(VOV5) - Sáng kiến này sẽ kết nối cộng đồng, đặc biệt là kết nối người đọc đến ngay với người làm sách...
Mấy năm trở lại đây, nhiều hoạt động kết nối sách và bạn đọc được tổ chức trên cả nước, đặc biệt là Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức thương niên, trở thành hoạt động văn hóa thiết thực, tôn vinh giá trị, khẳng định vai trò , vị trí và tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Một trong những hoạt động có ý nghĩa đó, là dự án “Tủ sách đời người - Tinh tuyển cho người Việt” của công ty Cổ phần sách Omega Việt Nam, với dự định đưa ra những giải pháp, cách thức cụ thể, thiết thực giúp độc giả tự xây dựng được thói quen đọc sách, biết cách chọn lọc tủ sách cho gia đình.
Tọa đàm ra mắt Tủ sách đời người của Omega Plus. |
Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khẳng định đây là hoạt động ý nghĩa hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) và đánh dấu 5 năm thực hiện đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” do Thủ tướng phê duyệt năm 2017.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh: "Đấy là một yếu tố cốt lõi trong văn hóa của con người . Làm thế nào để việc đọc trở thành một thành tố trong cuộc sống, hằng ngày chúng ta có nhu cầu đọc, và đọc trở thành một nhu cầu thiết thân. Một trong những yếu tố rất quan trọng trong Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định nhiệm vụ giải pháp là xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong gia đình, hình thành nên những tủ sách gia đình. Điều này tôi nghĩ là kế thừa truyền thống văn hóa của người Việt. Trong nền tảng của các cụ khi dạy con thì có một câu rất hay , đó là "Dưỡng tử giáo độc thư/ Thư trung hữu kim ngọc, có nghĩa là nuôi con, dạy con đọc sách bởi vì trong sách có Kim Ngọc.
Chia sẻ về Dự án “Tủ sách Đời người”, bà Trần Hoài Phương - Giám đốc Sản xuất Omega Plus cho biết: Với tư cách là đơn vị xuất bản, Omega Plus mong muốn đóng góp vào tiến trình chung này bằng những hành động cụ thể: "Đó chính là lý do chúng tôi nghĩ đến ý tưởng về Tủ sách đời người. Với dự án Tủ sách đời người chúng tôi mong muốn cùng đi tìm câu trả lời cho hai câu hỏi. Thứ nhất, đó là nếu trong suốt hành trình phát triển của mỗi con người., nếu xem sách như là một người bạn gần gũi, gắn bó mật thiết và có sự song hành cùng con người trong hành trình hoàn thiện nhân cách, vậy thì có những cuốn sách nào là thiết thân và giá trị bền lâu, để có thể yên tâm tin tưởng bầu bạn cùng chúng ta? Hay nói một cách ngắn gọn đó là đọc gì? Đọc gì như là trong sách có biểu tượng cái cây chính là một biểu tượng về cuộc đời con người. Nó có quá trình từ gốc rễ đến khi trưởng thành đến khi già đi.
Ở đây chúng tôi xuất phát từ cái nhìn xem sách là một người bạn song hành cùng với sự phát triển, sự bồi đắp tâm hồn, phẩm cách của mỗi con người ,và đương nhiên rộng ra là mỗi quốc gia. Câu hỏi thứ hai, chúng tôi cho rằng khó hơn và phức tạp hơn. Đó là câu hỏi: Đọc như thế nào? Và làm sao để gây dựng được thói quen đọc sách? Và khó hơn nữa là: Làm sao để duy trì được việc đọc, sự đọc như là một điều thiết thân trong cuộc sống của mỗi người? Đấy cũng là một câu hỏi mà chúng tôi cho rằng việc chỉ đưa ra một danh mục sách chưa đủ." - Bà Phương khẳng định
Những thành viên Ban cố vấn Tủ sách đời người. |
Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng: "Sáng kiến này sẽ kết nối cộng đồng, đặc biệt là kết nối người đọc đến ngay với người làm sách, không chỉ Omega mà cả những người làm sách hiện nay. Những nhà xuất bản, những người đang đi tìm ra những cuốn sách có thể mong muốn xây dựng giá trị của người Việt, đồng thời cũng xây dựng những người Việt có phông nền tri thức có giá trị phổ quát của nhân loại. Để sau này khi khi các em lớn lên, khi cuộc sống thay đổi thì các em sẽ rất tự tin khi chúng ta có những giá trị Việt trong mình nhưng đồng thời chúng ta cũng hòa nhập rất nhanh với thế giới."
Xoay quanh mục tiêu xây dựng, phát triển thói quen, nề nếp đọc cho người Việt, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương chia sẻ: "Chúng ta nói nhiều về ham học, ham đọc. Nhưng xuyên suốt lịch sử của Việt Nam chúng ta chỉ có một nhóm nhỏ, rất nhỏ bên trên đọc sách và trao đổi với nhau về sách. Cái mắc nhất của Việt Nam chúng ta là tư tưởng tiến bộ của một nhóm tinh hoa phía trên không đến được đại chúng để đại chúng để đại chúng vật chất hóa nó thành sản xuất, thành lối sống, thành tư tưởng, thành sản phẩm và ảnh hưởng. Suy ngẫm mà xem, năm 145 ta có 5 % dân số biết chữ. Trong 5 % đó bao nhiêu người đọc sách và đọc sách gì?
Khi ở Nhật tôi về dạy lớp chất lượng cao của Khoa Lịch sử trường Sư phạm, khảo sát sẽ thấy là nho sĩ đọc sách xong chỉ trao đổi với nhau, viết mấy câu thơ, viết cuốn sách trao đổi cho bạn mình, nhưng các cụ không nghĩ làm thế nào để xuất bản cho tất cả nghìn người, vạn người đọc. Cái này ta thua người Nhật. Nước Nhật thế kỷ 18,19 các thành phố lớn như Tokyo và Kyoto đã có đến 50% dân số biết chữ và có thể đọc sách. Nên sách của Fukuzawa Yukichi Phúc ông tự truyện mới bán được một triệu bản vào thế kỷ 19. Trong khi sách của chúng ta hiện nay, nếu sách thị trường chưa cuốn nào đạt được 1 triệu bản. Ở Nhật Bản như cuốn Phẩm cách quốc gia (tôi đã dịch), 6 tháng đầu tiên bán được 3,6.triệu bản. Lý do là vì Việt Nam thiếu một tầng lớp mà ông Nguyễn Triệu Luật đầu thế kỷ 20 gọi là trí thức phổ thông, những người coi việc đọc sách như cơm ăn, nước uống như một sinh hoạt thường ngày. Khi mà thiếu tầng lớp như vậy, ta tưởng tượng một ngôi nhà muốn lên cao phải có nền móng rất tốt - chúng ta thiếu họa sĩ xuất sắc, thiếu nhà văn xuất sắc, thiếu những người đoạt giải Nobel vì nền tảng của chúng ta thấp hơn các nước khác, tôi có thể thẳng thắn nói một điều như vậy. Trong một triệu người đọc sách sẽ có một vài nhà văn xuất sắc, trong 10 triệu sẽ khác và 100 triệu dân sẽ là khác."
Như chia sẻ của bà Trần Hoài Phương, với mục tiêu cùng cộng đồng chung tay xây dựng tủ sách tinh tuyển tối thiểu 100 đầu sách kinh điển, có giá trị và sức sống lâu bền, phù hợp với nhiều thế hệ người đọc nhằm cung cấp cho độc giả Việt danh mục đầy đủ những cuốn sách đáng đọc nhất trong từng giai đoạn cuộc đời, góp phần lan tỏa văn hóa đọc tới từng gia đình, từng cá nhân, Omega Plus chính thức phát động Cuộc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời”.
Đơn vị tổ chức gợi ý 7 tủ sách nhỏ để bạn đọc có thể dễ dàng đề xuất danh mục sách theo chủ đề bao gồm: Dành cho thiếu nhi, Văn học kinh điển thế giới, Văn học Việt Nam, Phát triển bản thân, Phong tục - Tập quán, Văn hóa - Giáo dục, Lịch sử - Tư tưởng. Ban cố vấn sẽ là “bộ lọc” cuối cùng trước khi đưa danh mục sách vào "Tủ sách đời người". Omega Plus sẽ là đơn vị xuất bản những cuốn sách này.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc Thư viện Quốc gia cho rằng: "Tủ sách đời người này là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, không chỉ lựa chọn những tác phẩm có giá trị chất lượng cho bạn đọc, mà còn giúp bạn đọc định hướng việc đọc sách cũng như là các phương pháp kỹ năng đọc sách hiệu quả."
Sự kiện ra mắt Tủ sách Đời người và khởi động bình chọn 100 cuốn sách nên đọc trong đời do Công ty Sách Omega Việt Nam (Omega Plus) tổ chức ngày diễn ra vào dịp ngành sách Việt Nam đẩy mạnh triển khai các sự kiện kỷ niệm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 4/11/2021