Vở kịch “Ngày tưởng niệm”, câu chuyện thời hậu chiến

(VOV5) - “Trong vở kịch có rất nhiều chi tiết tôi lấy từ cuộc đời của tôi. Cũng có chi tiết tôi  nghe từ những người lính Mỹ kể về sự đau đớn, dằn vặt trong tâm hồn họ trong thời gian tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Tôi đã đưa tất cả những điều đó vào vở kịch “Ngày tưởng niệm”. Cựu chiến binh Mỹ Brian Delate, đồng thời là diễn viên, biên kịch vở kịch Ngày tưởng niệm đã trải lòng trước khán giả của Việt Nam như vậy.

Vở kịch “Ngày tưởng niệm”, câu chuyện thời hậu chiến - ảnh 1
Cựu chiến binh Mỹ Brian Delate và NSND Lê Khanh trong vở kịch Ngày tưởng niệm


Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Vở kịch chuyến tới khán giả Việt Nam cái nhìn về thế giới nội tâm của Brest Westmoreland, cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh tại Việt Nam. Khán giả thấy một người Mỹ vật lộn với Hội chứng rối loạn khủng khoảng sau sang chấn (PTSD), một chứng bệnh về thần kinh mà rất nhiều người lính Mỹ gặp phải thời kỳ hậu chiến. Nhân vật trong vở kịch là một phần cuộc đời của tác giả, cựu chiến binh Brian Dalate. Ông  từng là hạ sĩ quan Mỹ đóng quân ở tỉnh miền trung Quảng Ngãi năm 1969-1970. Brian Dalate chia sẻ: “Sau khi tôi từ Việt Nam và quay về Mỹ thì cuộc sống của tôi rất đau khổ, với hội chứng chiến tranh và rất sợ hãi, thậm chí tôi đã có những hành động rất bạo lực và những cơn ác mộng, rối loạn về tâm lý, thần kinh. Tôi chẳng biết tôi ở đâu, tôi làm gì - Điều đó kéo dài rất lâu. Nhưng một thời gian nó cũng lắng đọng đi rồi đến ngày 11/9 thì khủng bố xảy ra, tôi chứng kiến chiếc máy bay đâm vào tòa nhà của trung tâm thương mại và điều đó làm sống lại trong tôi tất cả những hãi hùng của chiến tranh và do đó tôi chọn con đường nghệ thuật”.


Vở kịch “Ngày tưởng niệm”, câu chuyện thời hậu chiến - ảnh 2
Brian giao luu với khán giả sau buổi diễn

Câu chuyện diễn ra vào đêm trước ngày Tưởng Niệm tại một căn hộ nhỏ ở thành phố New York. Với một khoảng thời gian ngắn, Brian đóng vai cựu chiến binh Brest Westmoreland trong căn phòng với tư thế sẵn sàng tự sát. Ký ức sôi sục nhưng đeo bám, ám ảnh và hăm dọa, dồn đuổi nhân vật trong cơn cùng quẫn nhưng không bóp cò mà khiến Brest biến thành những người đồng ngũ, những người quen mà anh đã gặp ở Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Rồi trong hoài niệm những hành động khủng khiếp như cảnh hành quân lùng sục dưới đất, trên trực thăng, đốt phá, truy đuổi, bắn giết lại xuất hiện. Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh tham gia vào vở kịch, hóa thân thành một bóng ma chứng kiến cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật. Chị tâm sự: “Tác giả, nhân vật chính Brian đã phải trải nghiệm trong cuộc sống và ông đã tái hiện trên sân khấu. Và điều cản trở với tôi ngay lần đầu tiên và tác động mạnh đến tôi đó là vấn đề tâm linh. Chúng tôi đã gắng chạm đến phần tâm linh sâu thẳm đó để đưa đến khán giả và hy vọng khán giả hiểu được cái điều chúng tôi đang làm, đem đến một cảm xúc hoàn toàn là thiêng liêng cho khán giả”.


Xen lẫn những ký ức đáng sợ đó, một vài khoảng khắc tươi tắn hơn, là khi ký ức dừng lại ở những bức thư của người thân, sự ân cần, thăm hỏi, sẻ chia, nhớ về gia đình, cuộc sống tại Mỹ và người lính khao khát được trở về. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Một nước chiến thắng và một nước chiến bại thì hai bên đều mất mát đau khổ. Thành ra nói gì một bên sang chấn tinh thần kiểu này còn một bên sang chấn tinh thần kiểu kia. Ở Việt Nam người chịu đau khổ, khổ ải nhất và đau đớn nhất chính là người vợ, người mẹ, người phụ nữ không mang khuôn mặt của đàn ông”.


Vở kịch “Ngày tưởng niệm”, câu chuyện thời hậu chiến - ảnh 3
Thành viên của Tổ chức Sáng kiến trái tim người lính - Mỹ

Trong khuôn khổ các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm thúc đẩy hòa giải, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Mỹ, hội Việt Mỹ cùng tổ chức SHI (Mỹ) phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ triển khai dự án biểu diễn vở kịch Ngày tưởng niệm nhằm gây quỹ hỗ trợ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam. Bác sĩ - nhà thơ Edward Tick , người đồng sáng lập và đứng đầu SHI, cho biết: “Hội chứng rối loạn khủng hoảng sau sang chấn phổ biến trong các cựu chiến binh, nó hủy hoại thể chất, tinh thần của họ và tất cả các loại thuốc, cách chữa trị, tư vấn đều không hiệu quả. Và chỉ có sự hàn gắn vết thương giữa hai đất nước mới có thể giúp họ vượt qua được những cơn khủng hoảng. Tôi cho rằng nghệ thuật là một chiếc cầu và trên chiếc cầu đó mà người ta đi tới để gặp gỡ, trao đổi, để hiểu biết và yêu thương lẫn nhau  và một điểm tôi muốn nhấn mạnh là những điều trong đời thường chúng ta không nói hết được nỗi niềm của mình nên trong nghệ thuật chúng ta thể hiện được điều đó và làm cho mọi người hiểu biết một cách sâu sắc. Tôi nghĩ việc diễn vở kịch diễn ở Việt Nam không những là thành công, thắng lợi mà còn trên cả tuyệt vời”.


Sau buổi diễn, Brian chia sẻ: Tôi viết
Ngày tưởng niệm để những người chưa từng trải qua chiến tranh hiểu được những điều mà con em mình đã trải qua, cùng những nỗi dằn vặt, đau đớn mà họ phải chịu đựng sau khi chiến tranh kết thúc. Ngày tưởng niệm của Brian Dalate khiến những người trực tiếp đi qua chiến tranh tự suy ngẫm lại về quá khứ và những trải nghiệm của mình./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác