(VOV5) - Theo dự báo của ADB, dự kiến nền kinh tế sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay và tiếp tục tăng lên mức tăng trưởng 6,2% vào năm 2025.
Bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm nay và 6,2% trong năm sau.
Đây là thông tin trong Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố trong cuộc họp báo sáng nay (11/04), tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại VN, phân tích báo cáo của ADB. |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2024 thông qua khôi phục tăng trưởng trên diện rộng, trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp chế biến xuất khẩu. Đây là những yếu tố rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Sản xuất nông nghiệp ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và kiều hối tích cực cũng là trụ cột khác giúp tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế.
Cùng với đó, thông qua việc duy trì thặng dư thương mại, phục hồi tiêu dùng trong nước và kích thích tài khóa được tiếp tục với chương trình đầu tư công đáng kể cũng là những yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng vào thời điểm này. Theo dự báo của ADB, dự kiến nền kinh tế sẽ phục hồi và đạt mức tăng trưởng 6% trong năm nay và tiếp tục tăng lên mức tăng trưởng 6,2% vào năm 2025. Dự báo này nếu thành hiện thực, sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực".
Thông tin thêm về triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho biết lạm phát của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 4% trong cả năm nay và năm sau.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, triển vọng tổng thể kinh tế Việt Nam vừa lạc quan, vừa thận trọng. Trong đó, lạc quan là năm 2024 và 2025, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi vững chắc. Chính sách tiền tệ và tài khóa đang hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần lưu ý và theo dõi những yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng, như: tác động từ kinh tế thế giới, rủi ro về địa chính trị, khó khăn nội tại, yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu.