Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quy tụ và cố kết cộng đồng người Việt

(VOV5)- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xem là một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự cố kết cộng đồng của người Việt.


Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quy tụ và cố kết cộng đồng người Việt - ảnh 1
Sân khấu hóa lịch sử các Vua Hùng tại các trường học ở TP Hồ Chí Minh góp phần phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ảnh: Minh Anh


Sáng nay (26/12), tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức nhân dịp 3 năm ngày UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam, là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia một lần nữa khẳng định: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được xem là một biểu tượng phản ánh tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc và sự cố kết cộng đồng của người Việt. Trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, triết lý “con người có tổ có tông”, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tâm thức hướng về cội nguồn là giá trị văn hóa được thể hiện cô đọng nhất.Tín ngưỡng này trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử và ngày càng phát triển, ăn sâu, bám rễ trong tâm thức người Việt, chứng tỏ giá trị cả trong thời hiện đại. Giáo sư,Tiến sỹ Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, nhấn mạnh: Đến tận bây giờ, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất lưu tâm đến việc bảo vệ và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, như là một trong những di sản tinh thần, tài sản tinh thần quý báu của dân tộc. Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, sức sống của tín ngưỡng đặc biệt này, của di sản văn hóa đặc sắc này sẽ tiếp tục được lưu truyền, phát huy).


40 tham luận tại hội thảo đã khái quát được tổng thể “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, từ lịch sử hình thành, ý nghĩa, những biến đổi và giá trị trong thời đại ngày nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Được biết, cả nước hiện có hơn 1.400 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương cần được giữ gìn, trùng tu, tôn tạo và khai thác hợp lý.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác