(VOV5) - Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiếp tục là chủ đề cộng đồng quốc tế và Việt Nam quan tâm.
Đại sứ Lê Hoài Trung, trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ, nhấn mạnh việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền với số phiếu cao nhất chính là thể hiện sự cộng nhận rộng rãi của quốc tế đối với thành tựu toàn diện về đổi mới của Việt Nam.
Ông Lê Hoài Trung cũng khẳng định Việt Nam có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế trên cương vị là thành viên Hội đồng Nhân quyền.
|
Bỏ phiếu bầu thành viên. |
Trong khi đó, ông Trương Trọng Nghĩa, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng với số phiếu bầu chọn cao nhất, ông tin thế giới có lý do chính đáng để lựa chọn Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, những thành tựu về nhân quyền ở Việt Nam gần đây có một phần không nhỏ từ những chính sách pháp luật chăm lo cho con người.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng việc Việt Nam vừa trúng cử với số phiếu cao nhất trong 14 nước thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chứng minh thành tựu rất to lớn trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người. Điều này cũng được thể hiện rõ trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mà Việt Nam đang thảo luận, chuẩn bị thông qua, trong đó chương về quyền con người được đặt ở vị trí quan trọng, không còn nêu ở những phần sau như trước đây.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, thì cho rằng đây là một kết quả xứng đáng với những nỗ lực vì nhân quyền của Việt Nam.
Còn theo ông Chuck Searcy, cựu binh Mỹ sống tại Việt Nam từ năm 1995, cùng với việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy bảo vệ những quyền con người cơ bản đã ghi trong Hiến pháp Việt Nam./.