Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Không phải đợi đến khi rừng khô, suối cạn, biển độc…, chúng ta mới quan tâm tới vấn đề môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề cấp thiết của toàn nhân loại. Cùng với các tác phẩm văn học sinh thái, các nhà văn cũng đã góp phần cảnh báo và thức tỉnh con người, nhằm hướng tới một môi trường tốt đẹp, giàu tính nhân văn.
Những loại sách về bảo vê thiên nhiên và môi trường của các tác giả trên thế giới đã được xuất bản nhiều ở Việt Nam. - Ảnh minh họa/Phuong Nam Book |
Thiên nhiên, từ lâu, đã là đề tài quen thuộc trong văn chương. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khái quát: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp”, thiên nhiên xuất hiện thường trực trong các sáng tác nghệ thuật. Thiên nhiên là người bầu bạn, là sự phản chiếu tâm trạng của con người: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du). Tuy nhiên, việc mô tả thiên nhiên một cách đơn thuần, thiên nhiên là “phương tiện” để “tải đạo”… không phải là đặc trưng của văn học sinh thái. Dòng văn học này nhấn mạnh sự bình đẳng giữa con người và tự nhiên, đặc biệt chú trọng đến trách nhiệm và nghĩa vụ của con người trong việc bảo vệ và duy trì cân bằng sinh thái.
Học giả Cheryll Glotfelty từng viết: “Chúng ta đã đi tới thời kỳ kiệt quệ của môi trường, thời kỳ mà chính hậu quả của những hành động do con người gây ra đang làm tổn hại hệ thống nâng đỡ sự sống của hành tinh này. Chúng ta đang ở thời kỳ đó. Hoặc là chúng ta phải thay đổi chính mình hoặc sẽ phải đối mặt với thảm họa toàn cầu đang phá hủy các vẻ đẹp tự nhiên, làm tuyệt chủng vô số loài sinh vật trong cuộc chạy đua điên cuồng dẫn chúng ta đến ngày tận thế”.
Cũng chính ý thức về khủng hoảng sinh thái, từ những năm 70 của thế kỷ trước, văn chương thế giới đã có hàng loạt tác phẩm đề cập tới nguy cơ sinh thái, hình thành nên một dòng văn học sinh thái lan tỏa khắp nơi. Ở nước ta, văn học sinh thái không đến mức là một khoảng trắng, những chắc chắn vẫn còn là khoảng trống. Thậm chí, rất khó có thể nói rằng đã có một dòng văn học sinh thái “made in Việt Nam”.
PGS.TS Văn Giá, giảng viên trường Đại học Văn hóa, nhận định: “Hiện nay môi trường kinh khủng quá, mà tôi thấy cái gọi là văn học sinh thái, văn học về môi trường ấy thì chúng ta lại có một khoảng trống lớn. Thiên nhiên, môi trường, sinh thái đang bị khai thác, hủy biệt một cách rất đáng sợ. Những người viết có thể không phải bằng một ý thức chủ động đâu nhưng cũng rất tự nhiên bước vào thế giới của sinh thái, môi trường, thiên nhiên, hoa cỏ, các loài động vật thực vật. Trong đó, tràn ngập sự gắn bó và chan hòa giữa con người với thiên nhiên. Đây cũng là một cảm xúc nhân văn rất tích cực.”
Nhà văn Nguyễn Văn Học - Ảnh: Báo Tin tức |
Chia sẻ quan điểm này, nhà văn Nguyễn Văn Học, một tác giả hiếm hoi có chủ ý khi viết các tác phẩm về đề tài sinh thái, cho rằng trong văn chương nước nhà khoảng 40 năm trở lại đây, vấn đề sinh thái đã được nhắc đến, nhưng không quá nổi bật, hoặc là một đề tài được chính người viết lưu tâm: “Thiên nhiên và các nhân vật có tính khái quát về sinh thái đâu đó cũng đã xuất hiện trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Nguyễn Đình Tú và Nguyễn Xuân Thủy.
Những năm qua thì rất nhiều bạn trẻ cũng đã chạm tay đến một vài khía cạnh về môi trường sinh thái như là các cảnh báo về hiểm họa sinh thái, hiểm họa môi trường do tác động cả khách quan lẫn chủ quan từ phía con người. Tôi cũng đã quan sát và cũng tìm hiểu khá là kỹ tác phẩm có yếu tố sinh thái thì cũng phải nhìn nhận rằng dường như văn chương sinh thái cũng đang bị bỏ ngỏ bởi vì các tác giả, các nhà văn đã động chạm tới vấn đề sinh thái như một dạng rẽ ngang qua hoặc môi trường đấy nó chỉ là một khía cạnh trong tác phẩm của họ thôi chứ không phải trở thành một nhân vật hoặc là một hình tượng cụ thể.” - Nguyễn Văn Học nói.
Dù phần lớn là tự phát, chúng ta cũng có ít nhiều tiếng nói về vấn đề sinh thái. Theo TS. Bàn Thị Quỳnh Giao, công tác tại Viện Văn học, từ văn học dân gian, nhất là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, đến văn học viết, văn chương Việt đã nhiều lần nhấn mạnh sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên: “Không phải là chỉ đến bây giờ đâu mà kể cả trong thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số hoặc là các dân tộc khác, chúng ta cũng đã đề cập đến rất nhiều những vấn đề như là làm thế nào để bảo vệ được nguồn nước, làm thế nào để bảo vệ được rừng, rồi làm thế nào để bảo vệ được ngôi nhà chung của Trái đất. Và đến những tác phẩm khác, ví dụ như những tác phẩm sau năm 1975 chẳng hạn thì con người và tự nhiên trong các tác phẩm ấy cũng đã được rất nhiều nhà văn tập trung nghiên cứu nó. Nguyễn Huy Thiệp cũng được coi là một trong những nhà văn của Việt Nam mà đề cập đến vấn đề môi trường, vấn đề là làm thế nào để chúng ta bảo vệ được môi trường sống của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và làm thế nào đó để mẹ thiên nhiên không phải nổi giận.”
Nhà văn Đỗ Bích Thúy - Ảnh: vanvn.vn |
Có lẽ cũng chính quan điểm vạn vật hữu linh của người vùng cao khiến những trang viết về đề tài này ít nhiều chạm tới vấn đề sinh thái, dù tác giả có ý thức về điều này hay không. Là tác giả của hơn 20 đầu sách viết về miền núi, nhà văn Đỗ Bích Thúy không chỉ đau đáu với phận người mà còn trăn trở về thiên nhiên khi chứng kiến cuộc chuyển giao giữa hiện đại và truyền thống. Chẳng hạn, trong “Ngải đắng ở trên núi”, chị viết: “Bao nhiêu năm nay người ở trên sàn nhà, trâu, ngựa, ngan, ngỗng ở dưới gầm sàn, tự dưng em mày đòi mang trâu ra ngoài vườn, con trâu mẹ ốm lên uống xuống, cho uống bao nhiêu muối cũng không khỏi…”
Sự gắn bó với thiên nhiên cũng được nhà văn Đỗ Bích Thúy chuyển tải một cách tự nhiên như hơi thở: “Tôi vẫn luôn nghĩ là với một tưởng tượng về tuổi thơ của mình, hoặc thậm chí đến bây giờ, cả đến lúc trưởng thành, làm mẹ của các cô thiếu nữ rồi, tôi vẫn nghĩ rằng tất cả cây cối xung quanh mình đều có linh hồn hết. Ở Hà Nội, tôi cũng trồng rất nhiều những cây nhỏ nhỏ mà tôi nghĩ rằng nếu mình bỏ bẵng, nó sẽ chết. Nhưng mình cứ chăm chút thì lúc nào nó cũng xanh biếc. Mọi người rất là ngạc nhiên tại sao là ở trong nhà mà cây vẫn cứ xanh. Tôi luôn tin rằng cái gì mình chăm chút đến nó thì nó cũng có những rung động. Thế nên cây nào đối với mình cũng là cây có kỷ niệm, và mình cứ nghĩ mình coi nó như người bạn ấy. Đặc biệt lúc bé, mình thực sự cái cây như người bạn.”
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể nhắc tới một số tên tuổi đương đại khác như Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Phấn, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thế Hùng… Khi con người không còn là trung tâm, một quan niệm mới, thậm chí một vị thế mới của tự nhiên đã dần được xác lập. Nhà văn Y Ban bộc bạch: “Tất cả các nhà văn, cả trên thế giới cả Việt Nam, đều có những dự cảm rồi, về việc thế giới sẽ phải đối đầu với sóng thần, với Covid và với tất cả những vấn đề như thế nào. Tôi đã viết một tiểu thuyết tên là “Công viên cứu hộ loài người”. Tôi cho rằng con người cần phải cứu hộ chứ không phải là các loài động vật và cây cỏ. Bởi vì con người, nếu mà cứ quá trớn như thế này, cứ sống như cái cách mà loài người đang sống như thế này, thì rõ ràng là sẽ đứng ở trên bờ diệt vong. Bởi vì, thực chất con người dù có trí tuệ cao siêu như thế nào cũng chỉ là một loài sinh vật sống trên Trái đất này thôi. Đây chính là những đòn mà có thể gọi là Thượng đế cảnh tỉnh con người vì tất cả mọi thứ đều có lằn ranh. Chúng ta phải sống khác đi mà thôi.”
Khi đối diện với dịch bệnh Covid 19 và những khủng hoảng sinh thái mang tính toàn cầu, người viết cũng có những trăn trở và băn khoăn riêng. Tuy nhiên, để những trăn trở băn khoăn này thai nghén thành tác phẩm vẫn là một hành trình dài. Trong bối cảnh hiện tại, sự thấp thoáng của tác phẩm viết về đề tài sinh thái ở nước ta có thể là một thực trạng đáng buồn. Bởi như nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm từng chất vấn: “Khi môi trường sống rơi vào khủng hoảng, văn chương đã ở đâu?”, nhất là khi văn chương không thể đứng ngoài đời sống. Nhưng từ cái nhìn lạc quan hơn, đây cũng có thể là cơ hội của các tác giả để văn học sinh thái thực sự trở thành một dòng văn học phát triển ở Việt Nam.