(VOV5) - Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long có hệ thống kho lạnh quy mô nhỏ lẻ, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường.
Hệ thống cấp đông thủy sản - Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN |
Ngày 1/7, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phiên tham vấn dự thảo “Nghiên cứu phát triển chuỗi logistics lạnh thông minh phục vụ xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Đông” do EU tài trợ.
Hiện nay, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long có hệ thống kho lạnh quy mô nhỏ lẻ, mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thị trường. Theo các chuyên gia, có 14 địa điểm tiềm năng trên địa bàn 6 tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có thể xây dựng kho lạnh thông minh. Trong đó, đề xuất, kiến nghị EU tài trợ xây dựng 5 kho lạnh thông minh tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Mục tiêu đến năm 2030, sẽ phát triển khoảng 100 đến 200 kho lạnh thông minh tại khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trữ rau quả phục vụ xuất khẩu sang Châu Âu, Trung Đông.
Ông Lê Quang Thành, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng công trình hàng hải, cho rằng: "Thứ nhất là bố trí tại vùng trồng trái cây tập trung khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để trái cây có thể bảo quản lạnh, sớm nhất sau khi thu hoạch, rút ngắn con đường vận chuyển. Cái thứ hai đặt gần các tuyến đường giao thông, bến cảng để thuận tiện cho việc gom bằng đường bộ, đường thủy, các cảng, cảng thủy nội địa lớn khu vực, như là cảng Cái Cui hay một số cảng lớn trên sông Hậu".
Mục tiêu lâu dài của Dự án là hoàn thiện một chuỗi cung ứng lạnh thông minh, thông suốt từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ra khu vực cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sang đến các cảng của Châu Âu. Qua đó, chuyển dịch phương thức thu gom truyền thống bằng đường bộ với chi phí cao sang đường thuỷ nội địa nhằm giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh về giá cho rau quả Việt Nam.