(VOV5) - Trong ngôn ngữ Việt, người ta dễ thấy có nhiều từ kép, từ đôi được cấu tạo gồm một từ gốc, hay còn gọi là từ căn - từ Hán Việt, "căn" nghĩa là gốc, kết hợp với một từ mà có nhà nghiên cứu Việt ngữ gọi là "từ đệm" với nghĩa đệm vào, thêm vào, thành từ đôi cân xứng, nói nghe đỡ "cụt", đỡ "cộc". Ví như tre pheo, làng mạc, nước nôi, gà qué, chó má, ngựa nghẽo, đất đai, tối tăm, sáng sủa, v.v.
|
Lũy tre làng. Ảnh: yendinh.thanhhoa.gov.vn |
Trong những từ kép đó, người ta dễ dàng nhận ra ngay là "từ căn", từ gốc có nghĩa khi đứng độc lập. Ví dụ như tre. Người Việt xem tre là loài cây hữu dụng, chung sống với sắc dân quần cư trên vùng châu thổ sông Hồng từ cổ xưa với nhiều "công năng" hữu dụng của nó. Việc lớn như làm nhà cửa, việc nhỏ hơn như làm đòn gánh đòn khiêng, sào phơi, sào chống thuyền; việc thường ngày như cái rổ cái rá, nong nia, dần sàng trong sinh hoạt gia đình làm nghề nông gia cơ bản, đều cần đến tre. Nhỏ hơn nữa như cái lạt buộc, cái nơm, cái giỏ, cái sào kéo vó, gọng vó… cũng là tre. Nhỏ đến như que tăm và trọng đại như đòn khiêng người "nghìn năm từ biệt cõi trần ai" cũng vẫn là tre nốt.. Ai cũng biết danh từ thuần Việt "tre" là để chỉ loài cây gắn bó thân thiết với người Việt, còn "pheo" trong tre pheo, chẳng có nghĩa gì khi nó đứng một mình.
Khác với từ căn, từ gốc có nghĩa khi đứng một mình, phần lớn từ đệm không có nghĩa khi đứng riêng, độc lập. Một số từ đệm có nghĩa chỉ ở trong một ngữ cảnh khác. Chẳng hạn từ "má" trong "chó má"; "má" là danh từ thuần Việt chỉ một loài rau quen thộc có tính "giải nhiệt"; hay đó còn là đại từ xưng hô, gọi "mẹ" của người miền Nam, thuộc phương ngữ Nam Bộ. Và "má" còn là danh từ chỉ một bộ phận lộ diện và nhậy cảm nhất của mặt người. Người Việt nói má hồng, là để chỉ người con gái đến thì xuân nữ. Trong ngôn ngữ Việt, có không ít từ, âm và tự dạng "la tinh" giống nhau tuyệt đối, nhưng nghĩa hoàn toàn khác biệt. Ví như "má" trong "chó má' không có bất cứ một liên đới nào đến "má hồng" hay "rau má' hết! Tương tự, từ đôi “làng mạc” thì danh từ "làng" trong "làng xóm" có lẽ không có người Việt nào, trừ thế hệ thứ hai thứ ba ở ngoài nước đang học ngôn ngữ mẹ đẻ như là một… ngoại ngữ lại không hiểu danh từ quen thuộc đó chỉ một đơn vị hành chính ở nông thôn từ thời phong kiến xa xưa. Từ đôi "làng nước" lại càng quen nữa, người Việt cổ chỉ biết có làng mình cư trú, quẩn quanh trong lũy tre làng và trên làng là "nước", to nhất, có ông vua trị vì. Nên mới có câu "phép vua thua lệ làng" nói đến sinh hoạt "tiền dân chủ" coi trọng quyền của "làng gần" sát sườn hơn cả vua xa, quyền lực khó với tới. Thế nhưng trong từ đôi "làng mạc" thì chỉ có "làng" là từ căn có nghĩa và từ đệm "mạc" ở đây cũng chẳng liên can gì đến từ gốc Hán đã Việt hóa lâu đời "mạc" là màn. Ai cũng biết "khai mạc" nghĩa chỉ là mở màn mà thôi, còn trong "làng mạc", mạc chỉ là từ đệm đứng một mình không có nghĩa gì.
Vấn đề còn là ở chỗ tại sao người Việt lại hay dùng từ "đệm" trong cấu tạo từ như tre pheo, làng mạc, chó má, gà qué v.v. Trong cách nói của người Việt, các từ đệm này cấp cho từ đôi một cái nghĩa khái quát dễ thấy. Ví như khi người ta nói "tre" thì chỉ là chỉ cây tre cụ thể hoặc khái quát hơn. chỉ một loài cây cụ thể. Nhưng khi người ta nói tre pheo thì nghĩa khái quát lại được mở rộng hơn nữa, chỉ đủ loài cây gần với tre, quấn quýt ở quanh cây tre, búi tre, làm thành bức tường cây độc đáo bao quanh làng quê Việt. Câu thơ biểu cảm "Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì" của nhà thơ người Việt hải ngoại Du Tử Lê, rặng tre ở đây bao gồm tre và không biết bao nhiêu loài cây gai góc trong thực tế ví như cây dứa dại, cây xương sọng, cây duối và đủ thứ dây leo rằng rịt. Cũng thấy cần nói thêm một chút về quán tính ngôn ngữ, là người Việt không mấy khi nói cộc lốc, một tiếng trong đời sống thường nhật nên tre đi đôi với pheo, làng đi đôi với mạc, chó đi đôi với má, gà đi đôi với qué… và thường thì từ đôi, có từ căn và từ đệm đó thuộc khẩu ngữ, ít khi được dùng trong ngôn ngữ nghệ thuật. Người ta hát ca từ "làng tôi xanh bóng tre" chứ có ai viết :"Làng . . . mạc tôi xanh bóng tre " bao giờ!
Chỉ có điều không biết những từ ghép đại loại như vừa dẫn ra khi dịch ra tiếng nước khác, nó sẽ ra sao? Làm sao còn đượm phong vị Việt, nghĩa là cái ý vị của tiếng nước mình nữa nhỉ! . . Hình như người viết lại lo cái việc '"con bò trắng răng" vu vơ…/.