(VOV5) - Hai hướng tiếp cận của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li đã tạo nên màu sắc đa dạng, riêng biệt trong dòng văn học ẩm thực.
Điều hay của văn học ẩm thực có lẽ chính là thông qua những miêu tả về mặt trải nghiệm đầy sống động của tác giả, độc giả ở mỗi hoàn cảnh, địa phương, vùng miền có thể sẽ có những cảm xúc, lý lẽ khác nhau khi nhớ tới những hương vị của các món ăn thân thuộc với mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Đã có thời, những trang văn hay về ẩm thực của các vùng miền của Việt Nam khiến độc giả yêu mến không kém gì những kiệt tác văn học kinh điển. Trong những tản văn, tuỳ bút của Vũ Bằng, Băng Sơn, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… người ta say mê cùng hương vị, cách chế biến, cảm xúc của người thưởng thức. Tận sâu trong đó không chỉ là câu chuyện đơn thuần về chế biến một món ăn mà còn là sự truyền tải về giá trị văn hoá tốt đẹp của con người, quê hương, vùng miền đó. Trong dòng văn học ẩm thực giống như mảnh đất bỏ hoang trong những năm gần đây, hai nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li dự định khơi lại mạch nguồn từ những tinh hoa ẩm thực trong các tác phẩm của mình.
Khung cảnh toạ đàm |
Nhà văn Di Li chia sẻ: “Di Li cho rằng qua món ăn là mã code của văn hóa và từ một món ăn sẽ đọc được rất nhiều thứ từ đó. Một nhà văn Mỹ đã nói rằng, hãy chỉ cho tôi bạn ăn gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai. Mỗi lần trải nghiệm ẩm thực mới là sự khám phá kỳ thú và đặt ra được nhiều mã code của dân tộc vùng miền đó, chứ không phải ăn là sự khoái khẩu. Đối với Di Li ăn thực sự là một hành trình khám phá”.
Văn học ẩm thực là dòng văn học đầy tinh tế mà không chỉ là câu chuyện đơn thuần về cái “ăn”. Ở đó nhà văn đưa chính những trải nghiệm sống động của chính cá nhân mình trở thành nghệ thuật. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì “Khi đã viết về nó, anh phải viết thật kỹ lưỡng và rung động về nghệ thuật làm ra nó”.
|
Còn đối với nhà văn Di Li, cô cho rằng: “Từ trước đến giờ Di Li vẫn cho rằng, văn học không nệ thể loại hay đề tài, Khi mà viết lâu rồi thì ngẫm ra rằng đỉnh cao của nghệ thuật chính là sự giản dị. Và đạt tận cùng của sự giản dị vẫn có thể thăng hoa được, người viết có thể đạt được sự chuyên nghiệp. Ở đây là câu chuyện văn chương chứ không phải chuyện ăn uống. Nhà văn Vũ Bằng viết đến vài chục tác phẩm nhưng bây giờ người ta nhớ đến Vũ Bằng là nhớ đến những tản văn, những tùy bút về ẩm thực, chứ những tùy bút về ẩm thực của Vũ Bằng lại không nổi tiếng bằng. Di Li nghĩ rằng khi người viết thăng hoa ở thể loại nào thì đó là cái họ phù hợp nhất. Ẩm thực là cái hồn cốt, chứa đựng ký ức da diết, tất cả những điều đó tạo thành văn chương”.
Nhà văn Di Li |
Trong cuốn tản văn “Mùi của ký ức”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đưa người đọc đến với hành trình trở về quá khứ, bắt đầu với mùi thơm của rau khúc, hoa cải, cà dầm tương… Một trong số 18 tản văn của mình ông có viết rằng “món ăn đó cho dù ta không trực tiếp ăn, nhưng khi ký ức ta dâng lên mùi vị của nó thì chính là lúc tâm hồn ta rộng ra một chút”.
Những trang văn của Nguyễn Quang Thiều mênh mang, u uẩn nhưng cũng vô cùng đầm ấm về thời quá khứ đã lùi xa, về những món ăn gắn bó với tuổi thơ thiếu thốn nhưng lại là những món ăn ngon nhất cuộc đời ông cho đến tận sau này. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Thực ra đầu tiên viết cuốn sách này là vì mình nhớ lại những món ăn đó. Tôi đang phục hồi trong phạm vi hẹp là gia đình tôi. Tôi muốn dạy con tôi một cách đơn giản nhất về cố hương của mình. Bởi mỗi lần nấu một món ăn gì đó, tôi lại kể một câu chuyện liên quan và con tôi đều hưởng thụ những điều đó. Và có lẽ những đứa con tôi cũng trở nên nghiêm cẩn và ngoan ngoãn, biết yêu quê hương của mình dù chúng không sinh ra và không sống hàng ngày ở đó. Không chỉ là ký ức và hoài cổ của một người đã luống tuổi như tôi, nhưng ẩm thực chứa đựng một điều gì đó làm cho đời sống của chúng ta trong đương đại có thể cân bằng lại. Ở mỗi dân tộc đều có mã code văn hóa và ẩm thực cũng là một con số nào đó. Tôi muốn nhắc lại điều đó, phục hồi nó, muốn nó mang ý nghĩa giáo dục…”
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Không trở về làng quê, nhà văn Di Li lại đi ra thế giới với tâm trạng đầy mê say, háo hức, muốn thưởng thức, khám phá.. Hai hướng tiếp cận với ẩm thực đã tạo nên một bức tranh tổng thể đầy màu sắc cho những độc giả say mê thể loại văn học này. Nếu như “Nửa vòng trái đất uống một ly trà” là những khám phá tinh tế và hài hước với ẩm thực tối giản của Nhật, sở thích ăn côn trùng ở Campuchia hay thói quen ăn cay ở Tứ Xuyên… thì “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” là 53 câu chuyện sống động, thú vị nhưng cũng không kém phần yêu thương, da diết với ẩm thực quê nhà của Di Li.
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: “Tôi đánh giá rất cao Di Li. Di Li không thuộc về một vùng đất nào cả. Chị sinh ra ở Hà Nội, chị biết 3,4 thứ tiếng, chị đi khắp năm châu. Chị là một con người của giai đoạn mới, giai đoạn hiện đại, con người của lớp trẻ mà không thuộc về một vùng đất cố định nào. Tôi rất thích bài “Tết này có tiếng rao đêm”, tôi thấy Hà Nội trập trùng hiện ra trong những ngày chúng tôi 16 tuổi lên đường để chiến đấu. Khi Di Li viết đã có sự va chạm đến bạn đọc một tầng nấc nào đó, nhưng bạn đọc lại sản sinh ra những điều mới. Thế hệ hôm nay có quyền trình bày những nhãn quan mà người ta đã vượt qua những tầng nấc chiều sâu của thời gian, chiều sâu thông qua những tầng văn hoá khác đề nói lên quan niệm của mình”
Hai hướng tiếp cận của nhà văn Nguyễn Quang Thiều và Di Li đã tạo nên màu sắc đa dạng, riêng biệt trong dòng văn học ẩm thực này. Người đọc cùng lúc thấy vừa quen, vừa lạ ở hai tác giả tài năng này. Mà nói như nhà văn Thuỳ Dương thì “Tôi thấy những người viết về ẩm thực là những người yêu thương cuộc sống này vô cùng, mới tinh tế đến thế, bạo liệt đến thế và chi chút từng dòng từng chữ như thế…”