Truyện kinh dị thuần Việt – Từ bản địa tới toàn cầu - Phần 1: Tính bản địa, một nhu cầu của văn học đương đại

(VOV5) - Thời gian qua, văn học trẻ nước nhà đã có nhiều tín hiệu đáng mừng với sự xuất hiện của các cây bút trẻ. 

Ở địa hạt của truyện kinh dị, họ đã ngày một khẳng định được mình, nhất là với việc khai thác các yếu tố bản địa từ bối cảnh, nhân vật, phong tục tập quán lẫn ngôn ngữ. Vậy tính bản địa là gì? Tại sao tính bản địa lại được chú ý trong bối cảnh đương đại? Tính bản địa được khai thác ra sao trong các tác phẩm kinh dị thuần Việt gần đây?

Nghe âm thanh bài tại đây:
Sau sự lên ngôi của truyện ngôn tình, trinh thám, kinh dị nước ngoài…, trong những năm gần đây, “làng” xuất bản nước nhà tiếp tục đón nhận một làn sóng mới từ truyện kinh dị thuần Việt. Từ những đơn vị quen mặt như Nhã Nam, Đinh Tị, Bách Việt… đến những tân binh như Linh Lan Books, Viva Books, Sao La Books… đã liên tiếp cho ra mắt các đầu sách khai thác các câu chuyện kinh dị bản địa.
Truyện kinh dị thuần Việt – Từ bản địa tới toàn cầu - Phần 1: Tính bản địa, một nhu cầu của văn học đương đại  - ảnh 1Một số tác phẩm văn học kinh dị Việt được xuất bản gần đây - Ảnh: ngaynay.vn

Dĩ nhiên, việc khai thác tính bản địa không phải là vấn đề mới trong văn chương nghệ thuật. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi các cây bút trẻ đã quen với việc học và đọc tiếng nước ngoài còn nhiều hơn tiếng mẹ đẻ, câu chuyện này đã ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và thường gắn liền với từ khóa “thuần Việt”.

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, Giảng viên Bộ môn Công nghiệp Văn hóa và sáng tạo, Khoa Các khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, mặc dù ở góc độ lí luận, cần thận trọng khi sử dụng khái niệm “tính bản địa” hay “thuần Việt” nhưng về cơ bản, vẫn có thể coi “tính bản địa” là “những nét đặc sắc, phổ biến, dễ nhận diện trong cộng đồng”: “Trên thế giới những cái chúng ta gọi là tính bản địa cũng có thể được phóng chiếu bằng các từ khóa khác, có thể là những từ chỉ về tính địa phương, tính quốc gia, tính dân tộc v.v. Nhưng ở Việt Nam, khi nói chuyện về tính bản địa mà liên quan đến các sản phẩm văn hóa thì cái cách chúng ta đang dùng “tính bản địa” ở Việt Nam ôm vào tất cả những cái gì thuộc về Việt Nam hay là thuộc về địa phương, hoặc là thuộc về dân tộc, cố gắng khái lược thành những nét đặc trưng có thể nhận diện được, khi mà nhìn về có thể là về văn chương, văn hóa hoặc truyền thống của quốc gia, dân tộc hay là của khu vực đó nhưng với một tinh thần cởi mở, nghĩa là nhìn tính bản địa như là những điểm dễ nhận thấy, phổ biến ở trong cộng đồng. Còn gọi là thuần Việt hay không thì cũng cần phải tiếp cận một cách thận trọng và cởi mở.”

Từ góc độ soi chiếu này, có thể hiểu việc khai thác tính bản địa trong văn chương nói chung và truyện kinh dị nước nhà nói riêng là việc viết một câu chuyện quen thuộc với cách cảm, cách nghĩ của người Việt; trong đó, tác giả tạo được sự thân thuộc về bối cảnh, nhân vật, phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói… Điều này có thể không khó với thế hệ đi trước. Nhưng với các tác giả trẻ sống trong bối cảnh thế giới phẳng, lớn lên trong phim Mỹ và truyện tranh Nhật, viết làm sao cho gần gũi, thân thuộc, cho ra “chất” vùng miền hoặc dân tộc lại là một câu chuyện không hề dễ dàng.

Nhà văn Phan Mai Hương, Tổng biên tập Tạp chí Đường Văn, nhận định: “Thế hệ trẻ bây giờ tôi ngưỡng mộ các bạn ấy bởi năng lực sử dụng ngoại ngữ, sử dụng công nghệ thông tin. Các bạn có thể cập nhật thông tin rất nhanh và nhanh hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều. Nhưng nhược điểm của các bạn, tôi có thể nói luôn là sử dụng tiếng Việt không tốt. Bằng chứng là cách nói hay cách nghĩ của các bạn đều theo phong cách ngoại ngữ. Đôi khi, họ nói tiếng Việt hay dùng tiếng Việt, kể cả viết tiếng Việt nữa, giống như dịch chứ không phải sử dụng tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng để lấp đầy được chỗ trống này là một quá trình học hỏi lâu dài đối với các bạn trẻ. Muốn sử dụng ngoại ngữ tốt, có hiệu quả, trước hết, các bạn nên sử dụng tiếng Việt thật tốt, thật nhuyễn. Khi có thêm sự trợ giúp của ngoại ngữ nữa thì các bạn ấy sẽ rất hoàn hảo.”

Chia sẻ quan điểm này, nhà phê bình văn học, TS. Trần Ngọc Hiếu đã đúc kết: “Người viết trẻ ngày nay nên nghĩ toàn cầu, làm địa phương”.

Hoặc nói như PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Trưởng khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội, việc học hỏi từ văn chương quốc tế là cần thiết nhưng nhà văn cũng phải giữ được “chất liệu, hồn vía, tâm thức… của người Việt”: “Trong công việc đào tạo ra những người làm nghề viết văn, chúng tôi nhấn mạnh điểm đầu tiên là phải học các ngón nghề của phương Tây. Đây là những cái nôi văn chương lớn của nhân loại nên những ngón nghề hiện đại hôm nay, tức là những thủ pháp văn chương, thì phương Tây là một nguồn gợi ý rất tốt. Nhưng về mặt chất liệu, hồn vía, văn hóa, chiều sâu và tâm thức của người Việt thì các bạn phải chú ý nâng niu. Những người nào có gốc gác thuộc về một dân tộc cụ thể nào đó, nhất là những dân tộc ít người ở vùng cao chẳng hạn, thì đấy là một điều may mắn.

Và chúng tôi luôn nhấn mạnh việc các bạn phải giữ được những cảnh sắc, chất liệu, cái hồn vía của những người miền núi nhưng phải được phân tích bằng cái nhìn sắc sảo của tri thức hiện đại ngày hôm nay, cộng với những ngón nghề, những thủ pháp hiện đại của phương Tây. Nếu ta nhuần nhuyễn được mấy cái đó thì các bạn sẽ thắng. Còn đối với những người không thuộc các dân tộc thiểu số ít người chẳng hạn thì chúng tôi vẫn luôn nói rằng văn chương phải có căn cước. Ở đây có hai thứ căn cước: căn cước cá nhân, tức là anh phải có cá tính, anh phải có vân chữ như cách nói của nhà thơ Lê Đạt vào trang viết của mình và căn cước dân tộc.”

“Nghĩ toàn cầu, làm địa phương” có thể trở thành slogan (khẩu hiệu) cho người viết trẻ ở thời điểm hiện tại, nhất là khi họ tiến vào sân chơi của thể loại kinh dị, vốn là lãnh địa của văn học dịch. Tuy nhiên, làm thế nào để “nghĩ toàn cầu, làm địa phương” vẫn là một thách thức không dễ chinh phục.

Tác giả Đức Anh, đại diện tiêu biểu của lực lượng sáng tác trẻ, đồng thời là người đồng sáng lập Công ty Linh Lan Books, thừa nhận: “Quay lại với câu chuyện bản địa, tôi nghĩ đó là nhu cầu tự nhiên của tất cả các nhà văn trẻ sau một thời gian học hỏi từ nước ngoài. Và đương nhiên là có rất nhiều những khó khăn về cách tư duy như người Việt Nam, lời ăn tiếng nói của người Việt Nam, hay có những yếu tố gọi là tế nhị, thì chúng tôi phải sát với hiện thực đời sống hơn, khai thác nhiều góc độ hơn. Các dòng truyện giải trí của Việt Nam với thế hệ tác giả bây giờ là rất nhiều. Chúng tôi nhận được một lượng bản thảo cực kỳ lớn.

Tuy nhiên, có một yếu tố để chúng tôi đánh giá bản thảo có tốt hay không: kinh dị hay truyện dã sử cũng không phải là quá khó, trong quá trình đọc, phần cốt truyện, phần câu chuyện có thể sửa được; nhưng phần đầu tư về mặt văn hóa là yếu tố tiên quyết để chúng tôi lựa chọn xuất bản. Với thị trường, với nhu cầu độc giả bây giờ thì bản thân một tác phẩm có những câu chuyện đó được kể một cách tươi mới, trẻ trung là đã đảm bảo một lượng xuất bản và một lượng bán rất an toàn rồi.”

Truyện kinh dị thuần Việt – Từ bản địa tới toàn cầu - Phần 1: Tính bản địa, một nhu cầu của văn học đương đại  - ảnh 2Tác phẩm của nhà văn Thảo Trang.

Bên cạnh việc học những thủ pháp, “ngón nghề” từ văn học thế giới, các yếu tố thuần Việt, bản địa đã ngày càng khẳng định sức hút của mình trong thị trường văn học nước nhà. Trong địa hạt của truyện kinh dị, sự thành công gần đây của một số tác giả trẻ như Thảo Trang, Thục Linh, Trường Lê… khi khai thác các yếu tố tâm linh mang tính bản địa đã đem đến nhiều hi vọng cho cả người đọc lẫn người viết về các tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giúp quá trình “xuất khẩu” văn chương thêm phần khởi sắc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác