(VOV5) - Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Liên Thái Bình Dương, kiến nghị Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp phát triển.
Sáng nay (19/9), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì khai mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023, với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.
Ngoài sự tham dự trực tiếp của khoảng 450 đại biểu tại điểm cầu chính ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Diễn đàn còn kết nối với sáu điểm cầu của các Học viện, trường đại học trong nước.
Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 khai mạc ngày 19/9 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: VOV |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam là sự kiện thường niên hằng năm của Quốc hội, là phương thức quan trọng để quy tụ và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân, cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước đóng góp vào các vấn đề quan trọng của quốc gia, các quyết sách của Quốc hội.
Sau khi điểm lại những thành tựu phát triển kinh tế mà đất nước đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt, như: sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn, nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhất là về thị trường đầu ra, dòng tiền, huy động vốn, áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác về phát triển bền vững…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: “Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài. Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển, đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Việt Nam cần tập trung giải quyết các thách thức bên trong, cả trước mắt, lẫn trong trung và dài hạn”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: VOV |
Ngay sau phiên khai mạc, đã diễn ra phiên họp chuyên đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”. Phát biểu tại đây, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Liên Thái Bình Dương, kiến nghị Chính phủ cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp phát triển: “Chúng tôi đã và đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng chúng tôi đã sáng tạo để phát triển, có sức bật vươn lên và có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tôi muốn kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội để tạo ra hành lang pháp lý hợp lý thông thoáng, để doanh nghiệp có thể làm được nhanh nhất những gì luật cho phép và thúc đẩy sự phát triển đổi mới”.
Ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng trong tương lai, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, nhất là xuất khẩu và tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Nhưng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm. Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam kiến nghị chính sách vĩ mô phù hợp đảm bảo hệ thống tài chính; giải quyết điểm nghẽn đầu tư công; tăng cường các cơ chế tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong Phiên toàn thể diễn ra buổi chiều với chủ đề: “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, nhiều đại biểu cho rằng nền kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng nhanh trong trung hạn, tiến tới tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Để lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững, Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới cho cả trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, Việt Nam cần phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, bền vững.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại Phiên toàn thể và 2 Phiên chuyên đề, hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học. Tại các phiên chuyên đề và phiên toàn thể cũng như tọa đàm cấp cao đã có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trong, ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn”.