(VOV5) - “Tạo điều kiện cho tất cả các vùng đều phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của mỗi vùng để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết giữa các vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của cả nước”.
|
Hội thảo quốc tế về liên kết vùng khai mạc sáng 3/4 tại Hà Nội |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo quốc tế “Kinh tế vùng trong quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sự quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Ban Điều phối vùng Duyên hải miền Trung tổ chức sáng 3/4 tại Hà Nội. Chia sẻ tại hội thảo, ông Georg Christian Berger, Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh một điều kiện tiên quyết đối với phát triển kinh tế trong dài hạn của Việt Nam là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh. Phát triển kinh tế sẽ hiệu quả hơn khi nhà nước và tư nhân cùng chung tay thực hiện. Các hiệp hội doanh nghiệp vùng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền, có thể sẽ là yếu tố chính thúc đẩy phát triển kinh tế vùng: “ Một ví dụ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ở Đức đó là Vùng Ruhr thuộc Tây Đức. Khu vực này từng là trung tâm kinh tế công nghiệp nặng của Đức trong những năm sau chiến tranh, tuy nhiên khi các mỏ và xưởng luyện thép đóng cửa, vùng phải khôi phục lại nền kinh tế của mình. Để có được vị thế kinh tế mới, vùng đã quyết định chuyển đổi nền kinh tế sang các ngành công nghiệp tri thức hơn, như khoa học, truyền thông và công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, 15 chính quyền địa phương đã thiết lập một tổ chức vùng chung có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế vùng”.
Theo ông Vương Đình Huệ để khắc phục được tình trạng kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính hoặc đầu tư dàn trải trùng lặp thì cần xây dựng một số đặc khu kinh tế tạo động lực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá: “Phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực tạo sức lôi cuốn lan tỏa tới các địa phương trong vùng. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn nhất là vùng sâu vùng xa, phát triển kinh tế lâm nghiệp đổi mới cơ chế phân cấp phân quyền gắn với phân định nâng cao trách nhiệm của Trung ương và địa phương”.
Nhiều diễn giả tại hội thảo cũng khuyến nghị Việt Nam nên tính đến sự phù hợp giữa các yếu tố lịch sử và trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, đảm bảo tính công bằng giữa các cộng đồng, tầng lớp dân cư, dân tộc và cơ hội phát triển, chia sẻ lợi ích trong quá trình phát triển giữa các vùng, giữa các tầng lớp xã hội. Việt Nam cần cân nhắc tạo lập cơ chế chính sách thích hợp, thúc đẩy liên kết, tăng cường đầu tư theo vùng, để tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo.