(VOV5) - Rất nhiều họa sỹ thành danh thời kỳ tiền Đổi mới và sau này, công nhận ông là một bậc thầy âm thầm, đã khai mở cho những sáng tác của họ.
Họa sĩ Trần Lưu Hậu, thuộc thế hệ các họa sĩ kháng chiến nổi danh, đã vừa qua đời vào tối 29/2 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi. Sự ra đi của ông của ông khiến giới mỹ thuật vô cùng bàng hoàng và thương xót.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Họa sĩ Trần Lưu Hậu tốt nghiệp trường Mỹ thuật khóa Kháng chiến (1950 - 1953) do danh họa Tô Ngọc Vân giảng dạy, sau đó ông tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Surikov, Moscow vào năm 1960. Là một trong những họa sĩ tiêu biểu của nền Mỹ thuật Việt Nam những năm 80, 90 thế kỷ trước, Trần Lưu Hậu có những đóng góp cả về bút pháp lẫn cái nhìn trong hội họa.
Họa sỹ 7x Phạm Hà Hải (áo đen) chụp hình kỷ niệm với danh họa Trần Lưu Hậu. - Ảnh: báo Tiền Phong |
Họa sĩ Trần Lưu Hậu từng công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam với nhiều vai trò khác nhau. Ông cũng tham gia thiết kế sân khấu cho Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam... T
rong lĩnh vực hội họa, họa sĩ Trần Lưu Hậu vẽ nhiều thể loại, nhưng được đánh giá là người lão luyện trong sử dụng màu gốc, màu nguyên bản ở tranh trừu tượng. Đề tài trong tác phẩm của ông thường về kháng chiến, phong cảnh thiên nhiên, phố phường Hà Nội, nông thôn, tĩnh vật...
Các tác phẩm của ông được triển lãm và sưu tập tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Pháp, Đức, Singapore, Nga, Hong Kong (Trung Quốc)... Nhiều tác phẩm nằm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tiêu biểu là bức "Vịnh Hạ Long"...
Không chỉ ghi dấu ấn ở sáng tác, Trần Lưu Hậu là thầy của nhiều họa sĩ thành danh như Lê Anh Vân, Thành Chương, Đặng Xuân Hòa... Hết chiến tranh, ông trở về Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nối tiếp sự nghiệp thầy mình, đào tạo lớp sinh viên trẻ.
Họa sĩ Trần Lưu Hậu.- Ảnh: Trần Lưu Tuấn. |
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Trần Lưu Hậu đã từng tâm sự: Về công việc ông hoàn toàn thanh thản. Vì quan niệm đúng, và cách sống của mình đúng với mình. Ông chỉ quan tâm đến cái đẹp thường nhật xung quanh, cái đẹp ngoài bất cứ cái gì “thời sự” để khai thác vào tranh. Mỗi một đề tài yêu thích, thì đào đến cùng kiệt, bóc mình ra cho tới đáp số cuối của một ý đồ công việc, vẽ hàng chục hàng trăm bức mới thôi. Làm như thế mới chuyên nghiệp, và mới dễ hình thành phong cách. Còn tranh bán được cũng tốt, để có thể sống thoải mái, có tiền giúp đỡ được gia đình, bạn bè anh em.
Cái ông bận tâm nhất, là sự cách tân ngôn ngữ hội họa, ông không quan tâm đến nội dung, vì “nội dung đời sống thì thời đại nào mà chả giống nhau”. Ông cho rằng chỉ khi ngôn ngữ nghệ thuật phát triển thì đời sống mới phát triển, còn không thì dẫm chân tại chỗ cả. Nền hội họa của một xã hội dẫm chân tại chỗ như mấy chục năm trước thì chỉ là mô tả, là tư liệu của đất nước đó, và như vậy thì ai vẽ cũng giống nhau, cũng dẫm chân tại chỗ...
Viết về họa sĩ Trần Lưu Hậu, họa sĩ Vũ Lâm bày tỏ rằng “Tranh ông là những bữa tiệc mầu sắc dọn nhanh, cả chay và mặn lẫn lộn, trông qua đã muốn xông vào “chén chú chén anh” ngay, nhưng cũng không ăn được nhiều, vì chẳng mấy chốc mà ngấy. Nhưng nghĩ đến là rất thèm, và nhớ lâu.
Chính những bước phá bỏ đề tài ấy, trong cái thời điểm mà “tư tưởng vẽ” còn nặng nề trước năm 1986, là một bước tự đổi mới âm thầm, kích thích các họa sỹ trẻ hơn, thuộc các thế hệ học trò của ông, vẽ vời “bung” tiếp nữa.
Rất nhiều họa sỹ thành danh thời kỳ tiền Đổi mới và sau này, công nhận ông là một bậc thầy âm thầm, qua công việc, qua những lời bình luận ngắn gọn, đã khai mở cho những sáng tác của họ, cho một quan niệm thẩm mỹ mới mẻ, trở về những vẻ đẹp đời thường, bình dị, tự sự cá nhân chứ không phải cái minh họa tập thể. Mà sau này, người ta gọi tên là Mỹ thuật thời kỳ Đổi mới”.
Nhà thơ Dương Tường đánh giá họa sĩ Trần Lưu Hậu là họa sĩ biểu hiện đầu tiên và trọn vẹn nhất của thế hệ ông và cũng là của hội họa đương đại Việt Nam. Nhà phê bình mỹ thuật Mỹ Jefferey Hantover thì cho rằng: "Ta có thể vạch một đường nối liền chủ nghĩa biểu hiện hiện đại Tây Ban Nha của El Greco đến Tahiti của Gauguin và Pháp của Matisse đến làng quê Việt Nam của Trần Lưu Hậu”. Còn tạp chí Mỹ thuật nhận xét, Trần Lưu Hậu là một trong mấy họa sĩ đã xóa bỏ định kiến về tính “bảo thủ” của thế hệ ông, nếu không muốn nói ông là người duy nhất đã triệt để làm điều ấy. Suy cho cùng, sự đơn giản vẫn chính là mục tiêu cao nhất của hội họa hiện đại, bởi vì nó bắt đầu được gọi là “hiện đại” kể từ khi nó bắt đầu đơn giản.
Sự ra đi của họa sĩ Trần Lưu Hậu để lại niềm tiếc thương lớn lao cho giới mỹ thuật. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam ngậm ngùi chia sẻ: “Họa sĩ Trần Lưu Hậu mất là một tổn thất cho mỹ thuật đương đại Việt Nam đang đứng trước một vận hội mới cần rất nhiều sự chuyển mình, thay đổi. Nhưng ông sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng tới các thế hệ sau…”.