnh Lữ là một sự lựa chọn đúng với cá nhân mình."
Họa sĩ Trịnh Lữ sáng tác tranh - Ảnh: Tre Book Lag |
Họa sĩ Phạm Bình Chương thuật lại một lần quan sát Trịnh Lữ khi ông vẽ tranh chân dung: "Khi chú bắt đầu vẽ, cảm giác như không vội vàng gì cả và chú vẫn nói chuyện với tôi. Tôi đã xem các ký họa chân dung của chú. Tôi nghĩ ngồi chắc chắn không dưới hai tiếng thì may ra mới có được một bức chân dung như những bức tôi được xem. Nhưng không ngờ là mười, mười lăm phút sau chú bảo: Chương ơi xem này. Tôi giật mình. Hóa ra chú làm việc rất nhanh. Chú vẽ như chơi và gần như không có sửa, không có tẩy, rất ít, cái tẩy chỉ là để tạo chất thôi.
Đúng là một con người nghiên cứu, khoa học, người dịch thuật và con người làm việc rất bài bản, nên cách làm việc khoa học, nhanh. Nên việc làm được một cuốn sách đồ sộ như thế này không quá ngạc nhiên, nếu đã được tiếp xúc với chú Trịnh Lữ. Thực sự nhiều người biết đến Trịnh Lữ là một dịch giả nổi tiếng ở Việt Nam, về sau mới biết ồ hóa ra chú cũng vẽ à, ví dụ thế. Đó chính là cái tài hoa của một con người."
Họa sĩ Trịnh Lữ tại buổi khai mạc triển lãm tranh Vẽ gì cũng là tự họa - Ảnh: The Muse Artspace |
Từ ngày 4 - 11/1, tại The Muse Artspace diễn ra triển lãm tranh của hoạ sĩ Trịnh Lữ với tên gọi Vẽ gì cũng là tự hoạ. Đây là triển lãm cá nhân hiếm hoi mà họa sĩ Trịnh Lữ tổ chức tại Hà Nội. Các bức tranh của ông được trưng bày theo 3 mảng chính: tranh phong cảnh, tranh chân dung và tranh tĩnh vật theo phong cách “bức tường tranh”, được các nhà tổ chức thiết kế gần giống như không gian trưng bày tranh trong ngôi nhà ấm cúng của họa sĩ ở 108 Quán Thánh.
Trên trang cá nhân, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận xét: “ Mặc dù hoạ sĩ Trịnh Lữ chỉ gọi sự kiện này là “trưng bày tranh”, nhưng với việc giám tuyển Vân Vi chọn lựa 47 bức tranh với bốn mảng về: tranh chân dung, phong cảnh, tĩnh vật và xã hội để trưng bày tại The Muse Artspace thì đây thực sự là một triển lãm cá nhân nổi bật vào những ngày trước Tết của Hà Nội."
Một góc triển lãm Trịnh Lữ - Ảnh: The Muse Art Space |
“Vẽ gì cũng là tự họa” - là cuốn sách khởi đầu Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của Omega Plus, ra mắt trong dịp triển lãm này . Bà Trần Hoài Phương, giám đốc sản xuất công ty sách Omega cho biết: “Cuốn sách được họa sĩ gọi giản dị là “vựng tập” nhân dịp dự định triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật, được biên soạn với ý định khiêm nhường “ra một cuốn sách nhỏ, có cả tranh cũ tranh mới, cùng dăm câu ba điều về việc vẽ nên chúng trong suốt hơn sáu chục năm qua.” Nhưng khi đọc bản thảo, chúng tôi cảm thấy đây không còn chỉ là “những câu chuyện riêng” của họa sĩ, mà trong tổng thể, cuốn sách gợi ý về một cách tiếp cận nghệ thuật giản dị và rất gần con người, hay, như chính lời của Họa sĩ Trịnh Lữ về cuốn sách của Gombrich: Để nghệ thuật không còn là “thứ hù dọa con người”.
Đánh giá “Trịnh Lữ là mẫu người duy mỹ đặc biệt mà tôi được biết”, nhà điêu khắc Đào Châu Hải cho rằng: "Tại sao anh ấy vẽ những bức tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung mà mình thấy thích? Là bởi vì nhìn thấy trong đó anh ấy trung thực với cái nhìn của chính mình. Mà cái sự nhìn ấy được biểu hiện ra bằng ngôn ngữ và phong cách hội họa của anh ấy chứ không phải là của ai. Chính là câu mà chúng ta nhìn thấy: "vẽ là vẽ chính mình". Hơn nữa, những người vẽ như thế này, theo cách này, là người ta đã lựa chọn một cách sống cho mình, lựa chọn cách nhìn, cách nhận thức của mình với thực tại khách quan."
Bà Trần Hoài Phương giới thiệu với họa sĩ Phạm Bình Chương và Thành Chương về tủ sách - Ảnh: Omega Plus |
Và nhiều bạn đọc, người yêu tranh Trịnh Lữ chia sẻ nhận định này của bà Trần Hoài Phương: “Với tôi, một độc giả, phía sau vốn học vấn phương Tây với một “kho hiểu biết” về chất liệu, kĩ thuật, lối vẽ, lịch sử, triết học…, thì Họa sĩ Trịnh Lữ cốt lõi vẫn là một hiền giả kiểu phương Đông, một người đứng ngoài các trào lưu thời cuộc, một người không mấy bận đến các phong trào thời thượng, các xu hướng mới, cũng không có cái áp lực của việc phải khẳng định một điều gì đó.
Trong tranh, sách, hay trong đời sống, ông vẫn nhất quán như vậy. Điềm đạm và kiên định, ông đang trên con đường của mình, ở một lối đi trên núi vắng người mà vẫn thấm đẫm tâm tình nhân thế, con đường như trong câu thơ của Vương Duy mà ông tâm đắc: “Những lối đi trên núi không thấy có mưa rơi. Thế mà những giọt khí mầu xanh khiến cho áo người ẩm ướt”.