(VOV5) - Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy ba không gian kinh tế, đó là kinh tế trong nước gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do và kinh tế số.
Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021 sáng 2/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các biện pháp để ngay trong quý 1 này có vaccine phòng COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2021. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Từ ngày 27/1 đã xuất hiện một số ca COVID-19 trong cộng đồng. Đến nay có 240 ca thống kê đến tối qua. 10 tỉnh, thành phố đã có ca mắc COVID-19. Dù đang trong quá trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhưng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19, đặc biệt là Bộ Y tế, các địa phương đã chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, đã vào cuộc với các biện pháp, chủ trương đúng, kịp thời. Những chủ trương như tăng cường lực lượng, khoanh vùng ổ dịch, truy vết, xét nghiệm trên diện rộng, dừng một số hoạt động, kiểm tra đôn đốc quyết liệt được áp dụng. Cho nên đến nay chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dù còn nhiều diễn biến phức tạp”.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về tình hình kinh tế xã hội tháng 1, Thủ tướng cho biết kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 22%; Xuất nhập khẩu tăng trên 45%, là mức tăng kỷ lục và xuất siêu; Giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp mới thành lập đều đạt kết quả đáng mừng.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy ba không gian kinh tế, đó là kinh tế trong nước gần 100 triệu dân; kinh tế quốc tế với các hiệp định thương mại tự do và kinh tế số: “Việc tận dụng thời cơ, tạo môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn, nhất là các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam, kể cả mở rộng quy mô đầu tư như Intel, Samsung. Một tinh thần lớn là Việt Nam không đảo ngược chính sách mà tiếp tục thúc đẩy cởi mở hơn nữa, tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam. Chúng ta cần có cách làm phù hợp để thúc đẩy phát triển. Chúng ta phải tiếp tục điều hành vĩ mô ổn định, tạo niềm tin cả kinh tế và y tế. Chính vì vậy, những vấn đề chúng ta đã nói như tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là những vấn đề rất lớn của chúng ta”.
Bên cạnh vấn đề chống dịch, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải quan tâm chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai, vùng bị phong tỏa do dịch. Tinh thần là đảm bảo hàng hóa dồi dào, an toàn, kiểm soát tốt giá cả, chống đầu cơ.