(VOV5) - 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng (hơn 101 tỷ USD).
Sáng nay (29/05), tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm. Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng còn lại của năm nay.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này tăng ở 55/63 địa phương trên cả nước.
Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN
|
5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.580,2 nghìn tỷ đồng (hơn 101 tỷ USD), tăng 8,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20/05, đạt gần 11,07 tỉ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm ước đạt 8,25 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 5 tháng qua, cả nước có 98,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Về lĩnh vực du lịch, tính chung 5 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,6 triệu lượt người, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định:“Một điểm tích cực là đã có sự khởi sắc trong các đơn hàng của các ngành công nghiệp, như: dệt may, da giầy, đồng thời các ngành công nghiệp năm ngoái gặp nhiều khó khăn về thị trường thì năm nay đã có nhiều khởi sắc. Điểm tích cực nữa là đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo ra nguồn lực bổ sung rất tốt cho phát triển kinh tế”.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, xuất siêu hơn 8 tỷ USD.