(VOV5) - Nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 10/8. Sáng nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố tổ chức chương trình hội trại “Công lý cho những búp măng Cam” và “Ân tình làng Cam” nhân kỷ niệm 52 năm thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2013).
|
Trẻ em nhiễm chất độc da cam tham dự Hội trại " Công lý cho những búp măng cam". Ảnh Internet |
Chương trình bắt đầu bằng cuộc đi bộ “Đồng hành vì công lý” với sự tham gia của 1.500 người. Tiếp đó là hội trại dành cho nạn nhân chất độc da cam đến vui chơi, giao lưu thông qua các cuộc thi nấu ăn, vẽ, ca hát và chương trình tư vấn sức khỏe sinh sản, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí. Nhân dịp này, Ban Tổ chức trao 100 suất học bổng cho các học sinh khuyết tật; trao vốn cho một số gia đình nạn nhân chất độc da cam để chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ; trao nhà tình thương. Tại buổi lễ, các đơn vị, cá nhân đã quyên góp ủng hộ 6 tỷ đồng cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các hoạt động nhân đạo. Tham gia hội trại, bạn Đào Xuân Hạnh, đang học nghề tại trường khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Hôm nay em đến dự ngày hội dành cho nạn nhân chất độc da cam thì em rất vui, cùng chia sẻ với các bạn, giao lưu với bạn mới cùng hoàn cảnh với mình, hỏi thăm việc học tập và làm việc như thế nào. Ước muốn là mình học thật tốt để có việc làm ổn định, lo tương lai sau này”.
|
Nhiều nạn nhân chất độc da cam đã ngã xuống khi công lý chưa có lời giải đáp (ảnh: Minh Hòa) |
Với tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Vì nạn nhân chất độc da cam”, chính quyền và đoàn thể các huyện thuộc tỉnh Kon Tum đều tổ chức giao lưu, thăm tặng quà động viên tinh thần các nạn nhân chất độc da cam. Dịp này Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao 2 nhà tình nghĩa và giúp một gia đình nạn nhân sửa chữa nhà với tổng kinh phí 100 triệu đồng; phối hợp với các cấp hội, ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất cho nhiều gia đình nạn nhân da cam. Ông Lữ Đức Thìn, Phó chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kon Tum, cho biết: “Nạn nhân chất độc da cam mà Tỉnh hội đang quản lý hiện nay hầu như nhà cửa đều đã có cả rồi, đời sống cũng được nâng lên. Bởi vì hiện nay có sự giúp đỡ của toàn xã hội đối với nạn nhân chất độc da cam chứ không phải riêng gì Hội nạn nhân chất độc da cam. Nạn nhân chất độc da cam cũng tự vươn lên không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước”.
|
Giờ luyện tập của trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin làng Hữu Nghị (Hà Nội) (ảnh: Minh Hòa) |
Trong khi đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm mỹ thuật “Nỗi đau và chiến tranh” của họa sỹ Cao Lê Quang, người mang trong mình di chứng của chất độc da cam. Triển lãm kéo dài từ 9 - 20/8, trưng bày 52 tác phẩm sơn mài tổng hợp, khắc họa những hậu quả của chiến tranh còn sót lại và nỗi đau của những người bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn ước mơ được sống, được chia sẻ/.