(VOV5) - Thật thú vị khi thấy được những giá trị quen thuộc của Antigone trong văn học Việt Nam, chẳng hạn như khi ta so sánh Antigone với Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Dự án Sân khấu Antigone được Viện Goethe phối hợp cùng Nhà hát Tuổi trẻ và hợp tác cùng các đạo diễn sân khấu: Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long cùng với nhà sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng, biên đạo Trần Minh Hải và đạo diễn Lê Thị Hoà An từ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Vở kịch Antigone của Sophocles là một tác phẩm văn chương vĩ đại của thế giới. Trong 2.500 năm, những chất liệu kịch của Antigone đã truyền cảm hứng cho giới sáng tác và thách thức sự soi chiếu bản chất con người cùng vị trí của họ trong xã hội. Đưa Antigone lên sân khấu đồng nghĩa với việc so sánh thực tại của chúng ta với những chất liệu kịch ấy. Điều này có nghĩa là đưa những nhân vật nữ trong lịch sử cùng thái độ, phẩm cách của họ khi đứng giữa sự sống và cái chết vào trong ngữ cảnh đương đại.
"Antigone” là vở kịch của tác gia Hy Lạp vĩ đại Sophocles viết năm 443 trước Công nguyên, liên tục được sân khấu khắp nơi trên thế giới dựng lại mỗi năm. Vở kịch là phần tiếp theo của “Êđíp làm vua” từng được dàn dựng tại Việt Nam trước đây.
Sau bi kịch trong “Êđíp làm vua,” vua Oedipus buộc phải rời ngôi, hai người con trai bắt đầu tranh giành quyền lực, để rồi giết chết nhau trên chiến trường.
Người anh đã dùng binh lính ngoại bang để đánh đoàn quân nội bang của người em, anh bị vua Creon (người chú, người kế vị Oedipus khi hai con trai chưa đủ tuổi) coi là kẻ phản bội và không cho chôn cất sau khi chết. Bất cứ ai làm trái ý vua sẽ bị tước mạng sống, dù điều ông cấm cản thực chất trái với ý của các vị thần.
Trung thành với tư tưởng của các vị thần, không để người chết bị đối xử tồi tệ, nàng Antigone, một người con khác của Oedipus, đã bất chấp lời đe dọa của vua và kiên quyết mai táng đàng hoàng cho anh trai mình. Việc làm của cô bị phát hiện, vua Creon ra lệnh nhốt và bỏ đói cô trong hang.
Thế nhưng, khi nhà vua nhận ra sai lầm và định trả tự do cho Antigone thì đã là quá muộn, nàng đã treo cổ tự vẫn. Điều đó khiến cho hôn phu của nàng - con trai của của Creon - quá đau lòng mà quyết định chết theo. Sững sờ trước cái chết của con trai, hoàng hậu cũng tự kết liễu cuộc đời mình, để lại vua Creon với sự hối hận sâu sắc, nỗi đau khôn xiết vì cùng lúc mất cả vợ, con trai và cháu gái.
Vở Antigone từng được nhà hát Monte-Charge biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 5/2009 với sự kết hợp giữa tuồng Việt Nam và sân khấu mặt nạ Pháp- Ảnh: Báo An ninh Thủ đô. |
Vở kịch Antigone của Sophocles có thể còn xa lạ với đại bộ phận công chúng tại Việt Nam. Nhưng thật thú vị khi thấy được những giá trị quen thuộc của Antigone trong văn học Việt Nam, chẳng hạn như khi ta so sánh Antigone với Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Giống như Kiều, Antigone xuất thân từ một gia đình gia giáo, cô cũng phải đưa ra các quyết định mang tính đạo đức xuất phát từ lý do đạo đức để rồi sau đó cô phải gánh chịu hậu quả của hệ thống quyền lực và cai trị trong xã hội thời ấy. Từ câu chuyện của mình, Antigone có thể vừa là tấm gương, cũng vừa là sự khơi gợi những suy ngẫm cho chúng ta.
Antigone nói về lòng trung thành với gia đình và với đất nước, về phẩm giá con người và sự gắn kết xã hội, về tiến trình lịch sử và sự quan trọng của các cá nhân trong xã hội. Hay phải chăng toàn bộ cuộc đời của Antigone là một câu hỏi của định mệnh và nhân quả?
Sáu tác phẩm sân khấu mới mẻ, mỗi tác phẩm là một cách diễn giải đặc biệt của các đạo diễn Việt về Antigone sẽ được giới thiệu đến khán giả.
Như trước đó, một trích đoạn Antigone và Ismene của đạo diễn Đức Joachim Gottfried Goller có thể cho thấy việc những đạo diễn sân khấu phản ứng thế nào trước việc đóng cửa nhà hát trong thời đại dịch. Gottfried Joachim Goller đã dàn dựng phần mở đầu của Antigone và Ismene như một cuộc gọi video với các mô-típ đối lập giữa nội cảnh (Oikos) và ngoại cảnh (Polis). “Góc máy nhìn-vào-máy-quay” vừa là kết quả của sắp đặt đó, vừa được sử dụng có chủ đích để tác phẩm không trở nên quá điện ảnh. Cảm quan trực tiếp của người xem với tác phẩm nảy sinh cả từ sự phức tạp của văn bản, phần lớn dựa trên bản dịch của Friedrich Hölderlin.
Các diễn viên cũng tùy cơ ứng biến ở một số điểm. Về cơ bản, hai nhân vật đều mang tính đương đại và Ismene cũng phát triển một quan điểm rất hiện đại. Hai hình tượng nhân vật được xây dựng với các đối số tương đương nhau.
Với Dự án về Antigone trên sân khấu kịch Việt Nam, kinh phí được Viện Goethe hỗ trợ lên đến 200 triệu đồng/dự án - tác phẩm nghệ thuật. Nội dung hoạt động của dự án gồm 8 buổi trình diễn (sân khấu, nhạc, kịch…) được duyệt và trình diễn dự kiến từ 06/11/2021 đến 19/03/2022.