Vừa qua, tiểu thuyết đình đám một thời Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng chính thức được NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tái bản sau 46 năm. Bên cạnh Vòng tay học trò, 4 tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng cũng được tái bản bao gồm: Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông chờ người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh. Nhân việc ra mắt cuốn sách này, bạn đọc đã có dịp được gặp gỡ nhà văn Nguyễn Thị Hoàng tại các buổi trò chuyện, tọa đàm về sách của bà cũng như văn học đô thị miền Nam một thuở.
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng (ngoài cùng bên trái) khi đến dự buổi tọa đàm về Văn học đô thị miền Nam tại trường Đại học Văn hóa. |
Tại buổi tọa đàm ở trường Đại học Văn hóa, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói đến nhạc, ca từ của Huế thương, từng nhắc gián tiếp đến tác phẩm Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, khi mà cuốn truyện này chưa trở lại với bạn đọc: “Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ/Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò”.
Tiến sĩ Mai Anh Tuấn khẳng đinh việc xuất bản trở lại những tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng đánh dấu một mốc mới trong hành trình nhận thức lại giá trị văn chương đa dạng của văn học đô thị miền Nam 1954-1975 |
Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn cho rằng trường hợp tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng được xuất bản trở lại đã đánh dấu một mốc mới trong hành trình nhận thức lại giá trị văn chương đa dạng của văn học đô thị miền Nam 1954-1975: "Với bộ 7 tác phẩm trong năm 2020 của Nguyễn Thị Hoàng, tôi coi đó là một dấu mốc trên hành trình tái dựng, phục dựng văn hóa văn học đô thị Việt Nam 1954- 1975, trong đó bộ 5 tác phẩm Nhã Nam ấn hành là một bộ sách quan trọng và sang trọng để ghi nhận một trong những diện mạo văn chương nổi bật của đời sống văn học đô thị miền Nam."
Bộ 5 tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng do Nhã Nam in lại. |
Năm 1964, Vòng tay học trò được in trên tạp chí Bách khoa khiến dư luận xôn xao, vừa được công chúng đón nhận nồng nhiệt vừa gây ra những tranh cãi không ngớt. Năm 1966, tiểu thuyết chính thức xuất bản thành sách và lập tức trở thành “quả bom” trên văn đàn thời bấy giờ. Sau giải phóng, cuốn sách cũng không được in vì những những hiểu lầm.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết năm 1990, tác phẩm Nhật ký của im lặng của nữ nhà văn đã được NXB Đồng Nai in. Tuy nhiên ngoài tác phẩm đó, chưa có tác phẩm nào khác được in lại như vậy. Một số tác phẩm khác của văn học đô thị miền Nam được in dưới dạng “in lẫn” vào một số tuyển tập văn, thơ.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết tác phẩm Vòng tay học trò đã tham gia kiến tạo ký ức về Đà Lạt: "Bởi vì ở Việt Nam mình không có nhiều thành phố mà xung quanh nó có nhiều tự sự như thế đâu. Vòng tay học trò là một trong những cuốn sách có công để tạo dựng nên tự sự về Đà Lạt, Và cái tự sự về Đà Lạt ở thời điểm này không xa lạ lắm, như bối cảnh Đà Lạt mà cô Nguyễn Thị Hoàng mô tả có gì đó gần với Đà Lạt của Phạm Công Thiện, nó âm u, nhưng là nơi để dành cho suy tưởng."
Chia sẻ quan niệm về văn chương và kỷ niệm của mình gắn với Vòng tay học trò, nhà văn Nguyễn Thị Hoàng kể lại: “Tôi nhớ năm bảy mươi mấy, trong một hội trường văn nghệ, tôi được sắp xếp ngồi cạnh anh Văn Cao. Anh Văn Cao nói hồi đó anh đọc Vòng tay học trò, tất nhiên đọc thời bị cấm, anh cứ nghĩ đó là của một người lớn tuổi mà búi tóc chứ không thể là em được. Anh nói như thế và anh cười. Điều đó nhắc tôi hóa ra mình đã tỏ được suy nghĩ và tư tưởng. Tôi nghĩ nếu Vòng tay học trò thu hút thì do văn chương, ngôn từ chữ nghĩa và thứ hai là suy nghĩ từ một sự việc xảy ra. Tiểu thuyết cần hai món ăn, thứ nhất là văn chương bao gồm tất cả yếu tố đầy đủ của văn chương. Thứ hai nữa là tư tưởng."
Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng ký tặng độc giả. |
Khi các nhà nghiên cứu đưa ra đánh giá: sau 46 năm vắng bóng, việc tái bản Vòng tay học trò cùng 4 tác phẩm khác của Nguyễn Thị Hoàng được ví như “cầu nối” giúp độc giả trở về, tiếp cận với văn học đô thị miền Nam trước đây, thì tác giả lại cho rằng, tác phẩm của bà, tự thân là một thứ văn chương riêng biệt, không thuộc vào một dòng nào, hay một trào lưu nào, mà chỉ trôi chảy từ chính nội tâm của Nguyễn Thị Hoàng mà thôi. Bà khẳng định, với bà, việc tác phẩm được xuất bản lần này với bà không phải là sự trở lại mà là trở về: “Trở về theo nghĩa tôi đã đi xa tôi, đã tách rời khỏi tôi suốt 15 năm trời, để nếm trải tất cả mùi vị khổ ải của một con người, để chứng nghiệm được tồn tại của một người phải như thế nào trong cuộc vượt thoát đó”
TS Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí Đại học Văn hóa chia sẻ tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng mà chị thấy hấp dẫn lại là Tiếng chuông gọi người tình trở về: "Tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng thường hay đề cập những thái cực đối lập trong thế giới nội tâm sâu thẳm, những bản thể vừa phức tạp và vừa chân thực của con người. Trong cuốn tiểu thuyết này sự lấn bấn của các nhân vật nằm ở thái cực như vậy, tức là một mặt thì luôn luôn diễn ra những xung đột, những giằng xé, những sự bất thân giữa những người - ở đây là những nhân vật vốn rất thương yêu nhau, dành những tình cảm đối với nhau, và một bên là vì một lý do, một sự lấn bấn không giải tỏa được như vậy, hoặc chưa tìm được một sự tương thông như vậy. cho nên họ cứ đẩy nhau ra mãi, cuối cùng có thể tiềm tàng khả năng đánh mất nhau.
Tương thích với tiêu đề "Tiếng chuông gọi người tình trở về", tôi nghĩ đó là tiếng chuông của một khát vọng, của mong ước xóa nhòa sự xung đột, thậm chí là vượt lên những giới hạn của chính bản thân mình. Tiếng chuông của sâu thẳm lắng nghe và khát vọng được hiểu, được hòa nhập giữa mình và mọi người. Điều này rất là khó khăn, nhưng cũng rất là quý giá không chỉ trong đời sống mà tôi nghĩ là trong cả sáng tạo."
Quang cảnh buổi tọa đàm tại Đại học Văn hóa - Hà Nội |
Độc giả trẻ hôm nay đón nhận tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng như thế nào? Với tâm thế nào? Có phải như đón nhận một di sản của quá khứ, hay đón nhận như một tác phẩm chia sẻ được sự đồng điệu tâm hồn của tuổi trẻ, chẳng kể không gian và thời gian?
Như nhà văn trẻ Hiền Trang nói, thì: "Khi tôi tìm đến Vòng tay học trò, tôi hoàn toàn không phải muốn biết về một lịch sử nào mà tôi muốn biết thưởng thức nó theo đúng nghĩa thưởng thức một cuốn truyện. Tôi đọc theo cách tôi đọc một cái khát vọng kể chuyện, như xem một cây lớn lên, rất tự nhiên. Tôi thưởng thức toàn bộ ngôn từ, vấn điệu của nó một cách rất văn chương, như thế thôi. Tôi đọc cuốn sách này và tôi tìm sự đồng cảm với chính mình thay vì cố gắng giải nghĩa nó hay là cố gắng gán ghép cho nó một ý nghĩa gì khác, hay cố gắng tìm kiếm những thông điệp gì lớn lao hơn. Tôi đọc nó như một người bạn của mình. Tôi tìm thấy trong đấy những điều trùng hợp với cuộc sống của tôi."